Thảm cảnh một gia đình 5 năm chôn cất 3 người con

ANTĐ - Chỉ trong vòng 5 năm, lần lượt 3 trong số 5 đứa con của vợ chồng anh Nguyễn Quang và chị Lê Thị Hưởng ở thôn An Hưng, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, Quảng Trị lần lượt qua đời bởi căn bệnh viêm não, xơ gan quái ác.
Và 1 trong số 2 đứa con còn lại cũng phát hiện dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh đầy ám ảnh kia. Nỗi đau dường như đã đến giới hạn chịu đựng cuối cùng của đôi vợ chồng nông dân nghèo bất hạnh này...  

Ba lần “tóc bạc tiễn đầu xanh”

Chúng tôi tìm về thăm gia đình anh Nguyễn Quang- chị Lê Thị Hưởng cũng đúng dịp anh chị vừa trở về sau chuyến đưa 2 đứa con trai đi xét nghiệm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Chị Hưởng buồn rầu cho biết, mọi hi vọng cuối cùng vào 2 đứa con trai khoẻ mạnh còn lại của anh chị dường như chỉ còn một nửa khi cháu Nguyễn Nhất Quân (SN 1996) cũng đã phát hiện căn bệnh tương tự như 3 anh chị em trước đó: viêm não, xơ gan. Căn bệnh quái ác đã liên tiếp cướp mất 3 đứa con mà anh chị đã rứt ruột sinh ra!

Trong ngôi nhà bất hạnh nhuốm mùi khói hương, di ảnh 3 đứa con vẫn còn vương nét hồn nhiên với màu áo trắng học trò càng làm không khí trở nên ảm đạm và đau thương. Vừa thắp nén nhang thơm cho các con, chị Hưởng đã oà khóc nức nở còn anh Quang mím chặt môi, nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt xạm đen đầy khắc khổ. Nỗi đau ập xuống đôi vai gầy guộc của đôi vợ chồng nghèo này quả thực bất ngờ và quá sức chịu đựng.

Bệnh tật quái ác đã lần lượt cướp mất 3 đứa con của vợ chồng anh Quang vĩnh viễn

Nhắc đến các con, chị Hưởng ôm mặt khóc vật vả, kể: “Các con tôi đều ngoan hiền, học chăm chỉ thế mà không ngờ ông trời nỡ cướp mất chúng nó đột ngột như vậy. Gia đình tôi nghèo, chỉ có các con là tài sản đáng giá nhất, là niềm hi vọng lớn lao thế mà cái quyền được hi vọng của chúng tôi, ước mơ của các con trong phút chốc lại tan biến một cách quá phũ phàng. Giờ chúng tôi cũng chẳng biết sống làm sao nữa...!”.

Bình tĩnh hơn, anh Nguyễn Quang với dáng người khắc khổ, tóc đã điểm hoa râm đau buồn kể lại nỗi đau mà gia đình anh đã phải hứng chịu liên tiếp chỉ trong vài năm. Năm 2005, đứa con trai thứ 2 của anh chị là cháu Nguyễn Trọng Sang (SN 1990) lúc ấy đang học lớp 7, khi vừa đi học về thì đột nhiên lăn ra ốm với các triệu chứng run tay, tức ngực khó thở, mặt bị phù nề... Tưởng con trúng gió hay cảm nắng gì đó nên anh chị cũng chỉ mua thuốc bình thường cho uống.

Vài ngày sau cháu đi học lại bình thường, nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn thì cháu bắt đầu có biểu hiện tay run không cầm viết được, chân đi đứng không vững. Lúc ấy vì lo lắng sức khoẻ cho con nên anh chị mới vét hết số tiền dành dụm để đưa Sang đi Bệnh viện Trung ương Huế khám. Tại đây, các bác sĩ đã kết luận Sang mắc bệnh viêm não dẫn đến xơ gan. Sau gần 2 năm chống chọi với căn bệnh quái ác, đến năm 2007, Sang đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, để lại nỗi đau khôn nguôi cho đôi vợ chồng nghèo.

