Tham nhũng đục rỗng châu Phi

ANTĐ - Tham nhũng được ví như một căn bệnh ung thư quái ác chưa có thuốc chữa tại châu Phi, châu lục nghèo đói và chậm phát triển nhất thế giới hiện nay.

Người dân Nigeria biểu tình chống tham nhũng ở Thủ đô Nairobi

Trong báo cáo công bố tại Hội thảo “Chống gian lận tại châu Phi” ngày 3-5 tại Johannesburg (Nam Phi), Công ty Kiểm toán KPMG cho rằng tệ nạn tham nhũng, hối lộ và một số thủ đoạn gian lận khác ở châu Phi đã gây thiệt hại cho châu lục này hơn 10 tỷ USD trong năm 2011. Số liệu của KPMG dựa trên những báo cáo kiểm toán và dữ liệu từ các vụ gian lận toàn cầu năm 2011, trong đó thiệt hại do tham nhũng, hối lộ, gian lận sổ sách tại các quốc gia châu Phi chiếm tỷ lệ cao nhất. 

Bên cạnh báo cáo của KPMG, một số tham luận tại hội thảo cũng cho biết, trong năm 2011, các cơ quan chức năng ở châu Phi đã phát hiện 875 vụ gian lận. Trong đó, việc quản lý điều hành yếu kém đã gây thiệt hại 4,5 tỷ USD, chiếm 40% tổng thiệt hại mà các vụ gian lận ở châu Phi gây ra trong năm qua. 

Mặc dù những con số về thiệt hại do tham nhũng tại châu Phi đưa ra trong cuộc hội thảo ở Johannesburg khá lớn song giới phân tích cho rằng đó vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tham nhũng ở Lục địa đen. Trong báo cáo mới đây, Ủy ban LHQ về kinh tế châu Phi (UNECA) cho rằng, tham nhũng là thách thức lớn nhất về quản lý và phát triển đối với châu Phi hiện nay vì khoảng 50% nguồn thu nhập từ thuế và 30 tỷ USD viện trợ nước ngoài hàng năm cho châu lục đã bị biển thủ hoặc không còn trong các danh mục đầu tư phát triển. 

Một nghiên cứu của Cơ quan Liêm chính tài chính toàn cầu (GFI) cho biết, trong 4 thập kỷ qua, các quan chức tham nhũng tại châu Phi đã chuyển bất hợp pháp hơn 2,7 nghìn tỷ USD, tính ra mỗi năm có tới gần 70 tỷ USD, ra nước ngoài. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), tham nhũng làm mất khoảng 50% thuế thu nhập hàng năm.

Tham nhũng đã trở thành một vấn nạn của nhiều quốc gia châu Phi. Nạn tham nhũng lan tràn làm giảm nghiêm trọng hoạt động đầu tư của nước ngoài và làm tăng chi phí kinh doanh ở châu lục nghèo nhất thế giới này bởi các doanh nghiệp nước ngoài hối lộ các quan chức chính phủ để giành được hợp đồng, gia hạn giấy phép kinh doanh hay mua chuộc các quan chức thi hành luật pháp. 

Các nhà kinh tế cho rằng, tham nhũng lan tràn và phổ biến ở châu Phi chẳng khác nào căn bệnh ung thư quái ác, khiến người dân mất lòng tin vào chính phủ, giảm uy tín của các nhà lãnh đạo và các thiết chế hành chính… Vì thế, tuy là châu lục giàu tài nguyên nhất hành tinh nhưng do năng lực quản lý yếu kém, nạn tham nhũng, gian lận… của bộ máy đã ngăn cản sự phát triển của châu Phi, biến châu lục này thành nơi đói nghèo nhất trên thế giới. 

Bởi vậy, theo Phó Tổng Giám đốc UNECA Lalla Ben Barka, chống tham nhũng hiện đã trở thành nhiệm vụ sống còn của châu Phi và các nhà lãnh đạo châu lục cần lựa chọn chính sách cũng như biện pháp cụ thể để chống tham nhũng hiệu quả. AfDB đã thiết lập cơ chế kiểm soát các giao dịch tín dụng và kinh doanh với mục tiêu loại trừ các hình thức lừa đảo và tham nhũng từ các nguồn tín dụng và viện trợ tài chính; hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự điều tra các đường dây tham nhũng; thúc đẩy quản trị minh bạch ở các nước châu Phi và tăng cường hoạt động chống rửa tiền…