Thận trọng không thừa

ANTĐ - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6 không còn giảm như tháng 5 cũng như tháng 6 năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng bình quân của 5 tháng đầu năm và thua sút so với tốc độ tăng bình quân của tháng 6 cùng kỳ 9 năm trước. Dù được nhận diện dưới góc độ nào thì CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm nay cũng thuộc loại thấp.

Nguyên nhân nào khiến CPI tăng thấp và nó tác động như thế nào đến nền kinh tế và đời sống người dân? Một nguyên nhân rõ rệt nhất là do giá lương thực đã giảm sâu trong năm 2012 và tiếp tục giảm trong 6 tháng qua. Giá lương thực chỉ tăng trong dịp Tết, sau đó giảm liên tục trong 4 tháng nay là nguyên nhân rất quan trọng vì giá lương thực chiếm tới 40% tổng chi tiêu cho tiêu dùng. Riêng với nhóm dân cư thu nhập thấp và trung bình, tỷ trọng này còn chiếm quá nửa. Lương thực giảm giá là niềm vui đối với người tiêu dùng nói chung, đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo và người thu nhập thấp nói riêng. 

Một nguyên nhân trực tiếp và có ý nghĩa quan trọng khiến CPI tăng thấp, theo giới chuyên gia là do tổng cầu tăng thấp, có mặt còn bị sụt giảm. Vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước thực hiện trong 6 tháng đầu năm giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm sâu hơn tới 12,7%. Tốc độ tăng hàng tồn kho sản phẩm công nghiệp tuy có chậm lại, nhưng vẫn còn cao hơn so với tốc độ tăng chỉ số sản xuất. Một nguyên nhân khác là mức nhập siêu đã thấp hơn, tính chung 5 tháng là 1,2 tỷ USD. Theo phân tích, một yếu tố không thể bỏ qua là tâm lý, yếu tố thường được cho là phi kinh tế, nhưng lại có tác động lớn, đó là sau nhiều tháng CPI tăng thấp, giá vàng và giá USD tăng không đáng kể cùng với tâm trạng “thắt lưng buộc bụng” trong dân cư xuất hiện trở lại, thì sức ép của tâm lý kỳ vọng lạm phát đã bắt đầu giảm xuống. 

Dưới góc độ kinh tế xã hội, diễn biến tình hình, trong nửa đầu năm nay là tín hiệu khả quan để cả năm nay chỉ số CPI có thể chỉ tăng bằng hoặc thấp hơn năm ngoái. Tuy vậy, một số chuyên gia kinh tế khuyến cáo rằng, chưa thể lơ là, chủ quan vì CPI trong 6 tháng cuối năm sẽ đứng trước một số thách thức không thể coi thường. Sự nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ có thể sẽ “quá liều” cần thiết, chuyển từ cực này sang cực khác. Đã có những kiến nghị cần tăng bội chi ngân sách nhà nước, tăng nợ công, trong khi thực tế, tỷ lệ bội chi ở mức 4,8% GDP đã là quá lớn, nếu cộng với cả trái phiếu chính phủ thì tỉ lệ bội chi sẽ lớn hơn nhiều. Chưa kể yêu cầu chi tiêu cho mũi nhọn tái cơ cấu, tăng dự trữ ngoại hối còn rất lớn. Nếu nhập siêu tăng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn lớn, thì tỷ giá có thể tăng và tác động kép đến lạm phát.

Thận trọng là không thừa, đó là ý kiến của giới chuyên gia. Nếu các ngành, doanh nghiệp thực hiện lộ trình tăng giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiếu sự phối hợp chặt chẽ, thiếu sự thận trọng về liều lượng và thời điểm sẽ cộng hưởng và kích hoạt lạm phát quay trở lại.