Thảm họa từ con người

ANTĐ - Chưa bao giờ, tai nạn giao thông (TNGT) lại có sức ám ảnh ghê gớm đối với người đi đường như hiện nay. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (ATGTQG) vừa cho biết, trong tháng 2 cả nước xảy ra 2.933 vụ, làm chết 1.057 người, bị thương 3.066 người. Theo báo cáo tổng hợp từ ngành Giao thông các địa phương và những bệnh viện lớn, chỉ trong 9 ngày Tết (từ 9 đến 17-2), toàn quốc đã xảy ra 373 vụ TNGT, làm chết 314 người, bị thương 387 người. 

Như vậy tính chung  2 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 5.636 vụ TNGT, làm chết 1.973 người, bị thương 5.794 người cho thấy thương vong vì TNGT là rất nghiêm trọng. Con số thống kê còn cho biết trên cả nước trung bình mỗi năm có trên 11.000 người chết vì TNGT. Nếu so với thiệt hại nhân mạng trong thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật Bản làm hơn 10.000 người chết, thì TNGT ở nước ta không khác gì thảm họa! Tính ra, mỗi ngày có  ít nhất 31 người ra đi vì TNGT, tương đương 1 trung đội (từ 20 đến 40 quân nhân) nhưng những thảm nạn này không phải trong thời chiến mà xảy ra giữa thời bình, lại vào cả những ngày tươi đẹp nhất của một năm.

Cũng theo Ủy ban ATGTQG, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn trên là do người điều khiển mô tô, xe gắn máy phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường, uống rượu bia điều khiển xe, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định... Đặc biệt TNGT xảy ra nhiều tại các vùng nông thôn, các đường liên huyện, liên xã.

Những nguyên nhân gây TNGT và giải pháp ngăn chặn “thảm họa” này cũng đã được đề cập nhiều, nhưng giữa “đề ra” và “thực hiện” quá xa nhau nên hiệu quả còn chưa thấy. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được chi để sửa sang đường sá và vô số chiến dịch tuyên truyền được tổ chức nhưng TNGT vẫn không bị đẩy lùi chứ không nói là hết, trái lại phát sinh ở nhiều lúc, nhiều nơi. Bà Rịa - Vũng Tàu, Lai Châu, Yên Bái và An Giang là 4 tỉnh vừa bị liệt vào danh sách các tỉnh có tỷ lệ số vụ TNGT, người chết và bị thương về TNGT tăng 100%.

Trong gần 400 vụ TNGT dịp Tết vừa qua, hầu hết xảy ra trên đường bộ và có liên quan đến rượu, bia. Trên khắp các quốc lộ, dễ dàng bắt gặp tài xế xe tải, xe khách phóng bạt mạng, liên tục lấn tuyến, vượt mặt nhau; nhiều người chạy xe máy không thèm đội mũ bảo hiểm, hễ thấy vắng bóng CSGT là phóng nhanh vượt ẩu. Trong thời gia qua, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ xe mất phanh, mất lái thường bị gọi là "xe điên" gây tai nạn hàng loạt, tước đoạt một cách oan uổng mạng sống của nhiều nạn nhân vô can. "Xe điên" hay do con người khi con người mới là kẻ làm chủ phương tiện?

Xử phạt vi phạm giao thông chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Từ năm 2009, Ủy Ban ATGTQG đã ra khẩu hiệu “Văn hóa giao thông là chấp hành nghiêm Luật Giao thông”. Thế nhưng tai nạn giao thông ngày một diễn biến phức tạp và hậu quả tàn khốc hơn. Muốn thực hiện thành công mục tiêu này thì phải nhìn nhận TNGT như là một thảm họa, một loại thảm họa không phải thiên tai mà do chính con người gây ra, từ đó có những sách lược cụ thể để đẩy lùi thảm họa, để hết những nỗi đau mất mát không thể bù đắp từ TNGT.