“Thảm kịch kép” với người tị nạn Rohingya ở Bangladesh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau những chùm khói đen bốc lên ngùn ngụt, Mohammad Harun, 27 tuổi, không bao giờ nhìn thấy cha mẹ mình còn sống nữa. Thi thể của họ được tìm thấy bên ngoài nhà. Cha mẹ Harun là 2 trong số 15 nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy hôm 22-3 ở khu trại tị nạn lớn nhất thế giới: Cox’s Bazar ở Bangladesh. Hỏa hoạn đã khiến hàng trăm người Rohingya mất tích và hàng chục nghìn người mất nhà cửa.
Cảnh điêu tàn sau hỏa hoạn tại Cox’s Bazar, trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Bangladesh

Cảnh điêu tàn sau hỏa hoạn tại Cox’s Bazar, trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Bangladesh

Mất mát chất chồng

Mohammad Selim, 38 tuổi, vội vã đến hiện trường khi ngọn lửa bùng lên. Lửa lan quá nhanh khiến mọi người không kịp mang theo bất cứ thứ gì khi họ chạy ra khỏi nhà. Tờ Guardian của Anh dẫn lời nhân chứng Selim cho biết, thiệt hại về người và tài sản sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu ngọn lửa bùng lên vào ban đêm. “Rất may là nó bùng phát vào ban ngày và mọi người có thể nhanh chóng hành động. Rất nhanh sau đó lực lượng cứu hỏa đã đến. Nhưng gió quá bất lợi, phải mất hàng giờ đồng hồ cuối cùng ngọn lửa mới được kiểm soát”, anh Selim nói.

Các nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân của vụ hỏa hoạn hôm 22-3, nhưng các nhóm cứu trợ và nhân chứng cho biết, ngọn lửa nhanh chóng bao trùm các túp lều bằng tre và nhựa rất dễ cháy, khiến nhiều người, bao gồm cả trẻ nhỏ mắc kẹt. Mọi người còn nghe thấy tiếng nổ của các bình gas, làm lửa thêm tăng tốc.

Theo giáo viên Mohammad Harun đang ở trường học Hồi giáo trong trại tị nạn Cox’s Bazar ở phía Đông Nam Bangladesh thì lửa bắt đầu len lỏi khắp khu định cư, rồi ngọn lửa nhanh chóng bùng lên thiêu rụi hàng nghìn ngôi nhà tồi tàn. “Mọi thứ đã biến mất. Chỉ còn lại những vật dụng bằng kim loại bị biến dạng bởi sức nóng”, Harun nhớ lại cũng trận hỏa hoạn khiến gia đình anh phải chạy trốn khỏi Myanmar vào năm 2017. Theo Reuters, khi làng họ bị cháy, họ đã đi bộ 4 ngày đường đến Bangladesh, đi qua những ngôi làng cháy rụi và những thi thể nằm la liệt trên đường. “Không bao giờ tôi có thể tưởng tượng rằng mình sẽ mất cha mẹ và ngôi nhà ở Bangladesh trong một trận hỏa hoạn khác. Hãy cho tôi sức mạnh để chịu đựng nỗi đau này”, Harun nói.

Ngổn ngang công tác khắc phục sự cố

Các trại tị nạn ở miền Nam Bangladesh là nơi sinh sống của khoảng 870.000 người tị nạn Rohingya, vốn đã bị Myanmar từ chối nhập quốc tịch. Liên hợp quốc, các nhóm cứu trợ và các nhà lãnh đạo người Rohingya cho rằng, hàng rào do quân đội Bangladesh dựng lên đã khiến nhiều người mắc kẹt trong đám cháy và cản trở công tác cứu hộ trong suốt 12 giờ hỏa hoạn bùng lên ở khu trại tị nạn lớn nhất thế giới. Các cơ quan nhân đạo quốc tế đã kêu gọi dỡ bỏ hàng rào này.

Hãng tin Al Jazeera cho biết, những tháng gần đây, nhà chức trách Bangladesh đã xây dựng các lớp rào chắn ngăn cách giữa các dãy nhà có mái che, bên cạnh hàng rào dây thép gai bao quanh trại, để đảm bảo an ninh trật tự và luật pháp tại khu Cox’s Bazar. “Tôi không tin rằng những hàng rào này đã cản trở nỗ lực cứu hộ. Có đủ đường trong các trại và hàng trăm quan chức, cảnh sát và tình nguyện viên của chúng tôi đã có mặt để giải cứu họ”, Ủy viên người tị nạn Bangladesh Shah Rezwan Hayat cho hay. Quan chức này cũng nói thêm rằng, nếu hàng rào là rào cản thì làm sao hàng chục phương tiện chữa cháy, xe cảnh sát có thể vào trại trong vòng 20 phút sau vụ cháy.

Những phát hiện sơ bộ cho thấy ngọn lửa bắt nguồn từ một bếp nấu trong một nơi trú ẩn và sau đó nhanh chóng lan rộng do gió mạnh và việc người tị nạn sử dụng bình gas để đun nấu. Nhà chức trách Bangladesh đã mở cuộc điều tra và 8 người đã bị cảnh sát thẩm vấn.

Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay khắc phục hậu quả sự cố này. Các nhân viên cứu trợ đã tìm cách đoàn tụ các gia đình Rohingya bị chia cắt sau hỏa hoạn. Hầu hết mọi người tản đến các trại khác để ở với bạn bè hoặc người thân. Đáng lưu ý, rất có thể trẻ em đã bị thất lạc gia đình trong quá trình sơ tán này. “Đây là một tình huống rất khó khăn và chúng tôi đang hướng về hàng nghìn người tị nạn, những người gặp phải thảm họa thứ hai trong đời”, bà Ita Schuette - quan chức UNHCR cho biết trong một video đăng trên Twitter từ Cox’s Bazar.