Thảm thương đôi vợ chồng trẻ bị tàu hỏa tông trên đường đi lại mặt

ANTĐ - Sau đêm tân hôn, đôi vợ chồng trẻ trên đường đi xe máy đến nhà gái để lại mặt thì bị tai nạn tàu hoả khiến cả hai vợ chồng chết thảm tại chỗ.
Thảm thương đôi vợ chồng trẻ bị tàu hỏa tông trên đường đi lại mặt ảnh 1
Ảnh cưới của đôi vợ chồng đoản số Trường và Then


Sự ra đi đột ngột của đôi vợ chồng đoản số đã để lại nỗi đau đớn khôn cùng cho người thân. Vụ tai nạn cũng dấy lên hồi chuông cảnh báo cho vẫn đề an toàn giao thông đường sắt tại các đường ngang dân sinh.

Tử nạn sau đêm tân hôn

Lúc 10h50, ngày 17-2 tại Km 305 +900 trên đường sắt thống nhất Bắc – Nam giao nhau với đường ngang dân sinh thuộc địa bàn xã  Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã xẩy ra một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng. Hậu quả là một đôi vợ chồng mới cưới là anh Phan Đình Trường (29 tuổi, trú tại xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) và vợ là chị Đậu Thị Then (22 tuổi, trú tại xóm Đình, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc) chết thảm.

Đau lòng hơn khi được biết cả hai vợ chồng anh Trường đều là công nhân trong Nam vừa về để tổ chức đám cưới. Ngày hôm qua đôi vợ chồng trẻ này vừa tổ chức lễ cưới nên theo phong tục địa phương ngày hôm đó phải về lễ mặt bố mẹ họ nhà gái. Và khi đang trên đường đi đến nhà bố mẹ họ gái thì xẩy ra tai nạn đau lòng trên.

Nỗi đau khôn cùng của người ở lại

Bà Tôn Thị Thường (mẹ anh Trường) ngất lên ngất xuống từ hôm con trai
và con dâu bị tai nạn

Chúng tôi đã có mặt tại gia đình nạn nhân, tại xóm Đông Vạn, xã Nghi Vạn – Nghi Lộc trong cái rét cắt da, cắt thịt. Khó có thể cầm lòng khi chứng kiến cảnh khói hương vẫn còn nghi ngút trên bàn thờ, hình ảnh cô dâu - chú rể mới ngày hôm qua còn làm lễ thành hôn dưới sự chứng kiến và chung vui của bà con hai họ, vậy mà hôm nay chỉ còn là di ảnh chân dung mập mờ dưới làn hương khói cùng tiếng khóc ái oan của người thân.

Ngất lên ngất xuống từ khi nhận được tin hai con của mình tử nạn, bà Tôn Thị Thường (mẹ của anh Phan Đình Trường) khóc không thành tiếng, được mọi người dìu lên giường “Các con ơi, sao nỡ nỏ bố mẹ mà đi! Trời ơi, sao lại có đường tàu mà không có gác chắn không có người hướng dẫn để hai con tôi chết thảm. Chiếc giường cưới 2 con mới nằm sau đêm tân hôn đang bỏ trống mà bây giờ hai đứa lại phải nằm hai nơi lạnh lẽo rứa con…”

Rồi bà Thường nghẹn ngào: “ Tôi nghiệp con Then về làm dâu nhà tôi chưa trọn một ngày thì đã mất. Nó chưa kịp ngồi ăn bữa cơm sum họp đông đủ cùng mọi người trong gia đình thì đã…”.

Chống cây gậy khập khiễng rút nén hương để thắp cho hai đứa con đoản số của mình, ông  Phan Đình Tập (81 tuổi, bố của anh Trường) liêu xiêu trước gió cứ chực ngã vừa nói, vừa khóc to: “Giờ thì tìm con ở đâu? sao con bỏ bố mẹ anh em ra đi lúc tuổi còn xanh, con ơi là con”. Phải một lúc sau mọi người mới dìu được ông Tập vào giường, thì thào trong câu nói kiệt sức của mình : “ Sao nhà tôi vô phúc đến thế, một lúc ông trời nỡ bắt cả hai đứa con của tôi…”.

