Thấm thía vị ngọt bình yên

ANTĐ - Trong mấy ngày qua, hình ảnh cậu bé 3 tuổi người Syria nằm chết úp mặt trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ, khiến dư luận thế giới bàng hoàng, xót xa, phẫn nộ và cũng làm các nhà lãnh đạo EU không thể ngoảnh mặt trước cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất tại châu Âu, kể từ Thế chiến  thứ hai. Trong khi đó, những quốc gia cửa ngõ châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Hungary, Italia... vẫn đang loay hoay chưa tìm ra cách tháo gỡ.

Hình ảnh cậu bé 3 tuổi bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ là cận cảnh những cái chết tang thương, oan khuất trong làn sóng người nhập cư trái phép và tị nạn chạy trốn từ các khu vực chiến sự nóng bỏng và bất ổn như Syria, Afghanistan, Iraq... Theo tổ chức Di trú Thế giới, từ đầu năm đến nay đã có 350.000 người di cư đến châu Âu, trong đó ít nhất 2.500 người đã bỏ mạng trên đường. Mặc dù đang chìm trong khủng hoảng và chia rẽ sâu sắc về vấn đề nhập cư trái phép và tị nạn, giữa bối cảnh châu Âu vẫn còn váng vất từ cuộc khủng hoảng nợ công, song các nhà lãnh đạo các quốc gia EU đã phải liên tục họp khẩn cấp để tìm giải pháp. 

Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp kêu gọi các nước trong EU chấp nhận hạn ngạch bắt buộc về tiếp nhận người tị nạn. Thủ tướng Anh thông báo nước này sẽ tiếp nhận thêm hàng nghìn người tị nạn Syria. Theo AFP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ thông báo kế hoạch tái định cư cho ít nhất 120.000 người để giảm gánh nặng cho các nước ở cửa ngõ. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng chấp nhận gánh nặng người di cư, tị nạn. Lãnh đạo 4 nước Ba Lan, Hungary, Slovakia và CH Czech sẽ nhóm họp để thống nhất phản ứng chung. Trong khi, Chủ tịch EU đã phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ EU chia rẽ vì cuộc khủng hoảng này và kêu gọi các nước thành viên thể hiện tình đoàn kết sâu sắc. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng rất gay gắt: “Khi biến Địa Trung Hải, cái nôi của nhiều nền văn minh cổ đại, trở thành nghĩa địa của người di cư, các quốc gia châu Âu đã trở thành đồng phạm gây tội ác khi mỗi người di cư thiệt mạng”. Điều đáng nói là, trong lúc các nhà lãnh đạo đang lúng túng tìm biện pháp, thì ở Áo, Đức đã có hàng trăm người dân sẵn sàng mở cửa nhà mình cho người di cư thất cơ lỡ vận có thể tạm trú, nương náu.

Chưa bao giờ, kể từ sau Thế chiến thứ hai, châu Âu phải vật lộn với dòng người di cư dồn dập, dữ dội như hiện nay. Làn sóng này đã từng nổi lên ở Đông Nam Á và vẫn đang âm ỉ với những chuyến phà, tàu chở người nhập cư trái phép sang Malaysia, Indonesia... Cũng như cách đây chừng hơn 30 năm, nước ta đã từng diễn ra tình trạng “thuyền nhân” vượt biên, vượt biển di cư sang những miền đất hứa. Mỗi một làn sóng di cư, tị nạn nổi lên bắt nguồn từ những nguyên nhân không giống nhau, song số phận của những người di cư thì giống nhau, trước mặt là tương lai mịt mù và đương nhiên họ có thể bỏ mạng trên hành trình tìm đến những miền đất hứa. 

Một cuộc sống yên ổn, một môi trường chính trị và xã hội ổn định, ở đó mọi người đều được hưởng sự công bằng, bình đẳng, có công ăn việc làm, sống và làm việc theo pháp luật, là mong ước của hàng tỷ người trên hành tinh này. Làn sóng di cư, tị nạn cũng bắt nguồn từ những chênh lệch, bất bình đẳng trong cuộc sống, hoặc khi con người phải trốn chạy xung đột, chiến tranh… Từng trải qua “làn sóng” đó, chúng ta càng thấm thía vị ngọt bình yên trong cuộc sống hôm nay và hiểu rõ tâm trạng, hoàn cảnh của những người dứt bỏ quê hương, phó mặc tính mạng mong manh giữa làn sóng đầy bất trắc, hiểm nguy trên hành trình đi tìm miền đất hứa bên trời Âu.