Thân phận nhọc nhằn ở những xưởng tôm công nghiệp Thái Lan

ANTĐ - Hãng thông tấn AP của Mỹ vừa đăng bài phóng sự điều tra về tình trạng bóc lột người lao động trong ngành công nghiệp tôm của Thái Lan. Ngay sau đó, các quan chức và nhà hoạt động nhân quyền Mỹ kêu gọi người dân nước này ngưng mua tôm có nguồn gốc từ các nhà xuất khẩu Thái Lan.

Thân phận nhọc nhằn ở những xưởng tôm công nghiệp Thái Lan ảnh 1Lao động trẻ em được giải thoát từ một xưởng chế biến tôm ở tỉnh Samut Sakhon

Làm việc 16 giờ trong nước đá

Mỗi sáng, vào lúc 2h, những lao động tại xưởng tôm lại nghe thấy tiếng đạp mạnh vào cửa kèm theo lời đe dọa: “Dậy hay bị đánh”. Trong 16 tiếng tiếp theo, No.31 (số 31) và vợ anh phải bóc vỏ tôm bằng đôi tay tê cứng ngâm trong nước đá để phục vụ cho việc xuất khẩu tôm đi thị trường nước ngoài, trong đó có các cửa hàng tại Mỹ, châu Âu và châu Á.

Sau khi bị bán cho nhà máy Gig Peeling của ông chủ người Thái Lan, 2 vợ chồng này bị nhốt tại xưởng cùng với gần 100 lao động nhập cư khác người Myanmar. Trẻ em cũng làm việc ở đây nhưng chỉ được trả công bèo bọt hoặc không được trả lương. Khi họ làm việc, luôn có người theo dõi, giám sát. Ông chủ không gọi tên người lao động mà đánh theo số, với số 31 là tên của Tin Nyo Win, 22 tuổi. Vợ chồng anh Tin Nyo Win bóc được khoảng 80kg tôm một ngày nhưng chỉ được trả 4USD, chưa bằng một nửa so với những gì họ được môi giới lao động hứa hẹn trước đó. Sau khi phải trả tiền mua găng tay và ủng cao su cũng như phí lau dọn hàng tháng, họ gần như không còn đồng nào. 5 tháng sau khi bị nhốt trong xưởng chế biến, Tin Nyo Win cùng vợ quyết định không chịu đựng thêm nữa. Lợi dụng lúc chủ không để ý, họ bỏ trốn. Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, vợ anh bị chủ bắt lại. Tin Nyo Win bất lực nhìn theo vợ bị lôi đi. 

Các lao động tại nhà máy chỉ được phép nghỉ ăn trưa 15 phút và sẽ bị la mắng nếu nói chuyện quá nhiều. Thậm chí ngay cả khi bị ốm, họ cũng bị bắt làm việc. Một số lao động nói rằng, một phụ nữ đã tử vong vì không nhận được chăm sóc y tế phù hợp. Trẻ em không bao giờ được tới trường và bắt đầu bóc vỏ tôm chỉ sau người lớn 1 giờ. “Chúng cháu phải dậy lúc 3h sáng rồi làm việc liên tục. Chúng cháu chỉ được nghỉ lúc 19h, sau đó tắm rửa và đi ngủ để trở lại công việc vào sáng sớm hôm sau”, em Eae Hpaw, 16 tuổi, tay đầy vết sẹo, cho biết. 

Thân phận nhọc nhằn ở những xưởng tôm công nghiệp Thái Lan ảnh 2Tin Nyo Win và vợ Mi San bị cảnh sát tống giam với cáo buộc sử dụng lao động bất hợp pháp

Ngành công nghiệp tỷ đô

Các phóng viên AP đã theo dấu các xe tải chở đầy tôm mới bóc vỏ từ nhà máy Gig Peeling đến các công ty xuất khẩu lớn của Thái Lan, sau đó sử dụng dữ liệu của hải quan Mỹ và các báo cáo của ngành công nghiệp Thái Lan để theo dõi đường đi của các sản phẩm tôm này trên toàn cầu. Họ phát hiện các sản phẩm tôm của Gig Peeling đã theo các kênh cung cấp để vào các siêu thị và cửa hàng thực phẩm lớn của Mỹ như Wal-Mart, Kroger, Whole Foods, Dollar General và Petco cũng như các nhà hàng như Red Lobster và Olive Garden. 

Theo AP, bất chấp những cam kết của các doanh nghiệp và chính phủ rằng sẽ “làm trong sạch” ngành công nghiệp chế biến hải sản lên tới 7 tỷ USD của nước này, cuộc điều tra của AP vẫn phát hiện sản phẩm tôm được bóc vỏ bởi các lao động nô lệ đang theo các chuỗi cung cấp để đến Mỹ, châu Âu và châu Á. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do tình trạng tham nhũng, dung túng của cảnh sát và cơ quan chức năng địa phương. Các vụ bắt giữ và truy tố hiếm khi xảy ra. Nếu có, người lao động nhập cư bất hợp pháp thường bị tống giam, còn chủ sử dụng lao động không bị trừng phạt.

Tình trạng bóc lột người lao động như nô lệ xảy ra ở hàng loạt cơ sở chế biến tôm ở tỉnh Samut Sakhon, cách không xa Thủ đô Bangkok. Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, 10.000 trẻ em nhập cư từ 13-15 tuổi đang làm việc tại đây, chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến hải sản.

Sau bài điều tra của AP, nhà máy Gig Peeling đã bị đóng cửa. Trong khi đó, các quan chức và nhà hoạt động nhân quyền Mỹ kêu gọi người dân nước này ngưng mua tôm có nguồn gốc từ các nhà xuất khẩu Thái Lan. “Tất cả chúng ta có thể đang ăn một sản phẩm do lao động nô lệ làm ra mà không biết. Nhưng một khi đã biết, chúng ta phải có nghĩa vụ đạo đức để ra quyết định cá nhân về việc tẩy chay sản phẩm đó”, nghị sĩ Chris Smith, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ lên tiếng.