Tham vọng chính trị ở tuổi 72 của cựu Thủ tướng Bangladesh Khaleda Zia

ANTD.VN - Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Khaleda Zia của Bangladesh hy vọng bà sẽ sớm được ra tù và tranh cử vào cuối năm nay, nhưng các chuyên gia chính trị ít lạc quan hơn về điều này.

Cựu Thủ tướng Bangladesh Khaleda Zia ở tuổi 72 tuổi nhưng vẫn đang đấu tranh cho tương lai chính trị của mình

Ở tuổi 72, tham vọng chính trị của cựu Thủ tướng Bangladesh Khaleda Zia vẫn mạnh mẽ, ngay cả khi bà phải đối mặt với hàng chục vụ kiện pháp lý. Bà Zia đã bị giam trong một nhà tù ở Dhaka kể từ tháng 2-2018 sau khi bà bị kết án 5 năm tù vì đã chuyển 21 triệu Taka (250.000 USD) từ Tổ chức từ thiện Zia Orphanage Trust vào tài khoản cá nhân của bà.

Rào cản về pháp lý

Hiện có 34 vụ kiện chống lại bà Khaleda Zia trên cả nước. Những người ủng hộ bà cho rằng những cáo buộc này có động cơ chính trị. Bà Zia là lãnh đạo của Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) - đối thủ lớn nhất của Đảng cầm quyền Liên đoàn Awami (AL), do ông Sheikh Hasina (70 tuổi) đứng đầu.

Hôm 13-8, bà Zia đã được bảo lãnh tại ngoại trong vụ liên quan đến cáo buộc phỉ báng, nhưng vì còn nhiều cáo buộc khác đang chờ giải quyết. Mặc dù tương lai của nữ chính trị gia này có vẻ nghiêm trọng, các lãnh đạo cấp cao của BNP vẫn hy vọng rằng bà sẽ được  trả tự do và tham gia cuộc bầu cử quốc gia của Bangladesh dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2018. “Hầu hết các vụ kiện bà Zia được tại ngoại, ngoại trừ 3 vụ vẫn còn đang chờ giải quyết tại 2 tòa án ngoài Dhaka. Chúng tôi hy vọng 3 vụ này cũng được xử tại ngoại” - luật sư của bà Khaleda Zia cho biết.

“Theo Hiến pháp, nếu bà Khaleda Zia thua kiện và bị giam giữ trong ít nhất 2 năm thì bà ấy sẽ không thể tranh đua vào bất kỳ cuộc bầu cử nào trong 5 năm nữa. Bà Khaleda Zia đã già và ốm. Tôi thấy một sự không chắc chắn trong sự nghiệp chính trị của bà ấy”.

Nhà phân tích chính trị Emajuddin Ahmed 

Ngoài sự “chậm trễ không cần thiết” ở các tòa án cấp dưới, luật sư của bà Khaleda Zia cũng cho rằng có một số rào cản về mặt pháp lý khi bà tham gia tranh cử. Thực tế tòa án tối cao của Bangladesh vẫn có thể đình chỉ các bản án đối với cựu Thủ tướng, khi đó mọi rào cản sẽ được xóa bỏ. Theo luật sư này, đã có trường hợp bị kết án nhưng sau đó trúng cử. “Nếu một người bị kết án không thể tham gia bầu cử thì làm sao một số Bộ trưởng và Nghị sĩ có thể phục vụ trong Chính phủ hiện tại?” - luật sư này nói.

Tương lai không chắc chắn

Badiul Alam Majumder - một nhà quan sát chính trị Bangladesh nổi tiếng cho rằng quyết định cuối cùng phụ thuộc vào Ủy ban bầu cử và mọi thứ có thể xảy ra trong 2 đến 3 tháng tới. Trong khi đó, Emajuddin Ahmed - nhà phân tích chính trị, một cố vấn quan trọng của bà Zia nghi ngờ về khả năng bà Zia sẽ tham gia cuộc bầu cử. “Tốc độ xử lý các vụ việc cho thấy họ sẽ cố tình trì hoãn sau cuộc bầu cử”, ông Emajuddin Ahmed nói.

Bà Khaleda Zia lần đầu tiên được bầu làm Thủ tướng Bangladesh năm 1991, khi BNP thành lập Chính phủ do chính quyền của cựu Tổng thống HM Ershad kết thúc vào năm 1990 sau những cuộc biểu tình lớn. Kể từ đó, bà Zia và BNP trở thành đối thủ chính của ông Sheikh Hasina và AL. Vào năm 2014, BNP đã tẩy chay các cuộc bầu cử và cáo buộc AL gian lận phiếu bầu. Các nhà quan sát chính trị nói rằng quyết định tẩy chay cuộc bầu cử năm 2014 là một sai lầm chính trị, dẫn đến sự thất vọng đối với BNP.

Nhà phân tích Ahmed cho biết tương lai của BNP là không chắc chắn cùng với việc bà Zia tuổi đã cao, sức khỏe không ổn định.