Thâm nhập "thủ phủ" tận diệt thú rừng

ANTĐ - Mặc dù đã có quy định của pháp luật về cấm săn bắt buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là động vật đã được đưa vào sách đỏ thế nhưng thực trạng này không những chưa giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng. sở thích ăn uống để “chứng minh đẳng cấp” hay những tin đồn về tác dụng của động vật hoang dã đang tạo ra một nhu cầu lớn đẩy nhiều loại thú rừng đến nguy cơ bị tận diệt.

Thâm nhập "thủ phủ" tận diệt thú rừng ảnh 1

Có tiền là mua được thú rừng

Tại phố Lãn Ông - con phố kinh doanh thuốc Đông y lớn nhất Hà Nội, khách hàng có thể tìm thấy đủ các sản phẩm được cho là quý hiếm vì nó được sản xuất từ những loài động vật quý, thậm chí là những động vật có nguy cơ tuyệt chủng, được đưa vào sách đỏ như cao khỉ, cao hổ cốt, vảy tê tê, sừng tê giác… Dù không treo biển quảng cáo, nhưng hầu như tất cả các cửa hàng đều có bán ít nhiều các chủng loại sản phẩm trên. Tại một cửa hàng thuốc Đông y, khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua cao khỉ, người bán hàng khẳng định ngay: “600.000 đồng/lạng, hàng có sẵn, không phải đặt trước. Cái này chữa được nhiều bệnh lắm, nhất là bệnh về xương khớp”.

Cùng mặt hàng trên, cửa hàng bên cạnh cũng báo mức giá tương tự và lập tức đưa cho khách hàng xem những gói nhỏ màu đen đóng sẵn và khẳng định, cần bao nhiêu cũng có. Khi hỏi về vảy tê tê, chủ hàng này cũng nhanh chóng đưa ra một túi chứa rất nhiều vảy nhỏ giải thích cho khách hàng đây chính là vảy tê tê, có tác dụng “thông mạch, chữa tắc sữa” và rất nhiều công dụng khác, có giá lên tới 1.600.000 đồng/lạng.

Thâm nhập "thủ phủ" tận diệt thú rừng ảnh 2

Một đối tượng bị bắt vì rao bán động vật hoang dã trên mạng

Không chỉ được bán thậm thụt tại các cửa hàng thuốc Đông y, trên những trang mạng Internet, cao khỉ cũng được đăng bán công khai khắp nơi. Liên hệ với một số điện thoại đăng quảng cáo bán cao khỉ “loại sạch, tốt nhất”, chúng tôi tìm đến một địa chỉ trên phố Kim Giang (Hoàng Mai, Hà Nội). Người mà chúng tôi gặp là một đầu nậu chuyên cung cấp cao khỉ nhiều năm nay. Theo người này, cao khỉ của anh ta được nấu tại Nghệ An, sau đó mới vận chuyển bằng xe khách ra Hà Nội bán. “100% nấu từ khỉ rừng, mỗi lần giết thịt nấu cả chục con. Hàng hiếm, nấu đến đâu bán hết đến đó, có khi chả có mà bán” - người này khẳng định. 

Không chỉ cao khỉ mà ngang nhiên hơn, tại nhiều nơi, những cá thể khỉ rừng sống cũng được mua bán công khai. Một ngày cuối năm 2015, chúng tôi có mặt tại Bến xe khách Mỹ Đình, khi xe khách H.C chạy tuyến Nghệ An - Hà Nội vừa cập bến. Sau khi trả hết khách, phụ xe đưa ra một chú khỉ được nhốt trong một hộp cartone và cuộc ngã giá diễn ra ngay tại bến xe. Hàng chục người xúm vào để được chiêm ngưỡng chú khỉ rừng, trong khi chú khỉ tội nghiệp thì tỏ ra hoảng sợ. Người phụ xe cho biết, cá thể khỉ này được chủ hàng ở Nghệ An thuê vận chuyển ra Hà Nội để bán cho khách với giá 2,5 triệu đồng, đã bao gồm cả cước vận chuyển. Anh ta khẳng định đây là khỉ rừng bị sập bẫy và “nếu chết em mang đến đây anh trả lại tiền, nhà xe anh đảm bảo cho”, bởi theo anh ta, nhà xe này đã nhiều lần vận chuyển khỉ rừng thuê cho các đầu nậu Nghệ An ra Hà Nội bán.

Ngang nhiên tận diệt thú rừng

Lần theo địa chỉ được giới thiệu, chúng tôi liên hệ với một cơ sở chuyên nấu cao khỉ ở xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Nghệ An không chỉ có cơ sở này mà còn rất nhiều cơ sở nấu cao khỉ khác. Ngay trong vườn quốc gia - nơi mà việc kiểm soát lẽ ra phải diễn ra nghiêm ngặt thế nhưng việc săn bẫy động vật hoang dã trái phép vẫn đang diễn ra thường ngày.

