“Thần nông” đất Lạc Thủy

ANTĐ - Ở Lạc Thủy (Hòa Bình) nhiều người gọi anh là “thần nông bò” bởi số lượng bò mà anh có không đếm xuể. Nhiều nông dân vùng Mường Mạn Hoà Bình đã được anh cho mượn bò để phát triển kinh tế. Cũng nhờ anh mà nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

“Ngân hàng bò” của anh Kỳ đã giúp bà con nông dân duy trì sản xuất

Ngân hàng đặc biệt

Mặc dù đã biết tính danh của nhau qua điện thoại nhưng khi gặp, anh vẫn tự giới thiệu là Nguyễn Cao Kỳ mà người dân vẫn thường gọi là “thần nông” Lạc Thuỷ. Anh Kỳ người cao gầy, nước da rám nắng đặc trưng của miền sơn cước.

Nguyễn Cao Kỳ sinh năm 1968 tại Mỹ Đức - Hà Nội, anh là con thứ 2 trong gia đình 7 anh chị em. Bố Kỳ làm bác sĩ, mẹ làm ruộng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ nhỏ Kỳ đã phải bươn chải giúp bố mẹ kiếm tiền nuôi các em ăn học. 

Huyện Mỹ Đức quê anh từ những năm đất nước chưa thống nhất đã rất phát triển về buôn bán. Cũng từ đồng ruộng mà các hợp tác xã, các hộ nông dân đều thấm nhuần triết lý: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” để hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Bố Kỳ tuy là bác sĩ nhưng gốc là nông dân nên ngoài việc trị bệnh cứu người, ông vẫn thông thương với những lái trâu nổi tiếng ở các vùng lân cận như  Xuân Mai, Ứng Hoà, Phú Xuyên… nhờ đó mà Kỳ được “tập việc” ngay từ khi tóc còn để chỏm.

Không phải người nông dân nào cũng có đủ tiền để mua con nghé, con bê nuôi cho lớn lấy sức kéo. Vậy thì sao mình không “mở” ra một “ngân hàng” bò cho người nông dân được thực hiện ước mơ có bò, có trâu “xoá nghèo, làm giàu” - Kỳ giơ hai tay, đầu ngoảnh sang một bên, ánh mắt sáng lên bởi ý tưởng mới.

Thấy tôi không hiểu, Kỳ nói: “Nếu ai không làm nông nghiệp không thể hiểu hết được giá trị con trâu, bò quan trọng đến mức nào”. Từ năm 1989, Kỳ về quê vợ miền sơn cước xóm Rị, xã Phú Thành, huyện Lạc Thuỷ để phát triển kinh tế chăn nuôi. 

Vợ Kỳ, chị Trần Thị Đầm sớm hôm chạy chợ, còn anh rong ruổi nay Hà Giang, mai Yên Bái để có được những trâu, bò tốt nhất đem về Lạc Thuỷ bán. 

Lấy công xa làm lãi nhỏ. Cuộc tìm kiếm trâu, bò của Kỳ luôn nay đây mai đó. Có khi Kỳ sang cả thị xã Thà Khẹt (Lào) mua bò rồi chuyển qua Nghệ An về Lạc Thuỷ. Cứ thế, từ hai bàn tay trắng, Kỳ có 2 rồi nhân lên 4, 16… và đến nay đã thành “ngân hàng” bò nổi tiếng khắp trong và ngoài huyện.

Tôi hỏi, tại sao Kỳ lại nghĩ ra cách cho bà con nông dân mượn bò để phát triển kinh tế, Kỳ cười: “Trước mình nghèo lắm, giờ có chút vốn liếng, trâu bò đầy nhà mà nhìn bà con không đủ tiền mua cũng tội. Người nông dân mà không có trâu, bò cày thì làm nông rất cực”. 

Cách thức mà Kỳ thực hiện rất đơn giản, bà con ai khó khăn đến mượn anh một hoặc vài con trâu, bò về nuôi. Bò đẻ sẽ chia đôi sản phẩm, nếu hộ chăn nuôi nào khó khăn cần bò trước, Kỳ sẽ nhường lại. Như vậy, cái lợi mà bà con có được là sức kéo và bê con. 

Cho bà con hướng thoát nghèo

Đến nay, Kỳ đã trao cho người dân gần 500 con trâu, bò. Người nhận trâu, bò từ gia đình Kỳ có quyền sở hữu như của mình, được nuôi hay bán con bê, con nghé thứ nhất khi trâu, bò mẹ sinh sản. Nhưng nếu trâu, bò ốm chết người nuôi không phải đền.

Nhờ Kỳ mà ở Lạc Thuỷ, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên khá giả. Những hộ như nhà ông Quách Văn Ba, Bùi Văn Tiếp ở xã Cố Nghĩa trước đây rất nghèo, nhờ Kỳ tư vấn, giúp đỡ đến nay mỗi gia đình cũng có trên 15 con trâu, bò và bê.

Hộ ông Bùi Văn Tú ở xóm Thung Trâm, xã Hưng Thi trước cũng thuộc diện gia đình khó khăn. Năm 2003, ông nhận 2 con bò, 2 con trâu của Kỳ về nuôi vừa cho sinh sản vừa lấy sức kéo. Đến nay, số trâu, bò gia đình ông có được lên tới gần hai chục con.

Cạnh đường Hồ Chí Minh ngược lên chợ Bến, đoạn xã Hưng Thi, người ta dễ gặp những ngôi nhà mái bằng khang trang, sạch sẽ. Trong số ấy có nhà ông Trần Văn Dung to đẹp nhất làng. Ông Dung trước nghèo đến độ chẳng mua nổi cái tích nước. Năm ấy, ông vay ngân hàng được 3 triệu đồng mua bò. Tết ấy trời rét, bò lăn ra chết giữa đồi. Cũng may năm 1992 ông được Kỳ cho mượn đôi bò nuôi dần trả nợ. Nay, trong chuồng gia đình ông đã lên tới chục con cả trâu và bò.  

Có lẽ cũng vì cái tâm, cái ý luôn hướng về người nghèo nên suy nghĩ của Kỳ cũng thật bình dị, cho người ta nuôi bò mà chẳng cam kết hay giấy tờ gì giữa đôi bên. Kể ra, để có được một người “bạo gan” dám bỏ tiền túi cho người dân nghèo vay cả một “cơ nghiệp” như vậy không phải là nhiều. Ấy vậy, Kỳ vẫn rất khiêm tốn và triết lý: “Cái mà tôi cho người dân không phải là con trâu, con bò. Điều tôi mong muốn là từ việc giúp đỡ này, người nông dân sẽ vươn lên, tìm cho mình một hướng đi mới để thoát nghèo, làm giàu”.

Chưa hết, nói về ý tưởng mới Kỳ đang triển khai, hào hứng: “Tôi đang thử nghiệm mua bò giống về cho các hộ gia đình nghèo nuôi, khi bò đẻ, tôi cho họ con. Bò mẹ sẽ tiếp tục được chuyển sang những gia đình khó khăn khác”. Ý tưởng này đã được cụ thể hoá bằng 10 con bò mẹ giao cho các hộ dân ở xã Phú Thành chăn nuôi thử nghiệm.

Với những thành tích trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân làm giàu, năm 2011, Kỳ được giải thưởng “Sao thần nông” do Trung ương Hội Nông dân trao tặng.