Thảm kịch MH17 sắp có lời giải

ANTĐ - Tròn 1 năm sau ngày xảy ra thảm kịch, hôm nay 17-7, thế giới sẽ cùng tưởng niệm 298 nạn nhân thiệt mạng trên chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Với gia đình các nạn nhân, nỗi đau mất mát không thể nguôi ngoai khi chưa nhận được câu trả lời thuyết phục về nguyên nhân tai nạn: Tại sao chiếc Boeing 777 từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị rơi và nếu nó bị bắn, bao giờ thủ phạm đối mặt với công lý?

Nỗi đau chưa nguôi

Sinh nhật con trai Bryce, ông bà Rob và Silene Fredriksz-Hoogzand đã có mặt tại một căn cứ không quân của Hà Lan để chứng kiến cảnh 7 chiếc quan tài được dỡ xuống từ chiếc máy bay vận tải quân sự. Họ chỉ biết tự hỏi liệu thi thể của Bryce và vợ là Daisy Oehlers có trở về hay không.

Đối với gia đình của 298 người thiệt mạng trong vụ máy bay của Malaysia Airlines rơi xuống miền Đông Ukraine ngày 17-7 năm ngoái, sự chờ đợi đau đớn, khắc khoải đã kéo dài cả một năm sau đó. Tại nhà của ông bà Rob và Silene ở Rotterdam, phòng ngủ của Bryce và Daisy vẫn giữ nguyên như ngày cuối cùng họ rời nhà đi nghỉ ở Bali. Những ngày này, ông bà Silene và Rob được gia đình, bạn bè liên tục hỏi thăm, an ủi nhưng với họ nỗi đau ngày càng tồi tệ hơn. “Đối với chúng tôi, mỗi ngày đều là 17-7”, ông Rob tâm sự.

Thảm kịch MH17 là biến cố thứ hai đối với gia đình James Rizk, một nhân viên bất động sản 22 tuổi ở thành phố Melbourne, Australia trong vòng 4 tháng. James Rizk tin rằng những kẻ đã giết hại cha mẹ mình, ông Albert và Maree Rizk – hành khách trên chuyến bay MH17 sẽ sớm đối mặt với công lý. Mẹ kế của anh, bà Maree Rizk trước đó (hôm 8-3) vừa mất đi vợ chồng người em trai trên chuyến bay MH370 cũng của Malaysia Airlines. Chiếc máy bay được cho là đã mất tích bí ẩn ở Ấn Độ Dương cùng với 238 hành khách và phi hành đoàn.

Thảm kịch MH17 sắp có lời giải  ảnh 1

Lực lượng điều tra gặp nhiều khó khăn do hiện trường nằm trong vùng chiến sự

Ít nhất thì James Rizk không phải chờ đợi quá lâu để đón cha mẹ về nhà. 6 tuần sau tai nạn, thi thể của họ nằm trong tốp đầu tiên trong số 38 người Australia thiệt mạng được đưa về quê hương. Nhưng không may mắn như James, ông Evert van Zijtveld đến tháng 12-2014 mới được tự tay chôn cất một phần hài cốt của con trai Robert-Jan, 18 tuổi và cô con gái 19 tuổi Frederique tại nghĩa trang gần nhà. Sau đám tang, nhà chức trách Hà Lan thông báo tiếp tục tìm thấy những phần hài cốt khác của các con ông. “Bây giờ chúng tôi không biết phải làm gì. Rất khó quyết định có mở mộ để đặt thêm những mảnh xương vào hay không”, ông Van Zijtveld ngậm ngùi nói.

Hôm nay 17-7, James Rizk sẽ đến Canberra, Thủ đô Australia tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân MH17, trong đó có lễ khánh thành tấm bia khắc tên 298 nạn nhân đặt tại khu vườn của tòa nhà Hạ viện. Cùng thời điểm này, lễ tưởng niệm các nạn nhân cũng được tổ chức trang trọng ở Hà Lan, với sự tham dự của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng 2.000 thân nhân các hành khách thiệt mạng. Diyana Yazeera, cô con gái 16 tuổi của Dora Shahila   Kassim, tiếp viên trưởng trên chuyến bay MH17 sẽ từ Kuala Lumpur bay sang Hà Lan dịp này, nhưng với em nỗi nhớ mẹ ngày càng tăng. “Bà không chỉ là mẹ mà còn như một người cha, người bạn tốt nhất của tôi. Tôi không biết sống sao khi thiếu mẹ”, Yazeera thổn thức.

