Thảm cảnh Trái đất nóng lên

ANTĐ - Ngân hàng thế giới (WB) một lần nữa lên tiếng cảnh báo về hậu quả thảm khốc từ tình trạng Trái đất nóng lên, nhất là đối với châu Á và châu Phi, từ đó kêu gọi toàn thế giới hành động khẩn trương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nặng nề cho cuộc sống 
và môi trường trên Trái đất

Báo cáo khoa học do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Viện nghiên cứu tác động của khí hậu Potsdam của Đức công bố ngày 19-6 thêm một lần nữa phác thảo viễn cảnh đáng báo động đối với nhiều khu vực trên thế giới trước tình trạng Trái đất ấm lên. Theo báo cáo này, châu Phi nghèo khó cùng châu Á sẽ là những nơi phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc hành tinh nóng lên.

Theo báo cáo, tình trạng Trái đất ấm lên hiện nay với nền nhiệt trung bình trên bề mặt hành tinh chỉ cao hơn        0,8 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hồi thế kỷ 18 song đã khiến nạn hạn hán ở Nam sa mạc Sahara ở châu Phi và nước biển xâm thực ở khu vực Đông Nam Á tăng mạnh. Tình hình này được dự báo sẽ còn tồi tệ hơn nhiều trong 2 thập kỷ tới khi nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng mạnh. 

Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết, trong 20-30 năm tới, nền nhiệt trung bình của Trái đất sẽ tăng thêm 2 độ C khiến mực nước biển tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất cao dẫn đến khan hiếm nước ngọt và thiếu lương thực trầm trọng. Các chuyên gia đánh giá những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển của khu vực Nam sa mạc Sahara, Đông Nam Á và Nam Á, là những nơi tập trung nhiều người thuộc diện nghèo khổ nhất thế giới. 

Theo báo cáo, đến năm 2030, nạn hạn hán và nóng nực tại vùng Nam sa mạc Sahara sẽ khiến 40% diện tích đất trồng ngô hiện nay không còn thích hợp với loại cây này, đồng thời làm lụi tàn những đồng cỏ và đe dọa cuộc sống của dân du mục. Điều này có thể dẫn tới hậu quả là tỷ lệ dân số suy dinh dưỡng tại châu Phi tăng từ 25-90% so với hiện nay. 

Trái với nắng nóng và hạn hán ở châu Phi, châu Á phải đối mặt với nạn nước biển dâng và lũ lụt. Tại Đông Nam Á, khu vực nông thôn sẽ phải chịu áp lực mạnh nhất do mực nước biển dâng, bão tố gia tăng cường độ và hệ sinh thái biển bị hủy hoại khi nhiệt độ tăng thêm. 

Báo cáo cho biết tốc độ nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn so với dự kiến, tăng tới 50 cm vào năm 2050. Nằm ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất là lũ lụt ở khu vực đô thị và xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Mekong do tác động của nước biển dâng. Nước biển dâng 30 cm, có thể xảy ra sớm vào năm 2040, sẽ gây thiệt hại khoảng 12% sản lượng gạo ở vùng đồng bằng sông Mekong vốn sản xuất khoảng 50% tổng sản lượng nông nghiệp và đóng góp chủ yếu vào xuất khẩu gạo của Việt Nam. 

Cho rằng nhiệt độ Trái đất tăng sẽ tác động mạnh mẽ đến người nghèo, Chủ tịch WB Jim Young Kim kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động khẩn cấp không chỉ nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn giúp các nước chuẩn bị đối phó với khí hậu bất thường và khắc nghiệt. Ông cho biết, từ năm 2012, WB đã tăng gấp đôi số tiền cho các quốc gia vay nhằm tìm kiếm biện pháp ứng phó, đồng thời tài trợ cho các dự án nhằm giúp người nghèo phát triển kinh tế, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm khí thải nhà kính.