Thảm họa di cư giữa lòng châu Âu

ANTĐ - Liên minh châu Âu đang đứng trước thảm họa nhân đạo di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai tới nay khi dòng người di cư tiếp tục ồ ạt đổ vào trong sự bất lực và bất đồng về cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Thảm họa di cư giữa lòng châu Âu ảnh 1Người nhập cư nằm la liệt ở sân ga Kaleti, Hungary để chờ tàu sang Đức hay Áo

Cả châu Âu và thế giới đang rúng động trước hình ảnh thi thể một bé trai 3 tuổi người Syria nằm úp mặt trên cát sát mép biển ở khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Bodrum phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. Bé trai 3 tuổi có tên Aylan Kurdi này cùng người anh trai Galip Kurdi và người mẹ Rihan nằm trong số 12 người thiệt mạng, 2 người mất tích trên con thuyền chở 23 người Syria bị đắm khi chạy trốn các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để đến đảo Kos của Hy Lạp.

Hình ảnh về cái chết thương tâm của bé trai Aylan Kurdi đã phần nào lột tả mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo di cư chưa từng thấy từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai tới nay mà Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt. Theo số liệu thống kê mới nhất, từ đầu năm tới thời điểm này đã có hơn 350.000 người đánh cược mạng sống của mình trên các hành trình từ Trung Đông, châu Phi… nhập cư bất hợp pháp vào EU, trong đó chỉ riêng số người bỏ mạng trên Địa Trung Hải lên tới hơn 2.500 người.

Làn sóng người di cư bất hợp pháp vào EU không chỉ đến từ các “điểm nóng” Italia và Hy Lạp trước đây mà nay đã lan rộng ra cả Hungary cũng như nhiều quốc gia nằm giữa lòng liên minh này. Điển hình là trường hợp cảnh sát Hungary ngày 27-8 vừa qua đã phải dùng hơi cay để đưa hàng trăm người nhập cư khỏi nhà ga Keleti ở Thủ đô Budapest nhằm ngăn họ lên chuyến tàu cuối cùng đi tới các quốc gia Tây Âu như Đức, Áo.

Dòng người di cư đổ vào EU tiếp tục gia tăng đã cho thấy mọi giải pháp chống nhập cư bất hợp pháp của Liên minh này đã không hiệu quả, nếu không muốn nói là thất bại. Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan thường trực của EU, đã lên kế hoạch hành động mới nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư, theo đó đề xuất việc phân bổ hạn ngạch (quota) giữa các nước thành viên Liên minh mà cụ thể là 40.000 người xin tỵ nạn tại Italia và  Hy Lạp sẽ được phân bổ tại những nước thành viên khác và 20.000 người tỵ nạn khác cũng sẽ được EU tiếp nhận.  

Các nước như Đức, Pháp… vốn đề cao giá trị nhân đạo mà EU theo đuổi suốt 50 năm qua  ủng hộ đề xuất sẽ được đưa ra thảo luận trong Hội nghị cấp Bộ trưởng của Liên minh vào ngày 14-9 tới vì cho rằng những người tỵ nạn đến châu Âu là nạn nhân của xung đột ở Trung Đông, Nam Á và Bắc Phi. Tuy nhiên, các thành viên khác như Italia, Hy Lạp, Hungary… lại phản đối bởi điều này sẽ chỉ khuyến khích sự gia tăng người nhập cư vào Liên minh cũng như tạo điều kiện cho bọn buôn người kiếm chác.

Trong khi EU chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư bất hợp pháp, các nước thành viên minh như Hy Lạp, Áo… và nhất là Hungary đã áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn dòng người di cư. Hungary đã hoàn tất việc xây dựng hàng rào thép gai gồm 4 lớp, cao 4m và chạy dài 175km suốt dọc biên giới với Serbia; Áo cũng đã áp dụng biện pháp cứng rắn chặn người nhập cư tại các cửa khẩu biên giới còn Hy Lạp dùng hơi cay gây choáng để trấn áp người nhập cư bất hợp pháp…

Thảm họa nhân đạo di cư vì thế có thể còn trầm trọng hơn nữa trong sự bất đồng giữa các thành viên EU về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nhức nhối này.