Tham vọng của New Delhi

ANTĐ - Chiếc tàu chiến lớn nhất đóng trong nước INS Kolkata đã được chuyển giao cho Lực lượng Hải quân Ấn Độ, đánh dấu tham vọng lớn của New Delhi trong công cuộc hiện đại  hóa quân đội với chi phí lên tới 100 tỷ USD.  

Chiến hạm INS Kolkata của Ấn Độ

Với chiều dài 163 mét, rộng 17,4 mét, lượng giãn nước 6.800 tấn, có khả năng tàng hình con tàu khu trục INS Kolkata được đánh giá là mạnh nhất của Hải quân Ấn Độ. Phát biểu tại buổi lễ bàn giao tàu, Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định: “Mục đích của chúng ta là đạt được năng lực về các khả năng quốc phòng để không nước nào dám coi thường Ấn Độ”.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, hiện đang trong quá trình nâng cấp quốc phòng trị giá 100 tỷ USD. Do nằm ngay sát Ấn Độ Dương nên Ấn Độ có ưu thế thuận lợi hơn về chiến lược trong khu vực so với các cường quốc khác như Mỹ, Trung Quốc. Trong khi đó Ấn Độ Dương là nơi có 2/3 số tàu chở dầu và một nửa số tàu buôn chuyên chở hàng bằng container của thế giới đi qua. 

Điều đó tạo cho New Delhii nhiều cơ hội để giành lấy vị trí chiến lược trung tâm, cung cấp “chiếc ô an ninh” cho toàn khu vực. Thế nhưng năng lực yếu kém của ngành công nghiệp quốc phòng đã khiến nước này phải dựa vào nguồn cung từ bên ngoài. Chính vì thế hiện nay, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Đây là thị trường tranh đua gay gắt giữa các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu như Mỹ, Nga, Pháp và Israel. 

Sở dĩ Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu vũ khí là do ngành công nghiệp quốc phòng nước này bị chi phối bởi các công ty do nhà nước quản lý, vốn thường bị chỉ trích về chất lượng và chậm trễ trong việc giao hàng. Mãi đến năm 2001, New Delhi mới bắt đầu mở cửa hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này cho các công ty tư nhân trong nước. Các công ty nước ngoài cũng được phép đầu tư, nhưng chỉ chiếm tối đa 26% trong các liên doanh quốc phòng.

Một tuần sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Modi đã đặt mục tiêu phải chấm dứt phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu vũ khí và thay vào đó tập trung cho nghiên cứu, thiết kế và chế tạo nội địa, tiến tới trở thành nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Ông Modi đưa ra đề xuất cho phép các công ty nước ngoài sở hữu 100% vốn trong các doanh nghiệp quốc phòng với hy vọng thu hút nguồn vốn đầu tư và công nghệ độc quyền.

Ngay sau đề xuất mở cửa ngành công nghiệp quốc phòng của ông Modi, New Delhi đã đón một loạt các chính khách hàng đầu của Pháp, Mỹ và Anh tới để thảo luận về cơ hội hợp tác, buôn bán và đầu tư vào ngành vũ khí. Trong khi Thủ tướng Pháp L. Fabius tìm cách thuyết phục về bản hợp đồng cung cấp 126 máy bay chiến đấu Rafale trị giá khoảng 15 tỷ USD cho Ấn Độ, thì Thượng Nghị sĩ Mỹ J. Mc Cain nêu lên khả năng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ với nhiều lợi ích to lớn.

Với việc đưa vào sử dụng con tàu tàng hình INS Kolkata đầu tiên được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm Brahmos cùng hệ thống radar hiện đại bậc nhất thế giới, Ấn Độ đang từng bước hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc cả về kinh tế và quốc phòng.