Thái Lan xả kho gạo, doanh nghiệp Việt Nam lo

ANTĐ - Là đối thủ cạnh tranh số một của Việt Nam trong xuất khẩu gạo, việc Thái Lan có kế hoạch xả kho gạo hơn 11 triệu tấn đang gây hoang mang cho không ít doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam nên bình tĩnh để tìm cách ứng phó có hiệu quả.

                   Xuất khẩu gạo của Việt Nam đối mặt nhiều thách thức

Gạo Việt Nam có thể giảm giá

Thông tin Thái Lan chuẩn bị xả kho gạo 11,4 triệu tấn trong tháng 5 và tháng     6-2016 được xem là diễn biến bất lợi trên thị trường xuất khẩu lúa gạo đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là đợt xả hàng lớn nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo của nước này, nhằm giảm nhanh lượng hàng tồn kho, ngăn chặn gạo xuống cấp về chất lượng và cắt lỗ cho doanh nghiệp. Nhờ đó, gạo vụ mới sắp thu hoạch từ nước này cũng có kho chứa. 

Kế hoạch của Thái Lan được đưa ra giữa lúc gạo xuất khẩu của Việt Nam đang được giá, khiến doanh nghiệp Việt lo lắng. Dẫn nguồn từ trang tin giá gạo toàn cầu Oryza.com, Bộ Công Thương cho biết, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam cuối tháng 4 ở mức 370-380 USD/tấn, tăng 15-20 USD/tấn so với đầu vụ đông xuân. Nhờ vậy, khoảng cách giá xuất khẩu của gạo Việt Nam so với Thái Lan đã được thu hẹp. 

So sánh cho thấy, giá gạo trắng của Việt Nam khoảng 370-380 USD/tấn (gạo 5% tấm), 355-365 USD/tấn (gạo 25% tấm), trong khi gạo Thái Lan tương ứng 380-390 USD/tấn và 365-375 USD/tấn. Bên cạnh đó, giá gạo của Việt Nam cao hơn giá gạo Pakistan (365-375 USD/tấn và 325-335 USD/tấn), Ấn Độ (365-375 USD/tấn gạo 5% tấm). 

Đánh giá về tác động của việc Thái Lan xả kho gạo, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay: “Việc Thái Lan xuất ra thế giới hơn 11 triệu tấn gạo, chắc chắn khiến cung vượt cầu, tạo ra ảnh hưởng về giá, về tiêu thụ sản phẩm của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam”. Theo ông Đỗ Thắng Hải, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trước động thái này của Thái Lan, lường trước biến động của thị trường và chủ động kịch bản xuất khẩu gạo, đề phòng trường hợp Thái Lan sẽ bán gạo thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. 

Nhiều mối lo khác

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, việc Thái Lan xả kho gạo ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Tuy nhiên, với lượng xả kho 11,4 triệu tấn, nước này khó có thể thực hiện được trong vòng 2 tháng, bởi lẽ, tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan mỗi năm hiện chưa đến 10 triệu tấn. Thế nên, hiệu ứng từ việc xả kho gạo của Thái Lan được dự báo không quá dồn dập. Hơn nữa, Thái Lan nổi tiếng là quốc gia xuất khẩu gạo có chất lượng, thương hiệu.

Trong khi đó, ở đợt xả kho này, chủ yếu là hàng có chất lượng thấp, được dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến công nghiệp, không phải là phân khúc hàng mà Việt Nam đang trực tiếp cạnh tranh. Về thị trường, Thái Lan dự kiến xuất sang châu Phi, Philippines, Trung Đông… Đây cũng không phải là các thị trường truyền thống của Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 sẽ đối diện không ít thách thức khi phải cạnh tranh gay gắt tại thị trường Myanmar,     Campuchia và Ấn Độ. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc năm nay dự kiến giảm lượng nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn so với năm ngoái.

Trong khi đó, Thái Lan lại đang xúc tiến tăng cường xuất khẩu gạo vào thị trường này thông qua đàm phán Chính phủ. Vì vậy, “Chúng tôi sẽ xem xét từng thị trường và có biện pháp cụ thể”- ông Đỗ Thắng Hải nói. Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, thời gian tới, Bộ này sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm các thị trường mới để xuất khẩu gạo, tránh phụ thuộc vào một số thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát lại các cam kết quốc tế của Việt Nam về kiểm dịch thực vật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện đa dạng hóa thị trường; trước mắt là đàm phán lại với Trung Quốc về kiểm dịch thực vật với gạo để phù hợp thông lệ quốc tế, tránh bất lợi cho gạo Việt Nam.