Tham vọng chưa từng có

ANTĐ - Trong một bước đi được mô tả là tham vọng nhất từ trước tới nay, Hải quân Mỹ thông báo đang đẩy nhanh chương trình nghiên cứu, cải tiến để chuyển đổi tất cả tàu chiến hiện có thành các tàu sân bay nhỏ.

Cơ quan Quản lý các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại của Mỹ (DARPA) cho biết kế hoạch với tên gọi “Tactically Exploited Reconnaissance Node” (TERN) đã bước vào giai đoạn hai từ tháng 3 năm nay. Chương trình nghiên cứu chung này giữa DARPA với Phòng Nghiên cứu hải quân của Hải quân Mỹ nhằm kiến tạo một hệ thống cho phép cải tiến các tàu chiến nhỏ để có thể triển khai được máy bay không người lái do thám, tình báo và cả máy bay trực thăng chiến đấu. 

Tham vọng chưa từng có ảnh 1

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper hiện đại của Mỹ

Đây có thể coi là một cuộc cách mạng trong chính sách về chiến tranh của Mỹ. Theo đó, một lượng lớn nhân viên quân sự sẽ được tinh giản trong thời gian tới. Mỹ sẽ có ít binh sĩ hơn, mà cụ thể giảm từ 562.000 xuống 490.000, lực lượng thủy quân lục chiến cũng sẽ giảm từ 202.000 xuống 182.000 người. Máy bay không người lái sẽ thay thế hiệu quả cho phần cắt giảm đó.

Trên thực tế, máy bay không người lái đã có những đóng góp lớn vào khả năng tác chiến của Mỹ từ hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, Washington chỉ thấy rõ nhất hiệu quả của nó kể từ cuộc chiến chống Taliban trên lãnh thổ Afghanistan cũng như việc phát hiện ra tung tích của trùm khủng bố Osama Bin Laden. Trong chiến tranh Afghanistan, Iraq hay các hoạt động chống khủng bố ở khu vực biên giới Pakistan và Yemen, máy bay không người lái Mỹ đã thể hiện được ưu thế và sức mạnh tuyệt vời.

Hệ quả là hàng loạt các thế hệ máy bay không người lái theo nhau ra đời. Theo ước tính, Mỹ hiện có khoảng 7.500 máy bay không người lái, với đủ loại kích cỡ và tính năng. Chúng chiếm khoảng 1/3 số lượng máy bay đang biên chế trong lực lượng không quân Mỹ. Con số này đã tăng rất nhiều so với mức 1/20 vào năm 2005.

Tuy nhiên, để các máy bay không người lái hoạt động, Mỹ đã phải xây dựng hàng loạt căn cứ không quân trên khắp thế giới, từ Guam, Thổ Nhĩ Kỳ, Ethiopia, Colombia, đến Hàn Quốc, Kyrgyzstan… Những chuyến bay sẽ được điều khiển từ các căn cứ không quân Beale, California, Wringht-Patterson ở Ohio, Grank Forks ở Bắc Dokota hay ở Nevada và Texas.

 Với việc biến lực lượng tàu chiến nhỏ triển khai ở tuyến trước có khả năng trở thành các bệ phóng cơ động cho lực lượng máy bay không người lái tầm xa và tầm trung, các máy bay này sẽ có thời gian và tầm hoạt động dài hơn so với hiện nay. Hơn nữa, chương trình này còn giúp giảm chi phí hoạt động so với thực tế hiện nay khi lực lượng máy bay này chủ yếu vẫn sử dụng các đường băng trên đất liền rất tốn kém lại dễ bị đối phương tấn công hơn là các đường băng trên các con tàu cơ động.

DARPA bắt đầu chương trình TERN từ năm 2013 với 3 giai đoạn. Trong hai giai đoạn đầu, chương trình TERN chủ yếu tập trung nghiên cứu thiết kế mẫu mã và tính toán các rủi ro về mặt kỹ thuật. Giai đoạn cuối cùng sẽ bước vào đóng một tàu mô phỏng, thử nghiệm trên đất liền và trên biển. Hai nhà thầu chính tham gia chương trình đầy tham vọng này của Hải quân Mỹ là AeroVironment và Northrop Grumman.

Tuy nhiên, các nhà bình luận chính trị nhận định, việc xây dựng mạng lưới máy bay không người lái toàn cầu của Mỹ để chuẩn bị cho tác chiến từ xa cho thấy chính quyền Obama đứng trên luật pháp quốc tế. Nó cũng vi phạm Công ước Geneva năm 1949 về quyền công dân. Đây là cuộc cách mạng nguy hiểm.