Tham nhũng - "ngòi nổ" xung đột nguy hiểm

ANTD.VN - Tham nhũng không chỉ gây những tổn thất to lớn về kinh tế, đào sâu thêm chiếc hố ngăn cách giàu nghèo mà còn chứa đựng trong đó những nhân tố có nguy cơ biến thành một “ngòi nổ” xung đột nguy hiểm.

Tham nhũng - "ngòi nổ" xung đột nguy hiểm ảnh 1Somalia là quốc gia nghèo diễn ra xung đột bạo lực nhiều năm nay và cũng là nơi được cho là có nạn tham nhũng hoành hành

Phát biểu tại phiên thảo luận diễn ra ngày 10-9 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ đề “Tham nhũng trong xung đột”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng. Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh, mọi người dân trên thế giới đang tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ trước nạn tham nhũng đã “ăn sâu bén rễ” trong các xã hội, đòi hỏi các bộ máy chính trị phải hoạt động một cách minh bạch và có trách nhiệm.

Đặc biệt, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo, tham nhũng có thể là “ngòi nổ” cho xung đột. Ông Antonio   Guterres cho rằng, xung đột càng lan rộng, tham nhũng càng có đất phát triển, và ngay cả khi xung đột kết thúc, tham nhũng vẫn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế - xã hội. 

Nhận định trên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres được đưa ra sau khi các cuộc khảo sát về tham nhũng trên quy mô lớn do Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tiến hành cho thấy nạn hối lộ công chức đặc biệt phổ biến tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Tại những nơi có xung đột, những thể chế như các cơ quan chống tham nhũng, xã hội dân sự và truyền thông có thể bị suy yếu hoặc bị cản trở hoạt động.

Không phải đợi tới khi người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh đưa ra cảnh báo tham nhũng trở thành một ngòi nổ xung đột, mà hiểm họa này từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối trên thế giới, nhất là tại các nước đang phát triển. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính, tham nhũng gây thiệt hại ít nhất là 2.600 tỷ USD, hay 5% GDP, cho nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các công ty và cá nhân mỗi năm chi tới hơn 1.000 tỷ USD để hối lộ cho các quan tham khắp thế giới.

Không chỉ làm thiệt hại nặng nề về kinh tế, tham nhũng nguy hại hơn còn gây ra những vấn đề xã hội nghiêm trọng, làm mất dân chủ, tước đoạt đi cơ hội học tập, chăm sóc sức khỏe hay các dịch vụ thiết yếu cho người nghèo, người yếm thế xã hội… qua đó khoét sâu thêm chiếc hố ngăn cách giàu nghèo. Bất công này rất dễ dẫn tới bất mãn và làm thổi bùng lên những bất ổn nguy hiểm trong xã hội.

Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) trên cho biết, một số nước bị tụt hạng về chỉ số tham nhũng trong 6 năm qua như Syria hay Yemen, Somalia… đều là những nơi mà chiến tranh, xung đột bạo lực đã hoành hành nhiều năm qua. Nhìn dưới góc độ kinh tế và xã hội, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nạn tham nhũng hủy hoại tăng trưởng kinh tế và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong xã hội, gây tổn hại cho người nghèo, cũng như làm xói mòn niềm tin trong xã hội.

Hạn chế và đẩy lùi tham nhũng đã trở thành một vấn đề bức thiết, đòi hỏi cấp bách tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tổng Thư ký Antonio Guterres trong phát biểu ngày 10-9 đã thúc giục các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt cần củng cố những ủy ban chống tham nhũng quốc gia cũng như nỗ lực khởi tố những đối tượng tham nhũng. Ông cho biết, cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ những nỗ lực này thông qua việc hành động hiệu quả hơn để chống nạn rửa tiền, trốn thuế và các luồng tài chính bất hợp pháp vốn đang khiến nhiều quốc gia mất những nguồn lực vô cùng cần thiết, và như vậy, tiếp tay cho tham nhũng.