Ông Phan Đình Tập (bố nạn nhân Trường)  khóc hết nước mắt vì mất cùng lúc 2 người con

Được biết anh Phan Đình Trường là con thứ 9 trong gia đình có tới 11 anh chị em (chung cha khác mẹ). Anh Trường và chị Then yêu nhau hơn bốn năm trời từ lúc hai người vào miền Nam làm công nhân cho một công ty dệt may. Vốn gia đình bố mẹ ở quê nghèo không có tiền lo đám cưới cho mình nên Trường đã cùng Then hẹn nhau tích góp được phần nào số tiền nho nhỏ để Tết vừa rồi về quê ăn tết rồi tổ chức đám cưới luôn, thiếu thốn bao nhiêu thì hai vợ chồng sẽ tiếp tục vào miền Nam làm lụng tích góp để trả nợ. Ai ngờ vừa cưới xong đôi vợ chồng trẻ đã tử nạn.

Gia đình đã nghèo khó lại túng quẫn hơn khi được biết ông Tập (bố anh Trường) cũng từng là cán bộ lâu năm trong quân đội nhưng khi phục viên mất hết giấy tờ không còn gì để làm chế độ. Giờ đây chỉ còn hai tấm thân già không biết chạy đâu kiếm số tiền để trả giúp cái nợ mà Trường vừa vay để lo cưới vợ.

Nỗi đau không chỉ riêng gia đình nhà trai, mà tại xóm Đình, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc – Nghệ An) nơi gia đình ông Đậu Văn Minh (49 tuổi) và bà Trần Thị Hà (bố mẹ ruột nạn nhân Đậu Thị Then) còn đau đớn hơn khi đây đã là lần thứ hai vợ chồng ông bà phải đối mặt với nỗi đau mất con vì tai nạn giao thông. Trước đó năm 2004 một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của em trai Then là Đậu Xuân Trung khi em mới 15 tuổi.

Nhà chỉ còn hai chị em gái, Then đang nuôi bao ước mơ hoài bão với ý định sau lần cưới chồng sẽ đưa em vào Nam kiếm công ăn việc làm phụ giúp bố mẹ. Thế nhưng tất cả đều đang dở dang. Một lần nữa ông Minh, bà Hà lại phải quấn thêm một vành khăn tang cho vụ tai nạn giao thông thứ hai xảy ra với gia đình, đứa con gái đầu lòng của ông bà ra đi để lại nỗi đau lớn cho gia đình bởi Then mới về nhà chồng chưa đầy 24 giờ đồng hồ.

Hiện trường vụ tai nạn ngày 17-2 tại đường ngang dân sinh cướp đi
sinh mạng của anh Trường và chị Then

Mặc dù ông bà Minh đã ngấp nghé cái tuổi 50 nhưng vốn là dân ở một xã miền biển nên đời sống thu nhập hầu như chỉ trông chờ vào may rủi của những chuyến ra khơi.

“Nhà tôi có 3 người con thì đã 2 đứa mất vì tai nạn giao thông rồi. Bây giờ tôi cũng không thiết sống nữa. Sao cuộc đời lại oan nghiệt với gia đình tôi đến thế…”, ông Minh nói trong hai hàng nước mắt.    

Ngày nào cũng có tai nạn đường sắt: SOS!

Từ vụ tai nạn đau lòng cướp đi sinh mạng của 2 người con của mình, bà Tôn Thị Thường, mặc dù sức khỏe còn yếu nhưng bà vẫn đề nghị: “Gia đình tôi không may mắn mất đi cả con trai, con dâu cùng một lúc, thật là đau đớn tột cùng, nhưng trước đó cũng tại đường ngang này đã có 3 vụ tai nạn làm 6 người thiệt mạng. Tôi mong sao nhà nước cần có kế hoạch làm rào chắn lại hoặc cho người trông coi, canh gác để không còn ai bị chết oan như con trai và con dâu của tôi”. Lời khẩn cầu từ đáy lòng của người mẹ vừa mất đi hai người con gửi đến cơ quan chức năng cộng đồng xã hội thật sự đã làm chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến vấn đề an toàn giao thông đường sắt hiện nay.

