Khu vực xây Thủy điện Sông Tranh 2:

Thẩm định động đất hời hợt, theo “đơn đặt hàng”

ANTĐ - Xung quanh báo cáo “Đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2”, lập tháng 8-2005 cho rằng, thủy điện này “không có khả năng gây động đất kích thích khi tích nước” trong khi thực tế diễn ra ngược lại, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng, đây là dạng thẩm định động đất theo... “đơn đặt hàng”!

- Thủy điện Sông Tranh 2 được đánh giá “khi tích nước sẽ không gây khả năng động đất kích thích” nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn, phải chăng đánh giá này chỉ làm cho có, thưa ông?

GS.TS Vũ Trọng Hồng
 GS.TS Vũ Trọng Hồng

- Hiện tượng động đất kích thích có điều kiện là trong khu vực hồ chứa có các đới đứt gãy, có đới không liền. Vì thế khi tiến hành xây dựng các hồ thủy lợi, thường phải tránh các nơi có đớt đứt gãy nhưng không hiểu sao thủy điện Sông Tranh 2 lại cố tình làm thủy điện ở khu vực này nên mới gặp tình trạng hiện nay. Có lẽ chính vì điều này mà chủ đầu tư đã mời Viện Vật lý địa cầu thẩm định về động đất kích thích. Tuy nhiên, khi lập dự án, chủ đầu tư có lẽ không lấy ý kiến một cách nghiêm túc các bộ, ngành liên quan về nguy cơ động đất kích thích cũng như Viện Vật lý địa cầu cũng không thực hiện một cách thấu đáo, làm theo kiểu hời hợt theo “đơn đặt hàng”. 

- Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của các thủy điện hiện nay không bắt buộc phải có phần đánh giá, thẩm định về động đất kích thích?

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ có đánh giá về môi trường, sinh thái, dân sinh... và “quên” khái niệm “động đất”, trong khi ảnh hưởng của động đất cũng chính là môi trường nhưng thiệt hại còn gấp bội. Tôi cho rằng, ngay sau phát hiện rò rỉ thân đập Sông Tranh 2, phải xem đây là vấn đề cấp quốc gia và phải cấp kinh phí cho một đơn vị độc lập để thực hiện làm rõ tình trạng và mối nguy cơ. Nếu có đơn vị độc lập làm việc khách quan thì chỉ một mũi khoan trúng là rõ vấn đề ngay.

- Người dân hạ lưu Sông Tranh 2 đang vô cùng lo lắng vì động đất diễn ra với tần suất cao, thưa ông?

- Đới đứt gãy này rất dài từ Quảng Ngãi xuống đến chân đập cho nên hậu quả chưa thể lường hết. Thực tế ở Quảng Nam là rất đáng lo ngại và chưa từng thấy ở Việt Nam. Vấn đề này chưa từng xảy ra ở hồ chứa khác thì cần nâng tầm sự cố này lên thành vấn đề an toàn cấp quốc gia và phải có hẳn một chế độ đặc biệt để ứng phó, chứ không thể phó mặc cho các nhà kỹ thuật. Cần yêu cầu các đơn vị chủ công, tập hợp các nhà khoa học đầu ngành vào tiếp quản, xử lý sự cố. 

- Các nước khác đã từng áp dụng tình trạng an toàn cấp quốc gia đối với sự cố hồ đập chưa?

- Việc này đã từng xảy ra nhiều lần. Ở Canada, chỉ cần nguy cơ ảnh hưởng đến mấy trăm dân, họ đã áp dụng tình trạng an toàn cấp quốc gia, trong khi thủy điện sông Tranh có thể đe dọa 7 vạn dân. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng chứ không phải chỉ là tổn thất kinh tế. Theo tôi, thủy điện Sông Tranh 2 phải dừng hẳn tích nước. Ngay cả khi không tích nước mà động đất đã liên tục xảy ra, thì hàng triệu m3 nước sẽ là mối đe dọa khủng khiếp tới người dân địa phương.

“Tôi không tin!”

Ngày 26-9, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, UB đã yêu cầu các đơn vị có liên quan báo cáo bằng văn bản về những vấn đề liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2. Các báo cáo đều đã được gửi về và UB đang xem xét. Căn cứ vào đó và những gì xảy ra thực tế, Ủy ban sẽ tiến hành giám sát và có những kiến nghị cụ thể.

Cũng về vấn đề này, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội), Ủy viên UB KH-CN&MT nói: “Trong cuộc họp của UB KH-CN&MT ngày 21-9, đại diện EVN khẳng định là thủy điện Sông Tranh 2 an toàn nhưng tôi không tin. Bởi với tất cả những gì đã xảy ra cho thấy, việc xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 là có vấn đề. Do đó, cần phải xem xét, đánh giá lại toàn diện một cách khách quan, khoa học từ việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho đến quy trình, chất lượng xây dựng”.