Khi nỗi đau mất Sang chưa nguôi thì đứa con gái đầu là em Nguyễn Thị Phương Chi (SN 1988) cũng lâm trọng bệnh. Chị Hưởng kể, Phương Chi đã học xong lớp 12, sau khi thi đại học trượt thì em xin đi phụ bán hàng cho người chị họ ở chợ Đông Hà để dành dụm tiền năm sau thi tiếp. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì em bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, chân tay bị sưng húp, nhiều lần ngất xỉu ngay tại quầy hàng.

Ngay sau đó, gia đình chị Hưởng đưa em vào Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị. Cũng như em trai, Phương Chi cũng được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh viêm não dẫn đến xơ gan, khó có thể cứu chữa. Sau khi điều trị 2 tháng, em được bệnh viện cho về quê để tiếp tục điều trị vì lúc này cũng đỡ bệnh. Tuy nhiên đến tháng 8-2008, Phương Chi lại phát bệnh, lần này bệnh nặng hơn nên gia đình tiếp tục đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế cứu chữa nhưng lúc này bệnh của em đã nặng nên các bác sĩ trả về.

Về quê, anh chị cố gắng cho uống thuốc Nam, thuốc Bắc đủ loại với hi vọng điều kỳ diệu sẽ đến với em... “Thế nhưng bệnh của cháu vẫn không hề thuyên giảm. Lúc bệnh ở giai đoạn cuối, cháu ăn uống gì vào cũng nôn ói ra hết, người cháu gầy sọp, xanh xao. Vợ chồng tôi nhìn con mà quặn thắt ruột gan. Tôi nhớ như in hôm ấy, cũng vừa qua mấy ngày Tết năm 2009, cháu nói khát nước và thèm nước đá, tôi đưa cho cháu một cục đá, cháu vừa cắn đá vừa xoa lên khuôn mặt và cố tỏ ra vui vẻ nhưng ai ngờ chỉ đến khuya hôm ấy thì cháu đã ra đi...”, đôi mắt vẫn còn bần thần, chị Hưởng nói trong nấc nghẹn. Vậy là ước mơ giảng đường của Phương Chi đã đóng sập khi đang còn dang dỡ...

Những tưởng bất hạnh đã buông tha gia đình bất hạnh này, thế nhưng đến tháng 2-2012, con gái út của anh chị là cháu Nguyễn Thị Hoài Thu (SN 1998) cũng phát bệnh với các triệu chứng giống các anh chị đã qua đời. Lúc phát bệnh, cháu Thu đang học lớp 8. Khi phát hiện bệnh, gia đình chị Hưởng đã vay mượn khắp nơi để đưa cháu vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Điều trị được khoảng hơn 1 tháng thì cháu bị bệnh nặng, các bác sĩ lắc đầu trả về quê. “Về nhà chỉ được 5 ngày thì cháu mất, vợ chồng tôi hoàn toàn suy sụp khi đứa con thứ 3 do mình rứt ruột sinh ra qua đời do bạo bệnh... Có lúc tưởng chừng không thể tiếp tục sống. Nhưng nhìn 2 đứa con trai còn lại chúng tôi quyết phải sống và hi vọng...”, anh Quang nói trong xót xa.

Niềm hi vọng mong manh...

Em Nguyễn Nhất Quân, 1 trong 2 đứa con trai còn lại của
vợ chồng anh Quang cũng đang điều trị bệnh với hi vọng mong manh

Vợ chồng anh Quang cho biết, tuy gia đình nghèo nhưng các cháu sinh ra đều khoẻ mạnh và được cho đi học đầy đủ. Thế nhưng các cháu phát bệnh quá đột ngột, bản thân anh chị, những người trong họ hàng, dòng tộc hay tại địa phương cũng chưa hề có gia đình nào có con cháu mắc bệnh tương tự. “Vợ chồng tôi cũng không biết vì nguyên nhân gì mà các con tôi lại mắc căn bệnh quái ác, hiểm nghèo như thế. Chúng tôi rất đau, đau nhất là khi các con đều đang khoẻ mạnh, đi học bình thường thì lại đột ngột phát bệnh và qua đời quá nhanh. Các bác sĩ thì bảo do chúng tôi phát hiện bệnh muộn nhưng quả thật quãng thời gian từ lúc phát bệnh đến lúc qua đời của các cháu quá ngắn nên chúng tôi cũng không biết xoay xở làm sao”, vợ chồng anh Quang đau xót kể.

