Chất chứa sau bức tường vôi xám (5)

Thầm lặng những người “thầy”

ANTĐ - Gắn bó với nhà tù, phạm nhân và công việc ngày ngày chỉ quẩn quanh giữa bốn bức tường lạnh lẽo, vậy nhưng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Trại giam Hồng Ca vẫn vững lòng ở chốn “thâm sơn” ấy. Thật khó mà kể hết những trăn trở của các anh - những người “thầy” khoác quân phục với những ngôi sao lấp lánh trên vai.      

Một gốc cây to, phạm nhân không vác đặng, cán bộ quản giáo không ngần ngại “góp tay”

Tận tụy với nghề

Ít ngày ngắn ngủi ở trại, người mà chúng tôi được tiếp xúc nhiều nhất là Thiếu tá Vũ Văn Hưởng - Đội trưởng Đội Giáo dục và hồ sơ. Sinh năm 1976, anh không thuộc hàng “cây đa, cây đề”, nhưng cũng chẳng phải lứa cán bộ, chiến sĩ trẻ ở trại. Sau hơn 14 năm công tác trong “ngạch” trại giam, người cán bộ này có đủ thời gian, lý do để tường tận về công việc mà anh cùng các đồng đội theo đuổi. Cái công việc mà nếu như không có cánh báo chí thì chẳng mấy người trong xã hội biết đến để mà “luận công”, tán thưởng. 

Cái “duyên” đưa Hưởng đến với công tác giáo dục, cảm hóa những mảnh đời lầm lỗi xem ra cũng thầm lặng như chính công việc anh đang làm. Hưởng xuất thân trong một gia đình nghèo ở một xã khó khăn của huyện Việt Yên, Bắc Giang. Tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát, cuối năm 1997, anh tình nguyện lên miền núi công tác. Hiểu được khát khao, nhiệt huyết tuổi trẻ trong con người Hưởng, tổ chức đã “điều” anh lên nhận nhiệm vụ ở Đại đội Cảnh sát bảo vệ của trại. Sau 2 năm tận tụy với nhiệm vụ, Hưởng được phát hiện là người có tố chất “thuyết giáo” nên Ban giám thị đã giao nhiệm vụ khác nặng nề hơn. Ấy là lấy lại thăng bằng, niềm tin và đánh thức phần thiện trong con người phạm nhân. Bắt đầu từ năm 1999, công việc của Hưởng là nghiên cứu hồ sơ, phân loại đối tượng, sau đó lên lớp giảng giải về nội quy, quy chế, pháp luật, giáo dục công dân cho phạm nhân mới đến chấp hành án. Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới mẻ này, Hưởng bảo: “Mình đâu có biết gì về nghiệp vụ sư phạm. Thế nên cho dù là đứng trước phạm nhân thì vẫn cảm thấy thiếu tự tin”. Tuy nhiên, nhờ lòng say nghề, Hưởng đã nhanh chóng làm chủ công việc.

Thiếu tá Hưởng tâm sự: Làm thầy vốn đã khó, làm thầy ở môi trường đặc biệt này còn khó hơn rất nhiều. Bởi “học viên” của anh không phải những đứa trẻ mà là những đối tượng “cộm cán” của xã hội hoặc là những người rất kém hiểu biết. Và đâu chỉ có thế, một tỉ lệ không nhỏ phạm nhân ở trại còn không biết đọc, biết viết, không biết nói tiếng phổ thông. Đôi khi biểu lộ bên ngoài có vẻ rất tốt, nhưng sâu thẳm bên trong họ lại chống đối, phá phách, tiêu cực và sẵn sàng “đào tẩu”. Thậm chí không ít phạm nhân còn muốn tìm đến cái chết như thể là một lối thoát duy nhất. Hưởng bảo: “Phàm là phạm nhân mới thì đều có tâm lý như vậy. Vì rằng họ luôn nghĩ đến cái án đằng đẵng mà họ phải gánh chịu”. Theo lời vị cán bộ này, kết quả công việc của các anh không chỉ là hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định mà nó phải được “lượng hóa” bằng sự yên tâm cải tạo và  ý chí phục thiện trong mỗi con người mang án… 

Những lá thư là niềm vui

Ở trại giam này, chuyện cán bộ và Ban giám thị nhận được hàng chục lá thư cảm ơn của phạm nhân sau khi mãn hạn tù như trường hợp của Thiếu tá Vũ Văn Hưởng chẳng còn là chuyện hiếm. Trong bữa cơm tối ở bếp ăn với Trung tá Đào Văn Khanh - Bệnh xá trưởng của trại giam, chúng tôi được nghe một câu chuyện thật cảm động.

