Thận trọng khi dùng dầu dừa trong nấu ăn

ANTD.VN - Thực tế, dầu dừa có chứa hàm lượng chất béo bão hòa khá lớn, và liệu đây có thể là nguyên nhân dẫn tới các bệnh về mỡ máu, tim mạch, huyết áp… 

Dầu dừa: thực phẩm vàng?

Chỉ cần gõ 2 chữ “dầu dừa” lên thanh công cụ tìm kiếm của Google, trong 0,42 giây, bạn sẽ tìm được khoảng 2,8 triệu kết quả. Và trong các loại dầu thực vật, “dầu dừa” cũng đang là từ khóa đứng đầu xu hướng tìm kiếm trên Google của người sử dụng. Trước đây, dầu dừa chủ yếu được sử dụng để làm đẹp.

Trên các diễn đàn dành cho phụ nữ, chị em truyền tai nhau kinh nghiệm dùng dầu dừa để tránh da khô nẻ vào mùa đông, tránh rạn da khi mang bầu… Một số người còn khẳng định: dầu dừa rất hữu hiệu trong làm trắng răng hay còn có khả năng giúp lông mi cong, dài tự nhiên…

Một thông tin khác đăng trên tờ Telegraph (Anh) cho biết, cá và khoai tây được rán bằng dầu thực vật chứa nồng độ aldehyde - chất có khả năng gây ung thư, cao gấp 100 - 200 lần mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Nguyên nhân là bởi khi được đun nóng ở nhiệt độ cao (khoảng 180 độ C) trong dầu ăn sẽ xảy ra những phản ứng hóa học có hại. 

“Không nên thay thế hoàn toàn các loại dầu ăn khác bằng dầu dừa mà nên sử dụng đan xen. Nghĩa là, với những món chiên, rán ở nhiệt độ cao, bạn có thể dùng dầu dừa, song với các món xào, nấu ở nhiệt độ thấp, hãy sử dụng các loại dầu thực vật khác”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học   và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội)

Cũng trong nghiên cứu này, Giáo sư Martin Grootveld - người đứng đầu nghiên cứu cho biết: trong tất cả các loại dầu như: dầu hướng dương, dầu ôliu, dầu ngô, bơ, dầu dừa được coi là an toàn nhất. Các phản ứng có hại của dầu dừa thậm chí chỉ bằng 1/10 dầu hướng dương.

Sau khi thông tin này được lan truyền rộng rãi trên các mặt báo, các diễn đàn, cơn sốt dầu dừa lại một lần nữa bùng phát. Cũng từ đây, nhiều cơ sở sản xuất dầu dừa xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu về loại dầu ăn an toàn cho sức khỏe. 

Chị Nguyễn Ngọc Thảo (quận 7, TP.HCM) chia sẻ: “Từ ngày biết thông tin dầu ăn có thể gây ung thư, gia đình tôi đã chuyển sang dùng dầu dừa để nấu nướng, chiên xào. So với các loại dầu ăn khác, dầu dừa có giá chỉ cao hơn một chút (khoảng 60.000/lít cho dầu dừa tinh luyện), nhưng yên tâm hơn”.

Ăn dầu dừa: dễ mắc bệnh tim mạch, mỡ máu…

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, dầu dừa chứa hàm lượng chất béo rất lớn, thế nên cần hạn chế đưa vào bữa ăn hàng ngày. 

Cụ thể, các phân tích dinh dưỡng chỉ ra rằng: Với dung lượng khoảng một muỗng canh, dầu dừa chứa 117calo, 14g chất béo, 12g chất béo bão hoà, và không có vitamin hay khoáng chất. 

Thực tế, chất béo bão hòa trong dầu dừa có thể làm tăng cholesterol máu, từ đó làm tăng nguy cơ về các bệnh tim mạch, mỡ máu… Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, dầu dừa hay các chất béo hòa khác chỉ nên chiếm 7-10% tổng lượng calo mỗi ngày của mỗi người. Thậm chí, với những người đang sẵn có vấn đề về tim mạch hay mỡ máu..., lượng chất béo này nên ít hơn nữa.

Tất nhiên, với mỗi người, chất béo luôn cần thiết và không nên loại bỏ hoàn toàn ra khỏi thực đơn hàng ngày, tuy nhiên, chúng ta chỉ nên sử dụng chất béo không bão hòa - các chất béo không bị đông đặc ở nhiệt độ thường (trong khi các chất béo bão hòa thường đông đặc). Chất béo không bão hòa được coi là chất béo tốt vì nó có khả năng làm giảm lượng cholesterol máu. Các loại chất béo này lại thường được tìm thấy ở dầu đậu nành, dầu ngô, dầu ôliu…

Cũng chính vì những lý do trên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chúng ta không nên thay thế hoàn toàn các loại dầu ăn khác bằng dầu dừa mà nên sử dụng đan xen. Nghĩa là, với những món chiên, rán ở nhiệt độ cao, ta có thể dùng dầu dừa, song với các món xào, nấu ở nhiệt độ thấp, hãy sử dụng các loại dầu thực vật khác.