Thân phận khổ ải của nạn nhân trong đường dây buôn bán “nô lệ” xuyên châu Á

ANTĐ - Tháng trước, khi Afsar Miae rời khỏi ngôi nhà gần Teknaf, miền nam Bangladesh để đi tìm việc làm, cậu đã nói với mẹ của mình rằng “Con sẽ về sớm”. Cậu dự định sẽ trở về nhà vào buổi tối, thế nhưng cậu đã không bao giờ quay trở lại.

Miae kể lại rằng cậu may mắn tìm được một công việc phù hợp ở ngoại ô Teknaf. Một người đàn ông trò chuyện cùng cậu và cho cậu uống một ly nước. Ngay sau đó, mí mắt cậu rủ xuống và đầu óc bắt đầu quay cuồng.

Khi Miae tỉnh dậy, trời đã tối. Cậu đã mất tất cả khái niệm về thời gian. Hai người đàn ông Bangladesh sau đó khống chế buộc cậu và 7 người khác lên một chiếc thuyền nhỏ. “Tôi bị bịt mắt và trói hai tay”, cậu thanh niên 20 tuổi cho biết.

Con thuyền chở nô lệ cập bến tại bờ biển Thái Lan

Con thuyền đi xuyên đêm cho đến khi nó gặp một con tàu lớn neo đậu ngoài khơi xa. Miae bị ném vào bóng tối, giữa hàng chục kẻ lạ mặt có vũ trang canh giữ. 8 người trong hội của Miae đã phải duy trì sự sống bằng gạo mốc và nước bẩn một vài tuần.

Con tàu cuối cùng cũng cập bến ở bờ biển Thái Lan. Nơi mà năm ngoái, các băng nhóm buôn bán người đã giam giữ hàng ngàn người trong các trại ở khu rừng rậm, đánh đập họ tàn bạo cho tới khi có người trả tiền với giá 200 USD/người để chuộc họ về làm việc.

Giành giật sự sống trong đói khổ

Miae và bốn người đàn ông cùng thuyền bị giam giữ trong hầm tối và thường xuyên bị đánh đập. Hai người đàn ông trên một chiếc thuyền khác nói rằng họ bị bắt phải ngồi xổm trong suốt cuộc hành trình, và nắp hầm chỉ được mở ra khi có người chết vì đói khát bạo hành.

Những nạn nhân phải sống trong tình trạng đói khát và bị đánh đập

Miae cùng 80 người đàn ông khác đã bị bỏ đói và mất nước trên một hòn đảo xa xôi nằm ở phía bắc Phuket, hòn đảo du lịch nổi tiếng của Thái Lan, khi những kẻ bắt cóc đã bỏ chạy vì lo sợ đường dây của chúng bị phát giác.

"Điều kiện sống của họ đã vượt quá những gì mà một con người phải chịu đựng”, Jadsada Thitimuta, một quan chức ở Phang Nga cho biết. "Một số người bị bệnh và nhiều người trông như những bộ xương. Họ đã phải ăn lá cây để sống".

Hơn 130 nạn nhân chủ yếu là người Bangladesh và  người Hồi giáo Rohingya đã được tìm thấy ở Phang Nga kể từ ngày 11-10, theo Bộ Phát triển Xã hội và An ninh con người Thái Lan. Thống đốc tỉnh Phang Nga Prayoon Rattanasenee nói với Reuters rằng trong khi cảnh sát lấy lời khai, “nạn nhân đều nói rằng họ bị bỏ thuốc mê và đưa lên tàu đánh đập”.

Bọn buôn người ngày càng tinh vị và thận trọng

Những người đàn ông bị bắt cóc tàu cho biết dường như các con tàu chở họ cũng có nguồn gốc từ Thái Lan vì trên tàu thường có một lá cờ Thái Lan. Cả phía Banlasdesh và Thái Lan đều thừa nhận rằng rất khó khăn để bắt giữ các tàu buôn người vì chúng thường hoạt động vào ban đêm núp dưới bóng tàu đánh cá thương mại.

"Sự thật là họ sử dụng tàu đánh cá để vận chuyển người và dưới cùng của thuyền có một hầm đề nhốt nạn nhân vào đó. Hình thức của những con tàu này rất giống với các tàu đánh cá”,  phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Đô đốc Kan Deeubol nói.

Chiến thuật buôn người mới

Lời khai từ 2 nạn nhân sống sót người Bangladesh và Rohingya đã cho thấy một thực tế thay đổi trong chiến thuật trong tuyến đường buôn bán người “sầm uất” nhất châu Á. Trong quá khứ, hầu hết mọi người đều tự nguyện bán mình lên thuyền. Nhưng bây giờ, họ bị bắt cóc lừa lọc sau đó đưa tới các con tàu lớn neo đậu ở vùng biển quốc tế ngoài biên giới biển của Bangladesh.

Nhiều người đã được giải cứu và  lưu trú trong các cơ sở của chính phủ Thái Lan

Miae, người bỏ lại vợ và ba đứa con, cho biết cậu đã bị bắt cóc. "Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ rời khỏi Bangladesh", cậu nói khi ngồi trong một nơi trú ẩn của chính phủ ở Phang Nga.

Giới chức Thái Lan cho biết cảnh sát nước này đã giải cứu 200 đến 300 nạn nhân trong 6 tháng qua. "Những kẻ buôn bán đã trở nên tinh vi và thận trọng hơn, một phần do chính sách không mạnh tay của chính phủ Thái Lan”, thiếu tướng Thatchai Pitaneelaboot, người chịu trách nhiệm về các hoạt động chống buôn bán người ở miền nam Thái Lan cho biết.

Chính phủ quân sự nước này cho biết họ đang tăng cường hợp tác với nước láng giềng Malaysia và đã đăng ký hơn 1 triệu lao động nhập cư bất hợp pháp để ngăn cản họ trở thành con mồi cho những kẻ buôn người. "Đó là một bước tiến lớn," Sek Wannamethee, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết.

Ai là người chịu trách nhiệm?

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Thái Lan là một bên ký kết, mỗi quốc gia "phải có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn và trừng phạt việc vận chuyển nô lệ trên tàu có treo cờ của quốc gia đó”. Tuy nhiên, Hải quân Hoàng gia Thái Lan lại không trả lời được lý do tại sao họ không được hành động chống lại tàu buôn mang cờ Thái bên ngoài lãnh hải của họ.

Ông Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, hải quân Thái Lan sẽ có thẩm quyền đối với tàu có lá cờ Thái Lan tại vùng biển quốc tế.

“Theo UNCLOS, Thái Lan có quyền bắt giữ một người nào đó bị nghi ngờ tham gia vào việc buôn bán nô lệ, mặc dù nhà nước không chắc chắn về pháp luật của vấn đề này”, ông Beckman nói.