Một tối mùa đông năm ngoái, Trung tá Khanh cùng gia đình đang chuẩn bị ngồi vào mâm cơm thì nghe thấy có tiếng í ới từ ngoài cổng vọng vào. Gác đũa, anh vội ra xem ai. “Em chào cán bộ ạ!” - câu chào hỏi rất quen thuộc ấy, vậy mà anh vẫn ngỡ ngàng vì đây đâu phải là trại giam. Thấy “cán bộ” ngập ngừng, người đàn ông đứng trước mặt anh vội thốt lên: “Em là Hải đây. Cán bộ không nhận ra em sao? Thằng Hải vẫn được anh cho uống thuốc ngày ngày, hồi em còn ở trại đấy”! Chỉ đến khi ấy, anh Khanh mới vỡ lẽ… Nguyễn Văn Hải (ở Văn Chấn, Yên Bái) phải đến trại chấp hành án 5 năm tù về tội mua bán trái phép ma tuý.

Trước khi “nhập kho”, anh ta mắc căn bệnh thế kỷ AIDS. Thời gian thụ án, đều đặn mỗi ngày, Trung tá Khanh là người cho Hải uống thuốc đúng giờ nhằm kéo dài tuổi thọ và ngăn ngừa phơi nhiễm sang người khác. Hôm Hải được tự do, người bệnh xá trưởng này còn dặn với theo: “Về nhà hai vợ chồng nhớ uống thuốc đầy đủ nhé”! Đận ấy, vợ chồng Hải tìm đến nhà Trung tá Khanh chỉ là để… tỏ lòng biết ơn. Anh ta báo tin mừng, nhờ được cán bộ trại chăm sóc và tận tình chỉ bảo nên vợ chồng Hải đã sinh được 2 đứa con, 1 trai, 1 gái và đều khoẻ mạnh. Kể từ lần Hải dẫn vợ đến nhà cảm ơn, thỉnh thoảng anh Khanh lại nhận được một lá thư của cựu phạm nhân này. Những dịp đi ngang qua gia đình anh, Hải đều mang theo khi thì con gà mái tơ, lúc lại túi măng rừng. Nhắc đến “nhân vật” đó, Trung tá Khanh thâm trầm: “Những món quà quê kia đã minh chứng một điều vô cùng quý giá, nhờ giáo dục cải tạo, người vướng tội lỗi sẽ rũ bỏ được cái ác”. “Làm cán bộ trại giam, ai chẳng mong mỏi phạm nhân sớm được đoàn viên và hoàn toàn phục thiện. Đây chính là niềm vui, phần thưởng ý nghĩa nhất” - anh Khanh bảo vậy.    

Nói về trại và những cán bộ, chiến sĩ của mình, Đại tá Phạm Văn Khá - Giám thị Trại giam Hồng Ca cho biết, trại nằm trên diện tích 300ha với địa hình toàn là núi đồi nên công tác quản lý phạm nhân hết sức khó khăn. Chỉ cần cán bộ, chiến sĩ lơ là một chút là hậu quả lập tức xảy đến. Nhưng thế vẫn chưa đủ, điều quan trọng nhất mà từ trước đến nay cán bộ, chiến sĩ của trại nhận thức sâu sắc và thực hiện, là chỉ có cảm hóa phạm nhân tốt thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Bằng mọi cách, người “thầy” khoác quân phục phải giúp phạm nhân hiểu được rằng gây ra tội lỗi thì phải chuộc lỗi. Đó là lẽ công bằng, tất yếu không thể khác. Con đường ngắn nhất để phạm nhân trở về với gia đình, cộng đồng là phải cải tạo thật tốt. Kiên định cách làm đó nên từ năm 1996 đến nay, chưa một phạm nhân nào trốn thoát khỏi Trại Hồng Ca.

Ngoài những cái khó trong việc quản lý, giáo dục phạm nhân mà chúng tôi không tiện nêu cụ thể ở đây, Đại tá Phạm Văn Khá còn không ngừng trăn trở về đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Làm thế nào để anh, em (theo cách nói thân mật của ông) toàn tâm, toàn ý với công tác. Thế nên giúp được  gì cho anh, em là vị chỉ huy này đều dốc lòng, dốc sức. Đơn cử như để cán bộ, chiến sĩ an cư, Ban giám thị đã quyết định dành ra một phần đất cho anh, em cất nhà. Hiềm nỗi, hạ tầng xã hội quanh khu vực trại lại quá nghèo nàn mà việc đó thì phụ thuộc vào chính quyền địa phương.

Rời Trại giam Hồng Ca, chia tay cán bộ, chiến sĩ ở đây, chúng tôi thầm mong cho những trăn trở trước mắt của người “lính già” - Đại tá Phạm Văn Khá sớm trở thành hiện thực. Đó là phân trại 2 nhanh chóng được đẩy mạnh xây dựng và ngôi trường mầm non dành cho con em cán bộ, chiến sĩ sẽ không chỉ là ước mơ.