Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

ANTD.VN - Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đa quốc gia. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị rất khiêm tốn, nhưng con số này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “bó tay” trước các tập đoàn quốc tế lớn.

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam? ảnh 1

Doanh nghiệp Việt Nam đã chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Thử thách lớn với doanh nghiệp?

Mới được thành lập từ năm 2015 nhưng Công ty CP công nghiệp hỗ trợ Nguyên Minh, sản xuất chuyên nghiệp các sản phẩm linh kiện nhựa và khuôn mẫu chất lượng cao đã nhanh chóng trở thành nhà cung ứng cấp I của Samsung Việt Nam. Đây cũng là 1 trong 5 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp tốt nhất cho Samsung Việt Nam hiện nay.

Công ty đang sản xuất 255 loại linh kiện, cung ứng cho nhiều ngành công nghiệp như: hàng gia dụng kỹ thuật số, linh kiện điện tử, phụ tùng xe hơi. Với riêng Samsung, sản phẩm của Nguyên Minh được sử dụng cho các tủ lạnh, máy hút bụi, máy giặt, tivi…

Theo ông Châu Bá Long- Tổng giám đốc Công ty CP công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần đầu tư máy móc hiện đại, có quy trình kiểm soát chất lượng toàn diện và luôn đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của khách hàng.

Là một người tâm huyết với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và dành nhiều thời gian để nghiên cứu lĩnh vực này, TS Trương Thị Chí Bình- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, Samsung khá cởi mở với các nhà cung cấp trong nước, nhưng đa số doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được, bởi lẽ, lĩnh vực điện tử thay đổi rất nhanh, nếu doanh nghiệp không “máu me”, không chịu đầu tư thì không thể chen chân vào chuỗi cung ứng.

“Công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực xe máy khác với khác điện tử, vì linh kiện lĩnh vực điện tử rất nhỏ gọn, có thể nhập khẩu dễ dàng. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đa số muốn Samsung cam kết trước sẽ nhập hàng rồi mới sản xuất, nhưng Samsung không cam kết, vì lĩnh vực này thay đổi rất nhanh.

Nếu doanh nghiệp “máu me” đầu tư, làm bài bản thì sẽ tham gia được vào chuỗi. Trong trường hợp Samsung Việt Nam đã đủ hàng thì sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vẫn có thể cung ứng cho Samsung toàn cầu”- bà Trương Thị Chí Bình nói.

Nêu quan điểm về việc làm thế nào để được nhà cung ứng của các doanh nghiệp đa quốc gia, ông gia Phạm Mạnh Thắng- Giám đốc Công ty TNHH tư vấn giải pháp quản lý năng suất, chất lượng cho hay, doanh nghiệp có tiêu chí rõ ràng thì sẽ có cách thức để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, để trở thành nhà cung ứng cấp 1, doanh nghiệp nhất định phải đạt 3 yêu cầu, là: chất lượng, giao hàng và giá cạnh tranh.

Những mục tiêu mới cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Có một thời kỳ, câu chuyện không một công ty nội địa nào có thể cung cấp “một con ốc” cho Samsung từng làm dậy sóng dư luận vì nó cho thấy sự yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, đến nay, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có bước phát triển nhất định. Tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ diễn ra hồi cuối tháng 12-2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Phát triển công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu cấp thiết hiện nay”.

Theo ông Trần Tuấn Anh, cần tập trung vào một số lĩnh vực như: công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may, da giày, ngành năng lượng...

Đây đều là những ngành Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có những dung lượng thị trường. Sự phát triển đột biến của công nghiệp hỗ trợ những lĩnh vực trên sẽ mang lại những động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh CPTPP chính thức có hiệu lực và nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, công nghiệp hỗ trợ cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ và chất lượng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng, hy vọng sắp tới sẽ hình thành những trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cho công nghiệp hỗ trợ, trước mắt là tại 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Bắc, Trung, Nam.

Những trung tâm này không chỉ tập trung vào giới thiệu công nghệ và hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ thông qua hợp tác quốc tế và chính sách của Chính phủ nói chung, mà còn hỗ trợ cho nghiên cứu, phát triển để đóng góp vào phát triển giá trị gia tăng”.

Để làm được điều này, Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là về vốn để doanh nghiệp có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó là việc thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ hay Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Ở góc độ chuyên gia, bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ bài bản thì Chính phủ phải có chiến lược và giải pháp tổng thể. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải liên tục đổi mới và dám đầu tư.

Mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.