Thảm cảnh gia đình người đàn ông tử vong do sốc phản vệ

ANTĐ - Sáng 8-12, vượt qua đoạn đường nhầy nhụa dấu tích của cơn lũ vừa qua, chúng tôi có mặt tại gia đình ông Hồ Văn Khoát (49 tuổi, ở xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi), bệnh nhân tử vong sau khi được nhân viên y tế thuộc Phòng khám đa khoa khu vực xã Ba Vì, huyện Ba Tơ tiêm thuốc.
Quặn thắt ruột gan nhìn 4 đứa con mắc bệnh thần kinh

Đám tang ông Khoát đơn giản với sự trợ giúp của những người dân sống quanh đó, cùng người thân. Trong nhà, bà Bùi Thị Ngoan (46 tuổi), vợ ông Khoát như người vô hồn, đứng thẫn thờ nhìn thi thể chồng trên giường. Bà Ngoan bị điếc bẩm sinh nên sinh hoạt, giao tiếp hạn chế.

Bà Ngoan tuy bị điếc nhưng ngày ngày ra chợ bán bánh cuốn kiếm từng đồng nuôi con bệnh và đi học. Có lúc trong nhà 4 người đều đổ bệnh, trong đó có ông Khoát, bà Ngoan bỏ bán ở chợ lo chạy nuôi một lúc 4 cha con. Khổ nhất là bệnh thần kinh của con. Đau đầu, lên cơn, chúng la ó, vật vã khiến vợ chồng bà rớt nước mắt. 

Anh Nguyễn Văn Phúc, hàng xóm gia đình bà Ngoan kể lại, hai ông bà quê ở tỉnh Thái Bình lên vùng kinh tế mới Ba Vì, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, lập nghiệp hơn 25 năm qua. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm khốn khó khi 6 người con lần lượt ra đời, nhưng cũng không đau đớn bằng việc những đứa con ấy chẳng được bình thường như bao đứa trẻ khác.

Thảm cảnh gia đình người đàn ông tử vong do sốc phản vệ ảnh 1
Bà Bùi Thị Ngoan bên di ảnh của chồng


Đứa con đầu tên Hồ Thị Toàn, sinh ra đã bị bệnh thần kinh. Bao vất vả, khổ sở, ráng nuôi con, nhưng vợ chồng ông Khoát đành đau đớn nhìn đứa con đầu lòng vĩnh viễn rời  khỏi vòng tay của 2 vợ chồng. Vượt qua nỗi đau, vợ chồng ông lại tìm được niềm vui và hạnh phúc với 5 người con còn lại. Tuy nhiên, trong 5 người con thì có 3 đứa bị bệnh tâm thần. Hai anh em Hồ Sĩ Đạt (23 tuổi) và Hồ Thị Quế (17 tuổi) học đến bậc trung học thì phải bỏ dở vì bệnh ngày càng nặng hơn.

“Tuy lớn tuổi nhưng 2 đứa không biết làm gì cả, chỉ biết quanh quẩn trong nhà. Khi lên cơn, chúng lăn đùng ra, sùi bọt miệng, chết giả. Riêng con bé Quế, một năm, phải nhập viện hàng chục lần vì căn bệnh này". Anh Phúc kể lại và cho biết: “Trưa 6-12, sau khi ông Khoát chết, lúc này Quế đang nằm điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ba Tơ. Chúng tôi liên lạc gọi điện thoại báo rằng, cha chết về gấp. Quế cho rằng chúng tôi bịa chuyện và nói gửi tiền xuống để mua cơm ăn. Đến khi nhờ người thân lên đón về, Quế mới tin rằng cha đã mất”.

Bộc bạch với chúng tôi, Quế cho biết: “Tụi em mắc bệnh nên chẳng làm được gì để giúp đỡ gia đình. Đau hoài, mà tiền thì không có. Ba chết rồi ai mà nuôi tụi em đây”.
Đau đớn hơn đứa con trai út Hồ Xuân Khiêm, 6 tuổi rồi nhưng không biết gì cả. Ngơ ngác như đứa trẻ 2 tuổi. Khiêm mắc bệnh nặng hơn 3 anh chị trước nên vợ chồng bà Ngoan càng vất vả hơn. Cha chết, cháu Khiêm không biết gì, cứ ú ớ khi thấy nhiều người đến nhà mình. 

