Tiếp diễn phiên xử “đại án” Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm:

Thẩm vấn vợ và em gái Nguyễn Đức Kiên

ANTĐ - Sáng qua (22-5), phiên tòa xét xử “đại án” Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm bước sang ngày thứ ba với việc thẩm vấn nhằm làm rõ hành vi kinh doanh trái phép, trốn thuế và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.     

Nguyễn Đức Kiên “hội ngộ” với vợ và em gái tại tòa

Hoàn toàn tin tưởng chồng…

Theo cáo buộc của VKSND TP Hà Nội, ngày 25-12-2008, Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (Công ty B&B) do bà Đặng Ngọc Lan (vợ Nguyễn Đức Kiên) làm đại diện đã ký hợp đồng ủy thác cho Ngân hàng ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thực hiện nội dung này, Ngân hàng ACB đã mở trạng thái vàng bằng 117 lệnh và tất toán trạng thái mở bằng 142 lệnh. Tổng khối lượng giao dịch trạng thái vàng mua bán là 440.250 ounce. Sau khi trừ chi phí vốn và phí ủy thác, Công ty B&B thu được số tiền lãi lên đến hơn 100 tỷ đồng.  

Cũng theo tài liệu truy tố, chủ sở hữu Công ty B&B chỉ có Nguyễn Đức Kiên, vợ ông ta và bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên). Trong đó, cựu “sếp” Ngân hàng ACB giữ vai trò Chủ tịch HĐQT và bà Đặng Ngọc Lan làm Tổng giám đốc. Để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Nguyễn Đức Kiên và người thân đã ký thêm một số hợp đồng ủy thác lòng vòng nữa. Cụ thể, bà Nguyễn Thúy Hương ký hợp đồng ủy thác cho Công ty B&B đầu tư vào việc kinh doanh vàng ghi sổ với một lượng rất lớn. Sau đó, bằng một phụ lục hợp đồng với Ngân hàng ACB, bà Hương đồng ý để Công ty B&B ủy thác lại cho ngân hàng này thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng. Thông qua sự lắt léo, lòng vòng đó, Công ty B&B đã trốn được hơn 25 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bị thẩm vấn về các hành vi liên quan, bà Đặng Ngọc Lan khai tuy là Tổng giám đốc Công ty B&B, nhưng trên thực tế toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp đều do chồng điều hành. Giải thích việc ký tên vào các hợp đồng ủy thác trong hoạt động kinh doanh vàng của Công ty B&B, bà Lan cho biết, thời điểm ấy, bà vừa sinh con và ở nhà nên khi chồng mang các hợp đồng về bảo ký thì bà ký. Bà Lan khẳng định, mặc dù ký tên vào các hợp đồng ủy thác và nhiều giấy tờ liên quan, song bà không nhớ rõ là có đọc các nội dung trên các văn bản đó không. “Tôi hoàn toàn tin tưởng việc chồng mình làm là đúng nên khi anh ấy bảo ký là tôi ký. Chẳng lẽ tôi tin tưởng chồng mình cũng là sai” - vợ Nguyễn Đức Kiên phân trần. 

Bà Nguyễn Thúy Hương cũng khai, tất cả mọi việc liên quan đều do anh trai sắp xếp và thực hiện. Bà chỉ có hai nhiệm vụ là ký vào các giấy tờ và nhận tiền lãi từ hoạt động kinh doanh vàng của Công ty B&B. Trước tòa, em gái Nguyễn Đức Kiên xác nhận, đã nhận hơn 68 tỷ đồng tiền lãi, còn hơn 31 tỷ đồng tiền lãi nữa vẫn bị Công ty B&B ghi nợ. “Tôi rất tin tưởng vào khả năng kinh doanh của anh trai, vì anh ấy đã có hàng chục năm kinh doanh về tài chính. Vì thế, khi anh trai tôi giải thích và bảo ký vào các giấy tờ là tôi ký ngay” - bà Nguyễn Thúy Hương trình bày. 

Đồng lòng vi phạm pháp luật

Chiều 22-5, HĐXX tiếp tục chuyển sang xét hỏi về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án. Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) khai nhận, ngày 22-3-2010, HĐQT Ngân hàng ACB đã họp bàn về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với đầy đủ các thành phần, gồm: Thường trực HĐQT, đại diện Hội đồng sáng lập (Nguyễn Đức Kiên), Hội đồng tín dụng, Tổng giám đốc và các ủy viên. 

Tại cuộc họp, HĐQT Ngân hàng ACB đã nhất trí chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi để bảo toàn đồng vốn và có lãi. Sau đó, tất cả các thành viên dự họp đều ký tên vào biên bản. Khẳng định vai trò quyết định của bị cáo bị truy tố cùng lúc 4 tội danh trong chủ trương này, bị cáo Hải khai, “Ý kiến của ông Kiên chính là ý kiến của đại đa số cổ đông”. Theo bị cáo Hải, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1-11-2011, nhưng khi ấy vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn nên theo nhận thức của ông ta việc ủy thác cho 19 cá nhân mang gần 719 tỷ đồng đi gửi và sau đó bị lừa đảo chiếm đoạt hết là không trái pháp luật.

Về lãi suất vượt trần theo quy định, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB biện minh, đó không phải là lãi suất. Bởi theo hợp đồng, ngoài lãi suất thì người gửi tiền sẽ nhận được tiền thưởng, tiền “hoa hồng” và đây đơn thuần chỉ là khuyến mãi. Kết thúc phần trả lời thẩm vấn ở hành vi này, bị cáo Hải thừa nhận chính ông ta yêu cầu nhân viên mang tiền đi gửi phải chuyển hết tiền lãi, tiền thưởng vào tài khoản của Ngân hàng ACB. Tương tự, Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB, cùng một số bị cáo liên quan cũng bước đầu khai nhận lại hành vi cố ý làm trái quy định về hoạt động tín dụng, ngân hàng như nội dung cáo trạng xác định.