Chứng cứ rõ ràng hơn

Trong các giả thuyết về nguyên nhân tai nạn, nổi lên hàng đầu là giả thuyết MH17 bị trúng tên lửa. Ukraine đổ lỗi cho lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn, còn Matxcơva cho rằng “thủ phạm” chỉ có thể là quân Ukraine. Tuy nhiên, nhóm điều tra quốc tế về vụ MH17, đứng đầu là Hà Lan cho biết, kết quả điều tra chính thức đến tháng 10-2015 mới có thể công bố.

Trong báo cáo điều tra sơ bộ, Ban An toàn Hà Lan kết luận rằng, máy bay bị trúng phải nhiều vật thể có năng lượng cao - những đặc điểm của một quả tên lửa. Theo tin mới nhất của CNN hôm 15-7, báo cáo chính thức chưa được phát hành nhưng nguồn tin tiếp xúc với dự thảo báo cáo cuối cùng cho biết, có bằng chứng cho thấy lực lượng ly khai miền Đông Ukraine đã bắn hạ MH17.

 Các nhà điều tra đã xác định được chính xác loại và quỹ đạo của tên lửa đó cũng như dựng lại những phút cuối cùng trên hành trình bay của MH17. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, vì hãng hàng không Malaysia không xem xét cảnh báo của các nước khác nên không biết các hãng hàng không khác đã tránh khu vực xung đột và tiếp tục cho máy bay bay qua khu vực này.

Trong khi đó, cùng ngày 15-7, ông Vladimir Markin – người đứng đầu Ủy ban điều tra Nga khẳng định, khả năng hàng đầu là MH17 bị tên lửa không đối không bắn trúng. Tên lửa loại này không phải do Nga sản xuất. Nga đã mở cuộc điều tra riêng của mình sau vụ tai nạn ở miền Đông Ukraine.

Phát biểu với hãng tin Tass, ông Markin nhấn mạnh, kết luận của các chuyên gia Nga có sự hỗ trợ chứng thực của Evgeny Agapov, một kỹ thuật viên về vũ khí hàng không của không quân Ukraine, người đang được Nga bảo vệ với tư cách là “nhân chứng quan trọng” trong vụ tai nạn MH17. Cụ thể, Agapov làm chứng rằng, ngày 17-7-2014, một chiếc máy bay phản lực Sukhoi Su-25 của Ukraine do phi công Voloshin đã thực hiện một nhiệm vụ và quay về khi không còn đạn dược. Số liệu giám sát quân sự của Bộ Quốc phòng Nga hôm đó cũng cho thấy, chiếc máy bay phản lực Su-25 của Kiev đã tăng độ cao ngang với chiếc Boeing ngay trước khi chiếc máy bay xấu số của Malaysia bị bắn rơi.

Các nước có công dân thiệt mạng trong thảm kịch này gồm Hà Lan, Malaysia, Bỉ, Australia và Ukraine đang có kế hoạch đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lập một tòa án đặc biệt để truy tố người chịu trách nhiệm trong vụ bắn rơi máy bay. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ và cho rằng lời kêu gọi lập tòa án quốc tế là “không đúng lúc và phản tác dụng”. Phía Nga cho rằng, mọi việc nên chờ kết luận cuối cùng của nhóm điều tra quốc tế.

MH17- những sự kiện đáng nhớ sau một năm

10h30 (giờ Malaysia) ngày 17-7-2014: MH17 mất liên lạc tại điểm cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 50km.

Ngày 20-7, hành khách đầu tiên người Hà Lan được nhận dạng. Hiện còn 2 công dân Hà Lan chưa được tìm thấy.

Ngày 22-8: Thi thể nhóm nạn nhân đầu tiên người Malaysia được hồi hương.

Ngày 9-9: Đoàn 8 xe tải chở xác chiếc máy bay MH17 về đến căn cứ không quân Gilze Rijen ở Hà Lan.

Ngày 23-1-2015: Thủ tướng Hà Lan thông báo đến cuối năm mới có thể công bố kết quả điều tra.

Ngày 2-5: Thi thể nạn nhân cuối cùng từ Ukraine về đến Hà Lan. 

Ngày 1-6: Malaysia Airlines thông báo "phá sản về mặt kỹ thuật" sau 2 thảm họa hàng không năm 2014. 

Ngày 10-7: Nga phản đối 5 nước Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine đề xuất thành lập tòa án quốc tế xử lý hình sự vụ bắn rơi MH17.

Ngày 11-7, Chính phủ Malaysia đã làm lễ tưởng niệm nạn nhân MH17 một năm sau tai nạn. Australia và Hà Lan tổ chức tưởng niệm vào hôm nay 17-7.