Một vụ tai nạn tàu hỏa đâm nát ô tô bay xuống ruộng tại đường ngang dân sinh
trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào ngày 19-11-2011

Một con số báo động hơn về tai nạn đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An khi chỉ trong vòng chưa đầy 15 ngày (3/2 – 17/2/2012) trên tuyến đường sắt qua địa bàn Nghệ An đã xảy ra 4 vụ tai nạn nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của 4 người và 1 người bị thương nặng. Ngoài vụ tại nạn cướp đi sinh mạng của vợ chồng anh Trường chị Then hôm (17-2)  thì trước đó 3 ngày cũng tại địa điểm này Nguyễn Văn Tùng (SN 1978) trú tại xóm 2, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, Nghệ An cũng tử nạn khi đi xe máy qua đường ngang dân sinh này đã bị tàu thống nhất cán chết.

Trước đó, ngày 11-2 tại km 258 + 623 đường sắt thống nhất Bắc – Nam giao nhau với đường ngang dân sinh thuộc địa bàn xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) do không quan sát khi qua đường ngang dân sinh mà ông Phạm Văn Bàng (49 tuổi) thường trú xã Quỳnh Bá bị thương nặng, chiếc xe máy nát bét khi bị tàu TN SE8 tông phải.

Xa hơn một chút, ngày 3-2, đoạn qua địa bàn xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An xảy ra một vụ tai nạn đường sắt làm một nam thanh niên chết thảm. Nạn nhân là Nguyễn Thế Đại (SN 1987) thường trú xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu (Nghệ An) trong lúc đứng đợi bắt xe khách đã bị tàu đâm chết.

Như vậy chỉ trong khoảng chưa đầy 15 ngày trung tuần đầu tháng 2-2012 trên tuyến đường sắt thống nhất qua địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 4 vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 4 người. Đó là chưa kể đến các vụ tai nạn đường bộ gây ách tắc đường sắt, chậm nhiêu chuyến tàu.

Ngày 9-2-2012, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt năm 2012 ở Hà Nội vừa qua ngành đường sắt đã đặt mục tiêu quyết tâm giảm 10% TNGT đường sắt ở cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết và người bị thương.

Còn mới đây, trên nhiều phương tiện truyền thông đã đăng tải nội dung của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đề nghị Chính phủ nên xem xét đến trách nhiệm của Trưởng Ban ATGT đồng thời là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nếu để xảy ra TNGT liên tiếp.

Hội nghị - triển khai là vậy nhưng trên thực tế nhìn con số thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt về các vụ tai nạn đường sắt vào đầu năm 2012, sẽ không khỏi giật mình khi trung bình ngày nào trên tuyến đường sắt cũng xảy ra tai nạn. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt chỉ tính riêng trung tuần từ ngày 21/1 - 5/2/2012, trên cả nước đã xảy ra 15 vụ tai nạn đường sắt, cướp đi sinh mạng của 20 người, và bị thương 9 người.

Như vậy, hiện tại ngày ngày người dân sinh sống trải dài trên đất nước hình chữ S đang luôn phải chứng kiến hàng loạt cái chết "được báo trước" về tai nạn đường sắt đang liên tục diễn ra, nhuốm đậm màu trắng tang tóc. Sự tắc trách, vô trách nhiệm với bản thân và xã hội của những người trong cuộc là rất rõ. Nhưng trách nhiệm của Tổng công ty ĐSVN ở đâu? Bởi tai nạn giao thông đường sắt mỗi năm một gia tăng, chủ yếu là tai nạn tại đường ngang dân sinh.