Thần Quy - đình cổ tiêu điều chờ tu bổ

ANTD.VN - Được khởi dựng từ thời Lý, đến năm 1997, đình Thần Quy ở xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, đã chính thức được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Sau nhiều năm tồn tại, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng, một bên mái bị sập, toàn bộ cột kèo mối mọt đục lở lói...

Thần Quy - đình cổ tiêu điều chờ tu bổ ảnh 1Đình Thần Quy hoang tàn chờ tu bổ

Đình cổ: Cửa đóng then cài, hương lạnh khói tàn

Vì lý do an toàn, từ lâu những người trông coi đình Thần Quy buộc phải cửa đóng then cài, không cho người làng vào hương khói vì sợ đình có thể sập bất cứ lúc nào, nguy hiểm tới tính mạng. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm, song ngôi đình cổ vẫn thuộc diện chờ… tu bổ. Mảng sân phía trước đình rộng tới 9.000m2, cỏ mọc tốt um do ít khách qua lại, không người chăm sóc. Quãng thời gian này, Hà Nội hết bão rồi mưa,  người dân trong làng càng nhân lên nỗi lo đình sập.

Phía ngoài đình trông vốn đã xác xơ và hoang tàn, bên trong di tích quốc gia về nghệ thuật kiến trúc càng thảm thương gấp bội vì kèo, cột, xà… mối mọt đục ruỗng, mái ngói sạt lở từng mảng lớn, ban thờ bụi phủ hương lạnh khói tàn. Giải pháp tình thế chống sập được áp dụng là chống tạm bằng cột tre, rồi quây tôn…

Ông Vũ Văn Vương - một người dân trong làng được giao trách nhiệm giữ chìa khóa đình hơn một năm nay cho biết, đình xuống cấp đã 5-7 năm nay, ngày càng xập xệ. Mái ngói chính giữa gian thờ đã sập xuống khi cơn bão số 7 năm 2012 đổ về, xã phải hỗ trợ tiền lợp tạm mái tôn chống dột. Nhưng rồi, lần lượt mái ngói ở vị trí phía Bắc, phía Nam ngôi đình cũng dần dần đổ sụp, mùa khô còn đỡ, mùa mưa thì lo canh cánh đình sập.

Mọi hoạt động lễ bái, tâm linh của người dân ở đình Thần Quy vì thế cũng ngưng trệ. Từ 2006 đến nay, ngày 8-8 âm lịch và 10-11 âm lịch không tổ chức hội làng và giỗ Thánh tại đình nữa vì không đảm bảo an toàn.

Tình trạng xuống cấp: Trách nhiệm của cán bộ địa phương?

Qua trao đổi với ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội được biết, Dự án tu bổ tôn tạo đình Thần Quy được lập và đã được Bộ VH-TT&DL có văn bản thẩm định vào năm 2010.

Tại văn bản thẩm định dự án, Bộ VH-TT&DL đã đề nghị xem lại nguồn vốn đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích cho đúng với thực tế (không có từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa).

Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 20-3-2013 của UBND TP thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Văn hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015 không có di tích đình Thần Quy. Đề xuất tu bổ di tích đình Thần Quy đã được huyện đề nghị từ các năm trước. Sở VH-TT&DL (nay là sở VH-TT) đã trình Bộ thẩm định.

Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2015, thực hiện theo Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách TP Hà Nội thì UBND cấp huyện có trách nhiệm đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn do cấp mình quản lý; trách nhiệm bố trí nguồn vốn tu bổ di tích trước tiên là thuộc huyện.

Cũng theo ông Trương Minh Tiến, năm 2016, thành phố hỗ trợ mỗi quận, huyện 4,5 tỉ đồng (có 3 huyện được hỗ trợ 5,5 tỷ đồng) chống xuống cấp các di tích. Theo danh sách ban đầu thì đình Thần Quy không nằm trong đề xuất 11 di tích của Phú Xuyên nhận được số tiền chống xuống cấp của thành phố năm vừa rồi. Tuy nhiên, do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nên huyện Phú Xuyên đã bổ sung thêm đình Thần Quy nhận nguồn tu sửa này.

Ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh: “Theo tôi, trách nhiệm trước hết thuộc chủ đầu tư (UBND xã) thiếu tích cực, sự chỉ đạo đôn đốc của huyện Phú Xuyên thiếu quyết liệt, sát sao. Thủ tục tu bổ cấp thiết quy định trong Luật Di sản văn hóa được rút ngắn hơn nhiều so với thủ tục lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hay dự án.

Hiện nay, chỉ cần lập phương án tu bổ cấp thiết, trình UBND TP, qua thẩm định của Sở VH-TT là triển khai thi công. Để chậm trễ, dẫn đến tình trạng xuống cấp, nguy cơ di tích đổ sập thuộc về năng lực và trách nhiệm của cán bộ địa phương.

Thành phố đã hỗ trợ 400 triệu đồng chống sập từ năm 2016 không thể lấy lý do về sự chậm trễ này được. Di tích xuống cấp nặng thì phải làm tu sửa cấp thiết để chống đổ chống sập, đồng thời là huyện chủ động bố trí nguồn chuẩn bị đầu tư cho dự án để làm các thủ tục để lập dự án; không nên ngồi chờ nguồn tiền khác mới bố trí lập dự án”.

Bảo toàn di tích: Khẩn trương tu bổ cấp thiết

Mới đây, Sở VH-TT Hà Nội đã có Công văn số 2251/SVHTT-QLDT gửi UBND huyện Phú Xuyên và Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong đó khẳng định đình Thần Quy xuống cấp nặng ở hầu hết các bộ phận. Sở VH-TT Hà Nội cũng đã điểm lại quá trình xin tu bổ từ năm 2015 đến nay.

Ngoài ra, trong công văn Sở còn đề nghị huyện Phú Xuyên chỉ đạo các phòng chức năng khẩn trương thực hiện tu bổ cấp thiết chống đỡ, chống sập cho di tích từ nguồn kinh phí do UBND huyện cấp năm 2016; tổ chức di chuyển hiện vật tới vị trí an toàn… Đồng thời, hướng dẫn huyện Phú Xuyên, xã Minh Tân các bước tiến hành thực hiện dự án tu bổ.

Để đảm bảo an toàn cho Di tích Quốc gia đình Thần Quy, Cục Di sản văn hóa cũng ra Văn bản số 449/DSVH-DT gửi Sở VH-TT Hà Nội đề nghị triển khai việc hướng dẫn chính quyền và nhân dân địa phương bao, che, chống đỡ, gia cố tạm thời, bảo quản hiện vật và tiến hành tu sửa cấp thiết di tích. 

“Năm 2016, thành phố hỗ trợ mỗi quận, huyện 4,5 tỉ đồng (có 3 huyện được hỗ trợ 5,5 tỷ đồng) chống xuống cấp các di tích. Theo danh sách ban đầu, đình Thần Quy không nằm trong đề xuất 11 di tích của Phú Xuyên nhận được số tiền chống xuống cấp của thành phố năm vừa rồi. Tuy nhiên, do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nên huyện Phú Xuyên đã bổ sung thêm đình Thần Quy nhận nguồn tu sửa này”.

Ông Trương Minh Tiến (Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội)

“Hiện nay xã đã thuê 1 kỹ sư thiết kế phương án chống sập, lợp mái che bên ngoài chống dột. Các phòng, ban của huyện Phú Xuyên đang triển khai trình báo cáo xin phép Sở VH-TT Hà Nội. Sau khi được đồng ý chúng tôi sẽ tiến hành thi công ngay phương án chống sập cho di tích”.

Ông Tô Văn Thanh (Chủ tịch xã Minh Tân)