Trong 6 người con thì có 2 người con gái còn lại không bị bệnh nên phải gánh vác việc nhà và chăm sóc những anh chị em mắc bệnh phụ cha mẹ. Em Hồ Kim Duyên (20 tuổi), hiện đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Tài chính kế toán tại Quảng Ngãi, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Duyên chịu khó vươn lên trong học tập. Hay tin cha chết, Duyên bỏ dở chuyện học thi cử học kỳ đón xe về chịu tang. Là người con lành lặn, được cha mẹ quyết tâm cho ăn học nên Duyên càng kính trọng, yêu sự hi sinh của cha mẹ.

“Nhiều lần con bé định bỏ học, ở nhà phụ vợ chồng tôi nuôi các anh chị bị bệnh nhưng ông Khoát không cho, bắt nó phải học đến nơi đến chốn. Có khổ nhọc làm thêm ông ấy cũng sẵn sàng, chứ không để cho con bé phải nghỉ học”, bà Ngoan tâm sự trong nước mắt.

Vỏn vẹn 600.000 đồng lo chôn cất chồng

Bà Bùi Thị Ngoan kể lại: “Buổi sáng 6-12, ông Khoát nhờ một người con chở ra y tế xã khám. Tuy nhiên sau khi tiêm thuốc xong chồng tôi ra về định vào tiệm thuốc mua thì thấy khó chịu và nhanh chóng ngã quỵ ngay sau đó”.

Thảm cảnh gia đình người đàn ông tử vong do sốc phản vệ ảnh 2
Căn nhà của vợ chồng bà Ngoan


Những người hàng xóm cho biết, sáng 6-12, sau khi ông Khoát chết, bà Ngoan tất tả chạy bộ từ chợ về, vét hết trong nhà cũng chỉ được 600.000 nghìn đồng để lo hậu sự chôn cất cho chồng.

Anh Trần Văn Quế gần đó cho biết: “Ở xã Ba Vì này ai mà không biết hoàn cảnh đáng thương của gia đình ông Khoát. Đáng lẽ phải có chính sách hỗ trợ gia đình hơn nữa, ngoài việc đưa vào diện hộ nghèo, đặc biệt là hỗ trợ 3 người con bị bệnh thần kinh. Chứ họ làm không đủ ăn thì có tiền đâu mà chữa bệnh”.

Tử vong do sốc phản vệ
Trước vụ việc trên ngày 7-12, Sở Y tế Quảng Ngãi đã có buổi làm việc khẩn với Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ và Phòng khám Đa khoa khu vực Ba Vì về trường hợp tử vong của bệnh nhân Khoát. Theo trình bày của Phòng khám đa khoa Ba Vì, sau khi ông Khoát nhập viện vào khoảng 8h, ngày 6-12 và được bác sỹ khám bệnh. Ông Khoát được tiêm kháng sinh loại Ceftazideme (loại 1g/lọ) vào tĩnh mạch. Sau khi tiêm xong, ông Khoát đã tự ý bỏ về. Đến khoảng 8h30 cùng ngày, thì người nhà đưa vào và báo ông Khoát có biểu hiện không bình thường. Các y sỹ Phòng khám đa khoa khu vực Ba Vì đã cấp cứu chống sốc phản vệ theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, nhưng không có kết quả. Bệnh nhân Khoát đã tử vong lúc 9h cùng ngày.

Tại cuộc họp, sau khi xem xét hồ sơ bệnh án, tường trình của các cán bộ y tế có liên quan, Sở Y tế Quảng Ngãi đã đưa ra kết luận về nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân Hồ Văn Khoát là do sốc phản vệ không hồi phục. Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo Phòng khám đa khoa khu vực xã Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ rút kinh nghiệm trong công tác tiếp nhận, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân. Trung tâm y tế huyện Ba Tơ cũng đã hỗ trợ người nhà bệnh nhân 20 triệu đồng để lo mai táng.