Thảm kịch cháy khu tị nạn lớn nhất châu Âu khơi lên tranh luận mới ở Đức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ hỏa hoạn khiến hàng nghìn người phải rời khỏi trại di cư lớn nhất của Hy Lạp, một số bang của Đức đang đề nghị tiếp nhận thêm người tị nạn. Tuy nhiên, những lời kêu gọi hành động khẩn cấp đó đã vấp phải rào cản lớn là Chính phủ liên bang, vốn đã “dập tắt” những nỗ lực giải cứu người tị nạn thời gian gần đây.

Bộ trưởng Di cư Hy Lạp Giorgos Koumoutsakos ngày 9-9 cho biết, trại tị nạn Moria lớn nhất châu Âu trên đảo Lesbos chỉ còn là đống tro tàn. “Đến thời điểm này, trung tâm tị nạn đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Hàng nghìn người bị biến thành dân vô gia cư”. Ông Giorgos gọi vụ hỏa hoạn chiều tối 8-9 là “cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có”. Theo Guardian, có gần 13.000 người ở trong khu trại khi hỏa hoạn xảy ra. Trại Moria nằm trong lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid-19 kể từ tháng 3 và đã bị quá tải gấp 4 lần số lượng người di cư.

Trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp đã bị thiêu trụi

Trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp đã bị thiêu trụi

“Va chạm” giữa các tiểu bang và chính phủ

Ngày 9-9, ông Armin Laschet, người đứng đầu bang North Rhine - Westphalia đông dân nhất của Đức, đã đề nghị thu nhận khoảng 1.000 người từ trại tị nạn này. Cùng chung ý tưởng này, lãnh đạo và các quan chức khác ở Berlin, Thuringia và Brandenburg đều đề nghị tái định cư cho một bộ phận người tị nạn đang không còn lại gì sau vụ cháy tại trại Moria. “Tin tức về trại tị nạn ở Moria (Hy Lạp) đã khiến tôi vô cùng bàng hoàng. Đây là một thảm họa nhân đạo mà không ai có thể nhắm mắt làm ngơ được nữa” - Thị trưởng Berlin Michael Müller cho biết trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại trại tị nạn Moria đã nhanh chóng khơi dậy cuộc tranh luận về chính sách tị nạn ở Đức. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, nhiều bang của Đức đã cố tổ chức các chuyến bay riêng để giải cứu những người xin tị nạn khỏi trại Moria vốn quá đông đúc, trong đó đi đầu là Berlin và Thuringia. Các địa phương này còn bày tỏ sự tức giận khi Chính phủ liên bang không có hành động gì về việc này. Nhưng cuối cùng, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer đã phủ quyết các kế hoạch nhân đạo đó.

Ông Seehofer lập luận rằng, Chính phủ liên bang có tiếng nói cuối cùng trong các vấn đề về chính sách người tị nạn, đồng thời cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn cần được Liên minh châu Âu đồng ý. Các bang của Đức đã kiến nghị lên tòa án nhằm phản đối quyết định của Bộ trưởng Seehofer nhưng việc này sẽ mất nhiều thời gian.

Thị trưởng Berlin Michael Müller đã bày tỏ sự thất vọng của mình với các động thái của chính phủ. Ông Müller nói: “Tôi không thể hiểu nổi tại sao Chính phủ liên bang lại không tạo điều kiện cho các thành phố đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp viện trợ. Chúng tôi có đủ năng lực và nhiệm vụ của chúng tôi là giúp đỡ những người cần giúp đỡ”.

Bài toán khó về chính sách tị nạn

Sau vụ hỏa hoạn ở trại Moria, hôm 9-9, ông Seehofer đã đưa ra tuyên bố cam kết trợ giúp Hy Lạp bằng cách gửi lều bạt và thuốc men, nhưng không đề cập đến việc liệu Đức có tiếp nhận một số người tị nạn trong trại hay không. Cuối tháng 8-2020, Thủ tướng Angela Merkel đã ra mặt ủng hộ quyết định của Bộ trưởng Nội vụ về ngăn chặn kế hoạch giải cứu người tị nạn của các tiểu bang, cho rằng ông Seehofer đã hành động đúng.

Mặc dù hoan nghênh tinh thần sẵn sàng đón nhận người tị nạn từ các cộng đồng địa phương, bà Merkel lo ngại rằng việc đó có thể cản trở nỗ lực xây dựng hệ thống phân phối người tị nạn trong toàn Liên minh châu Âu. “Nếu tất cả những người tị nạn được Đức tiếp nhận thì chúng ta sẽ không bao giờ thấy một giải pháp châu Âu nào cả” - bà Merkel nhấn mạnh.

Các nhóm viện trợ nhân đạo cũng như các chính trị gia Đức cho rằng nếu tiếp nhận người di cư, họ có thể tránh được hậu quả thảm khốc trong các trại tị nạn quá tải ở Hy Lạp. Ông Joachim Stamp - người đứng đầu cơ quan phụ trách gia đình, người tị nạn và hội nhập của bang North Rhine-Westphalia cho biết, thật là thảm hại khi EU đã để cho tình hình ở Moria leo thang đến mức như vậy.

“Bang North Rhine-Westphalia và các bang khác đã đề nghị giúp đỡ. Chính phủ liên bang chỉ cần phối hợp, vậy mà Bộ trưởng Seehofer và Ngoại trưởng Heiko Maas vẫn không nhúc nhích. Điều này phải thay đổi ngay lập tức. Nếu Eu không có khả năng tiếp nhận nhân đạo vài nghìn người di cư, thì hãy tuyên bố phá sản đi” - ông Stamp viết trên Twitter.