"Thần dược" nguy hiểm của chiến binh Syria

ANTĐ - Cuộc chiến ở Syria trở thành nơi đan xen hoạt động phức tạp của thành viên al-Qaeda, lực lượng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các chiến binh Arập mang tư tưởng thánh chiến. Các chuyên gia nghi ngờ, những binh lính này được tăng lực bởi một loại thuốc gây nghiện mang tên Captagon.

"Thần dược" nguy hiểm của chiến binh Syria ảnh 1Captagon được coi là thứ “thần dược” cho các tay súng tham chiến ở Syria

Lấy ma túy nuôi chiến tranh

Captagon là loại thuốc gây nghiện, dạng viên nhỏ được sản xuất tại Syria và phổ biến rộng rãi trên khắp Trung Đông. “Việc buôn bán Captagon bất hợp pháp đem lại doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm, giúp lực lượng nổi dậy đủ khả năng mua vũ khí mới, thu hút chiến binh và duy trì tiềm lực chiến tranh”, tờ Guardian của Anh nhận định.

 “An ninh suy yếu do đường biên giới lỏng lẻo và sự xuất hiện của nhiều mạng lưới tội phạm có tổ chức”, ông Masood Karimipour, đại diện khu vực của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNDOC) phát biểu với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. “Hoạt động buôn lậu ở đây bao gồm đủ loại hàng hóa bất hợp pháp – từ súng, ma túy, tiền bạc đến buôn người. Không ai biết họ đã và đang sản xuất gì ở đây”.

Năm 2010, Justin Thomas, một giáo sư về tâm lý học tại Đại học Zayed của UAE, tác giả của cuốn “Tâm lý sống khỏe ở các nước vùng Vịnh” từng nói rằng: “Captagon không được xem là chất ma túy vì không liên quan đến hút hít hay tiêm chích”. Dù vậy, 5 năm sau, việc sản xuất Captagon đã bắt rễ ở Syria - hành lang buôn bán ma túy từ châu Âu đến các nước vùng Vịnh - và từng bước nở rộ. “Vùng sản xuất ma túy truyền thống tại thung lũng Bekaa của Lebanon trong năm 2014 sụt giảm tới 90% so với năm 2011, phần lớn là do sản lượng ở Syria áp đảo”, Guardian ghi nhận.

Hãng tin Reuters phân tích, cơ sở hạ tầng nhà nước xuống cấp, đường biên giới lỏng lẻo và chiến sự leo thang đã biến Syria từ chỗ chỉ là trạm trung chuyển Captagon nay đã thành trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng đầu. Theo một báo cáo của Reuters được công bố vào năm 2014, quân Chính phủ Syria và các nhóm nổi dậy từng tố phía bên kia sử dụng Captagon để giữ sức cho các cuộc đụng độ kéo dài liên tục, trong khi các bác sĩ nói rằng, ngày càng nhiều người Syria bình thường sử dụng những viên thuốc này, vốn được bán với giá từ 5-20USD/viên. 

Chất gây nghiện mà ngỡ “thần dược”

Captagon có tác dụng kích thích thần kinh, tạo cảm giác hưng phấn tột độ, khiến các tay súng có thể tỉnh táo trong nhiều ngày và sẵn sàng bắn giết không chùn tay. Captagon được phương Tây sử dụng từ những năm 1960, dành cho những người bị tăng động, có chứng ngủ rũ và trầm cảm. Đến năm 1980, vì mức độ gây nghiện của nó, hầu hết các nước đã cấm sử dụng. Mặc dù vậy, loại thuốc này vẫn tồn tại dai dẳng. 

 Một người từng hoạt động trong đội quân nổi dậy ở Syria kể với BBC rằng, Captagon cho các chiến binh trên chiến trường “siêu năng lượng”. “Chúng tôi lúc nào cũng tỉnh táo, không biết mệt, không buồn ngủ. Nếu cấp trên có ra lệnh đột phá doanh trại địch, tôi cũng vẫn xông lên mà không sợ gì cả” – người này nói. Phát biểu với Reuters, một quan chức kiểm soát lưu hành thuốc tại thành phố Homs cho biết, ông đã tận mắt chứng kiến tác dụng của Captagon ở những tay súng bị bắt giữ để tra khảo. “Các tù nhân bị tra tấn nhưng không cảm thấy đau, thậm chí vẫn còn cười được dù bị đánh rất mạnh. Chúng tôi phải đợi 2 ngày để Captagon hết tác dụng rồi mới tra khảo được” - quan chức này nói.

Các bác sĩ cho hay, loại thuốc này có tác dụng phụ nguy hiểm, trong đó có rối loạn tâm thần và tổn thương não. Ramzi Haddad, một bác sĩ tâm thần Lebanon phân tích, loại thuốc này có dấu hiệu tiêu biểu của một dạng chất kích thích: “Người dùng thuốc nói nhiều, không ngủ, không ăn và tràn đầy năng lượng”. Một cựu chiến binh Syria cũng kể rằng, lữ đoàn gồm 350 người của ông ta đã sử dụng thuốc mà không biết đó là thuốc tăng lực hay ma túy.