Tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm

ANTĐ - Sáng 12-6, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã trả lời chất vấn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm ảnh 1
“Tham nhũng đã bị đẩy lùi hay việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng
ngày càng hạn chế?”. ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa- Vùng Tàu)

Tham nhũng ngày càng tinh vi 

ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) hỏi: “Nhiều cử tri cho rằng tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cấp. Giải pháp kê khai tài sản cán bộ có tác dụng như thế nào trong việc ngăn chặn tham nhũng?”. Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh trả lời: “Qua quá tình kê khai tài sản thu nhập, đã làm rõ 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, 88 cán bộ bị xử lý do vi phạm các quy định về kê khai tài sản. Việc kê khai này giúp các cơ quan có thẩm quyền nắm được tài sản của cán bộ công chức do mình quản lý để kiểm soát và theo dõi”.

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa- Vũng Tàu) hỏi: “Tham nhũng đã bị đẩy lùi hay việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ngày càng hạn chế? Quan điểm của Tổng TTCP về chỉ đạo chống tham nhũng trong lực lượng phòng chống tham nhũng?”.

Tổng TTCP trả lời: “Công tác phòng chống tham nhũng trong phát hiện, xử lý chưa đạt yêu cầu như mong muốn, hành vi tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, không có dấu hiệu giảm và có những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra tại nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó hiệu quả thu hồi tài sản, xử lý các vụ án tham nhũng còn thấp, hành vi tham nhũng tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, trong đó có tham ô, hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhũng nhiễu, đồng thời phát sinh ở nhiều lĩnh vực trong cơ chế xin- cho, kiểm soát quyền lực. Hiện nay, tham nhũng nhỏ mà chúng ta thường gọi là tham nhũng “vặt” xảy ra nhiều khi cán bộ tiếp xúc với nhân dân, doanh nghiệp. Điều này cho thấy tham nhũng chưa được đẩy lùi và có diễn biến khá phức tạp, cần phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn”.

Tổng TTCP thừa nhận, việc chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra cũng như việc xử lý cán bộ trong ngành có dấu hiệu tham nhũng chưa nhiều, chưa tương xứng với yêu cầu mong muốn. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục giáo dục, đào tạo cán bộ có trình độ, am hiểu pháp luật, khách quan, công tâm trong thực hiện nội dung của kết luận thanh tra, tránh bỏ lọt tội phạm, hạn chế tiêu cực. Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cũng đánh giá, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ trong ngành chưa tốt. Tình trạng nể nang, né tránh, bệnh thành tích trong cán bộ vẫn còn, trách nhiệm người đứng đầu chưa được giám sát, quản lý, xử lý tốt. 


Tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm ảnh 2
“Hiện nay, tham nhũng nhỏ mà chúng ta hay gọi là tham nhũng “vặt”
xảy ra thường xuyên khi cán bộ tiếp xúc với nhân dân, doanh nghiệp.
Điều này cho thấy tham nhũng chưa được đẩy lùi và có diễn biến khá phức tạp” 
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Chưa làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) hỏi: “Việc xem xét thực hiện các hành vi  tham nhũng thường không làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Vì sao đến nay TTCP chậm tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định về xác định trách nhiệm người đứng đầu? Đến bao giờ mới khắc phục được tình trạng chậm trễ này?”.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, việc xác định trách nhiệm người đứng đầu được ghi rõ trong Luật Phòng chống tham nhũng. Đây là khâu hết sức quan trọng, thể hiện thái độ gương mẫu của người đứng đầu trong việc theo dõi, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một loạt Nghị định về trách nhiệm của người đứng đầu. Mới đây, việc khen thưởng người có công tố cáo tham nhũng đang được Bộ Nội vụ, TTCP và Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ ngành địa phương xây dựng dự thảo Thông tư nhằm khen thưởng người có thành tích tố cáo tham nhũng. 

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Thời gian qua, dư luận có nêu hiện tượng một vị Phó Tổng Thanh tra có quá nhiều tài sản, trong đó có nhiều cổ phiếu ở những doanh nghiệp, cơ quan thanh tra đã từng đến thanh tra. Việc này có đúng không?”. Ông Huỳnh Phong Tranh trả lời: “Người được nêu là Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh. Sau khi có thông tin, Ban cán sự Đảng TTCP đã yêu cầu ông Ngô Văn Khánh báo cáo về việc kê khai tài sản từ 2007 đến nay, qua kiểm tra cho thấy việc kê khai là đúng quy định pháp luật. Do ông Ngô Văn Khánh thuộc diện cán bộ Ban Bí thư quản lý nên hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào nắm tình hình, đối chiếu để xem kê khai chính xác hay không?”. 

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hỏi: “Tình trạng tham nhũng vặt đang diễn ra tại nhiều ngõ ngách đời sống, gây mất niềm tin. Tham nhũng vặt cộng lại sẽ thành tham nhũng lớn, vậy Tổng TTCP làm thế nào để giảm căn bệnh trầm kha này”. Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho biết, tới đây phải đẩy mạnh 3 giải pháp là phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường các biện pháp giáo dục đạo đức, năng lực cán bộ và tăng cường việc kiểm tra, xử lý cán bộ công chức vi phạm trong thi hành công vụ.

Chủ tịch Quốc hội “chấm điểm” 

Những vấn đề mà Tổng TTCP trả lời đều đi vào vấn đề trọng tâm, thể hiện sự thẳng thắn. Qua đó, cho thấy việc đấu tranh phòng chống tham nhũng là một trong những việc cấp bách và lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Việc xử lý khiếu nại, khiếu kiện đã được Tổng TTCP phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng và cơ bản đã được giải quyết. Tuy nhiên, những vụ tồn đọng lâu dài, phức tạp vẫn còn, do vậy Tổng TTCP cần phân loại đối tượng, phối hợp với cơ quan chức năng và địa phương để giải quyết dứt điểm.