“Tham gia chuỗi giá trị phải định rõ ở khâu nào”

ANTĐ - Đó là góp ý của ông Đinh Văn Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) với báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu quốc gia. Việt Nam đang tiến hành nhiều biện pháp để khai thác tốt tiềm năng xuất khẩu, nhưng giá trị gia tăng trong xuất khẩu còn thấp, chủ yếu do các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị hoặc chỉ tham gia ở những khâu đơn giản.

Thủ công mỹ nghệ Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn
(Trong ảnh: Sản xuất gốm Chu Đậu, Hải Dương, sản phẩm được ưa chuộng
ở nhiều nước trên thế giới)

Ông Đinh Văn Thành nói: “Báo cáo nào cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường tham gia chuỗi giá trị, nhưng ở khâu nào trong chuỗi mới quan trọng. Ví dụ tham gia nhưng nông nghiệp chỉ ở khâu trồng trọt, còn công nghệ cao như điện tử, điện thoại thì chỉ lắp ráp thôi sao?”. Nếu chỉ tham gia ở các khâu này, không những giá trị gia tăng thu được trên sản phẩm xuất khẩu thấp mà Việt Nam cũng đang mất dần đi lợi thế, khi mà giá nhân công ở nước ta ngày càng cao. Vị chuyên gia này cũng cho rằng nên đưa ra tầm nhìn dài hơn cho sản phẩm xuất khẩu và cần lưu ý đến đối thủ cạnh tranh cũng như sản phẩm thay thế. Ví dụ như với xe máy và ô tô, Việt Nam cải tiến mãi mới đạt tiêu chuẩn Euro 2 về môi trường nhưng thế giới đã tiến tới tiêu chuẩn Euro 4, nên sản phẩm của Việt Nam không xuất sang thị trường châu Âu được nữa. 

Lâu nay, trong kiến nghị của nhiều bộ ngành, nhất là ở lĩnh vực xuất khẩu, việc tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị để doanh nghiệp có nhiều lợi nhuận hơn thường được nhắc đến. Nhưng dường như chưa có khuyến nghị nào chỉ rõ doanh nghiệp cần tham gia ở khâu nào. 

Trên thực tế, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Tư vấn trưởng đánh giá tiềm năng xuất khẩu thì cơ cấu hàng hóa xuất khẩu ở nước ta chủ yếu tập trung vào sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Điều này được thể hiện rõ ở nhiều mặt hàng xuất khẩu điển hình có kim ngạch lớn. Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu cao su tự nhiên, với 90% sản lượng cao su dành cho xuất khẩu, nhưng ngược lại, chúng ta cũng nằm trong nhóm đầu về nhập khẩu cao su thành phẩm. Tương tự, 95% lượng cà phê robusta sản xuất trong nước dành để xuất khẩu nhưng công nghệ sau thu hoạch kém nên giá trị thu về của sản phẩm này không cao. Đối với sản phẩm công nghệ như: điện thoại, điện tử, dệt may, da giày, sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu ở khâu chế biến, lắp ráp. “Xuất khẩu điện thoại, sản phẩm điện tử tăng trưởng nhanh chóng nhưng doanh nghiệp trong nước mới chỉ cung cấp bao xốp, vỏ nhựa” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, Việt Nam có thể trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới về điện tử, điện thoại thông minh. “Nhưng vấn đề đặt ra là 3 tập đoàn điện tử lớn là Samsung, Intel và Canon có mức độ lan tỏa thế nào về công nghệ, kỹ thuật tại Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng ở khâu nào”? - ông Võ Trí Thành băn khoăn. Trong chuỗi giá trị du lịch, vị chuyên gia này cho rằng, tiềm năng xuất khẩu du lịch của Việt Nam không phải là du lịch truyền thống, mà là du lịch thế hệ mới. Nếu như trước đây, du lịch khai thác dịch vụ là mua sắm, tắm biển thì hiện nay, du khách thích du lịch văn hóa, sinh thái, an dưỡng, điều trị bệnh tật và du lịch tâm linh. Việc nhìn ra tiềm năng du lịch sẽ giúp doanh nghiệp khai thác đúng hướng. 

Báo cáo tiềm năng xuất khẩu đánh giá Việt Nam là một quốc gia “có tên tuổi” trên bản đồ xuất khẩu thế giới, đặc biệt với một số mặt hàng nông sản và công nghiệp như: cà phê, gạo, hạt tiêu, tôm, dệt may… nhưng chất lượng và hiệu quả xuất khẩu chưa cao. Những hạn chế cố hữu như: giá trị gia tăng, chất lượng xuất khẩu thấp, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, cơ sở hạ tầng và chế biến kém… vẫn chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp đang phải đối mặt với vấn đề nổi cộm là thiếu thông tin thị trường, liên kết yếu.