Tham vấn về quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đưa ra nhằm đưa vùng này phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, Hội nghị Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ diễn ra vào ngày 26/11/2020 tại Cần Thơ do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì.

Quy hoạch vùng ĐBSCL tìm giải pháp giúp vùng phát triển bền vững

Quy hoạch vùng ĐBSCL tìm giải pháp giúp vùng phát triển bền vững

Nội dung chính của hội nghị là giới thiệu về nội dung chính của dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL và thảo luận về các vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng ĐBSCL cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích cực đa ngành của Luật Quy hoạch. Chính vì vậy, quá trình tham vấn, ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các địa phương ĐBSCL là hết sức cần thiết và có ý nghĩa để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những vấn đề nút thắt phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch.

Theo Bộ KH-ĐT, báo cáo về quy hoạch vùng ĐBSCL còn 6 vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều, cần được tham vấn là: Việc xác định vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong tổng thể phát triển quốc gia, quốc tế và đặc biệt là mối quan hệ với các nước trong ASEAN, vùng Đông Nam Bộ và TP. HCM. Có nên xác định vùng ĐBSCL sẽ trở thành một vùng tương đối độc lập, có hạ tầng kết nối quốc gia, quốc tế riêng để đảm bảo tính tự chủ cao hơn từ sản xuất, chế biến cho đến phân phối, xuất khẩu; hay là xem vùng ĐBSCL như một vùng kinh tế mở, liên kết chặt chẽ với vùng TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ để trở thành một khối thống nhất cho toàn bộ khu vực phía Nam;

Về phương án phân tiểu vùng: Một trong những điểm mới trong dự thảo quy hoạch vùng ĐBSCL là phương án phân tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Thay cho việc phân tiểu vùng chỉ dựa trên 2 vùng chính là vùng ngọt và vùng mặn trong các quy hoạch trước đây, việc phân tiểu vùng theo dự thảo quy hoạch mới đã được điểu chỉnh theo hướng coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 120 - Biến thách thức thành cơ hội, chủ động thích ứng với BĐKH và xu hướng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, một số địa phương còn chưa hoàn toàn thống nhất với định hướng chuyển đổi sinh kế nông nghiệp ở một số khu vực đang trồng lúa sang các mô hình sinh kế khác phù hợp hơn với điệu kiện hạn mặn gia tăng do thói quen, tập quán về trồng lúa của người dân đã tồn tại ổn định trong thời gian dài.

Tiếp đó là vấn đề giảm đất trồng lúa; phát triển thủy sản; về các trung tâm đầu mối và cuối cùng là định hướng phát triển đô thị. Còn có ý kiến khác nhau về việc nên tập trung phát triển chuối đô thị động lực dọc sông Tiền, sông Hậu kết nối với vùng. TP. HCM về phía Đông và kết nối với Campuchia về phía Tây; hoặc phát triển đô thị theo mô hình phân tán nhằm hướng tới sự phán triển cần bằng, đồng đều trên toàn vùng.

Đây là một nội dung quan trọng ảnh hưởng đến phương hướng tổ chức không gian phát triển của vùng; đồng thời đòi hỏi sự thống nhất của các địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch, đặc biệt là định hình không gian phát triển của các tỉnh, thành phố theo hướng gia tăng mật độ ở các khu vực ưu tiên phát triển theo quy hoạch vùng đã đề ra.

Điều này nhằm tránh tình trạng phát triển phân tán, rời rạc, thiếu gắn kết giữa các địa phương, làm giảm hiệu quả của các dự án đầu tư phát triển hạ tầng về liên kết vùng, qua đó ảnh hưởng đến tổng thể phát triển của toàn vùng.