Tham nhũng ngày càng tinh vi

ANTĐ - Trong khi tội phạm nói chung giảm cả về số vụ lẫn số bị can thì từ đầu năm 2015 đến nay, các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện có xu hướng gia tăng. Đa số ĐBQH đánh giá, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc xã hội.

Tham nhũng ngày càng tinh vi ảnh 1Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực

Đánh giá cao công tác trấn áp tội phạm

Các ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình), Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận)...  đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, nhất là vai trò của ngành Công an trong công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm thời gian qua, góp phần tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo sự tin tưởng trong nhân dân.

Các ĐB cũng cho rằng, thực trạng vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp và phải đánh giá kỹ hơn các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, từ đó đề ra giải pháp cụ thể hơn. Dẫn lại một số vụ thảm án gây bức xúc dư luận xã hội gần đây, trong đó đa số hung thủ đều là người trẻ, hành động bột phát, hành vi dã man, ĐB Nguyễn Thị Phúc cho rằng, hiệu quả, vai trò của giáo dục, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phải được nâng lên.

Tương tự, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích, các cơ quan Tư pháp đã khám phá nhanh, xử lý nghiêm các vụ tội phạm nghiêm trọng, song để chặn đứng và phòng ngừa được tận gốc thì Quốc hội, Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. ĐB Lê Thị Nga cũng chỉ ra 5 nguyên nhân gián tiếp khiến vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp, đó là: nguyên nhân về giáo dục; về thông tin, truyền thông với sự bùng nổ của mạng xã hội và internet; tình trạng lạm dụng rượu bia; một lượng đáng kể người bị rối loạn sức khỏe tâm thần; thiếu sót trong quản lý khiến các đối tượng tiếp cận quá dễ các công cụ phạm tội. 

Xuất hiện tham nhũng có tính tổ chức

Về nội dung phòng chống tham nhũng, báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2015, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi được trên 505 tỷ đồng, đạt 55,8% (tỷ lệ này năm 2013 là 10%, năm 2014 là 22,3%) và thu hồi được 2.887m2 đất (đạt 29,2%). 

Nhấn mạnh tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ ra, tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. “Thủ đoạn tham nhũng tinh vi hơn; phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, là nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội” - Tổng Thanh tra Chính phủ nói. 

Thảo luận về nội dung này, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, tham nhũng có chiều hướng phát triển do mức xử lý còn nhẹ so với lợi lộc thu được từ hành vi tham nhũng; hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ còn thấp. “Chính phủ cần nâng cao năng lực lãnh đạo của các cơ quan công quyền, minh bạch hơn nữa công tác cán bộ” - ĐB Nguyễn Ngọc Phương nói.

ĐB Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng đề nghị, nếu tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng càng ít thì mức án cho người tham nhũng phải càng cao nhằm tăng tính răn đe. Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhấn mạnh vai trò và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tham nhũng.

Theo đó, cần kiên quyết loại trừ những lãnh đạo thiếu gương mẫu và phải kiểm soát được thu nhập của cán bộ. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) góp ý, muốn hạn chế tham nhũng, trước hết, cần xây dựng cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh với đội ngũ cán bộ đủ trình độ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Nhiều tòa án phải thuê trụ sở để xét xử

Theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), hiện có 35 tòa án cấp huyện phải thuê trụ sở; 61,4% Viện kiểm sát cấp cơ sở chưa có trụ sở hoặc trụ sở hư hỏng; 31 trại giam chưa có buồng giam riêng biệt với tội phạm bị kết án tử hình. ĐB Nguyễn Thái Học “tha thiết đề nghị Quốc hội có giải pháp ưu tiên khắc phục những khó khăn này và chỉ có vậy hiệu quả công tác đấu tranh, xét xử tội phạm, tham nhũng mới được nâng lên”.