Trước đó, qua điện thoại, chủ cơ sở giới thiệu gia đình anh ta “chuyên thịt khỉ già, khỉ to” nên người mua cứ yên tâm, chất lượng cao khỉ ở đây là đảm bảo nhất. Có mặt tại Nghệ An, chúng tôi được chủ cơ sở cho xem một nồi cao đang nấu dở và cho biết trong nồi này là toàn bộ xương của 2 cá thể khỉ vừa mới giết, thịt đã được bán cho các nhà hàng, còn xương thì nấu cao. Sau khi nấu xong, cao sẽ được cô đặc và đưa đi tiêu thụ ở khắp nơi. Nếu khách có nhu cầu, chỉ cần đặt qua điện thoại hàng sẽ được đưa đến tận tay thông qua xe khách hoặc chuyển phát nhanh. Chắc chắn từ những lò nấu cao như thế này, đã rất nhiều chú khỉ bị giết, bởi bây giờ mua một gói cao khỉ cũng chẳng mấy khó khăn. 

Không chỉ có khỉ mà các loại thú rừng khác như cầy hương, hươu, nai, hoẵng, ba ba tự nhiên… cũng không khó để tìm thấy trong các… quán nhậu. Theo quảng cáo của một nhà hàng ở xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội, chúng tôi đã đến tận nơi để mục sở thị việc kinh doanh các loại động vật rừng. Tại đây có rất nhiều động vật rừng quý hiếm, trong đó có nhiều loại nằm trong danh sách hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Sản phẩm được bày công khai là rượu ngâm xác động vật rừng. Nhưng nếu người mua có nhu cầu mua động vật sống thì sẽ được dẫn đến một nơi khác. Chủ hàng cho biết, những cá thể động vật rừng như cầy hương, ba ba sống được bắt ở các khu rừng Cúc Phương, Sơn La… khách hàng muốn bao nhiêu cũng có.

Nghề xẻ thịt thú rừng

Chợ Cốc Lếu thành phố Lào Cai từ lâu đã nổi tiếng là khu chợ buôn bán đủ loại hàng hóa. Đáng nói là động vật quý hiếm ở đây được giết mổ và buôn bán một cách công khai. Du khách dễ dàng nhìn thấy những giỏ hàng trên những chiếc xe máy bày bán đủ loại thú rừng như cầy hương, chồn, dúi, hươu, nai, hoẵng… Giá thịt thú rừng ở đây tương đối rẻ, cầy hương khoảng 800.000 đồng/kg, dúi 600.000 đồng/kg… Một người bán dúi cho biết, những con dúi mà anh ta bán đều được bắt từ trong rừng sâu. Giá của chúng thay đổi tùy thời điểm khác nhau, đầu năm có thể rẻ nhưng cứ vào dịp cuối năm giá lại được đẩy lên do nhu cầu của người mua ăn nhậu, biếu Tết rất cao. Người này cho biết để bắt được dúi hay những động vật hoang dã họ phải vào tận rừng sâu và mỗi ngày việc săn bắt càng trở nên khó khăn hơn do người đi săn nhiều, thú thì ngày một hiếm. 

Tại quốc lộ 4D, nối từ TP Lào Cai tới Sa Pa, những con nai rừng sau khi sập bẫy được xẻ thịt bày bán công khai ngay mặt đường với giá 300.000 đồng/kg… Còn nội tạng cũng được nấu ngay tại chỗ để bán. Theo những người bán hàng, để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, nai phải xẻ thịt bán lẻ chứ không để nguyên con. Anh Lý Láo San (xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, Lào Cai) đang xẻ thịt nai bẫy bằng dây nói: “Phải xẻ thịt ra chứ không kiểm lâm sẽ bắt ngay”.

Tại đây, săn thú rừng được coi là một nghề của nhiều người dân bản địa. Không chỉ người lớn mà ngay cả những đứa trẻ cũng có thể tự tay làm bẫy thú. Chúng tôi được chứng kiến thao tác làm bẫy thuần thục của những đứa trẻ, trong chưa đầy 20 phút đã xong một chiếc bẫy. Hầu như trong nhà nào cũng có hàng chục chiếc bẫy để phục vụ cho việc đi săn thú rừng. Một thợ săn chỉ một mớ bẫy bằng tre và giới thiệu với chúng tôi rằng loại bẫy này có khả năng bẫy được hàng loạt loại thú rừng, kể cả các thú lớn như cầy hương, hươu, nai, hoẵng... Người này cho biết, dân ở đây ban đêm thì dùng bẫy, còn ban ngày thì dùng súng. Địa bàn đi săn chủ yếu là những cánh rừng già, rừng thảo quả cách nhà hàng chục cây số. 

Trong những chuyến công tác, chúng tôi thực sự cảm thấy xót xa khi ở những vùng cao, nhiều người vẫn coi việc săn thú rừng như một nghề mưu sinh. Giá thú rừng ngày càng tăng khiến những thợ săn càng ráo riết săn bắt để phục vụ nhu cầu “thể hiện đẳng cấp” của nhiều thực khách.  Dư luận nhức nhối với câu hỏi, liệu nạn săn bắt, tận diệt thú rừng sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ? Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng này.