Nỗi ám ảnh về căn bệnh quái ác luôn chập chờn vào trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ vợ chồng anh Quang- chị Hưởng. Do lo sợ một ngày nào đó ông trời lại cướp mất 2 đứa con trai còn lại là cháu Nguyễn Trọng Quý (SN 1994) và cháu Nguyễn Nhất Quân (SN 1996) nên sau khi cháu Thu mất, vợ chồng anh tức tốc vay mượn tiền đưa 2 cháu vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh để kiểm tra.

“Bao nhiêu niềm hi vọng còn lại chúng tôi đặt vào 2 con trai còn lại. Thế mà, khi kiểm tra các bác sĩ đã phát hiện cháu Quân có dấu hiệu bệnh tương tự với các con đã mất của chúng tôi. Điều này khiến vợ chồng tôi vô cùng tuyệt vọng. Nhưng các bác sĩ khuyên và trấn an rằng do phát hiện sớm nên vẫn có cơ hội để cứu sống cháu nên chúng tôi cũng hi vọng..."” chị Hưởng cho biết.

Ngay sau khi phát hiện Quân bị bệnh, vợ chồng anh chị đã tìm mọi cách kiếm tiền để điều trị cho cháu. “Hiện mỗi tháng chúng tôi phải mua thuốc điều trị cho cháu hết 1,4 triệu đồng. Uống khoảng 3 tháng thì phải đưa cháu vào kiểm tra một lần. Quả thực bây giờ vợ chồng tôi đã kiệt quệ cả về tinh thần và tài sản nhưng nếu cứu sống được con thì có làm gì, ra sao chúng tôi cũng cam lòng... Không biết đợt kiểm tra này kết quả bệnh của cháu thế nào nữa”, chị Hưởng nói trong sự thắc thỏm lo âu.

Em Nguyễn Trọng Quý là đứa con duy nhất của vợ chồng anh chị chưa phát hiện bệnh, vừa thi đại học trở về và đang cố gắng giúp đỡ bố mẹ kiếm tiền chữa trị cho em trai còn lại. Cuộc sống của gia đình anh Quang- chị Hưởng chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và chăn nuôi lợn, gà trong vườn. Tuy nhiên từ ngày 3 đứa con lần lượt qua đời thì anh chị dường như đã kiệt quệ... “Vợ tôi thì đã quá đau buồn mà đổ bệnh. Tôi thì dù già yếu nhưng vẫn phải bươn chải làm thuê làm mướn, đến ngày mô hay ngày đó chứ cũng chẳng biết ngày mai ra sao nữa. Mong là ông trời ngoảnh mặt lại mà cho chúng tôi niềm hi vọng...”, ông Quang nói với đôi mắt đỏ hoe chỉ chực khóc.

Được biết, ga đình anh Quang trước đây thuộc diện hộ nghèo nhưng từ ngày gia đình anh chị được tặng ngôi nhà tình nghĩa (chị ruột ông Quang là liệt sĩ)  thì gia đình anh được “đưa qua” diện cận nghèo. Điều này đồng nghĩa với ghánh nặng càng trở nên oằn hơn trên đôi vai vốn quá nhiều nỗi bất hạnh của đôi vợ chồng nông dân nghèo này!. Gia đình bất hạnh của vợ chồng anh Quang đang cần những tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ để tiếp tục chữa bệnh cho con cũng như vơi bớt phần nào nỗi đau quá lớn...

Chia tay với gia đình bất hạnh này tôi cứ mường tượng đến câu chuyện trong bài ca dao Bình Trị Thiên “Mười quả trứng”. Bài ca dao này nói về hoàn cảnh dù quá bi đát nhưng vẫn lấp lánh hi vọng cuối cùng là “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Vẫn biết tinh thần và niềm hi vọng trong ca dao, cổ tích là vậy nhưng không biết hoàn cảnh thực tại của gia đình đầy bất hạnh trong bài viết này sẽ ra sao khi mà nỗi đau, nỗi ám ảnh về bệnh tật đã quá sức chịu đựng...