Thái Lan trước nguy cơ hỗn loạn chính trị mới

ANTĐ - Ngày 7-5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết phế truất Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra với cáo buộc lạm quyền khi thực hiện thuyên chuyển Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia sang một vị trí khác vào năm 2011.

Phán quyết trên được công bố chỉ một ngày sau cột mốc 1.000 ngày tại vị của nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan (hôm 6-5) đã đẩy cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia này lao sâu vào vòng xoáy hỗn loạn mới. Nội các Thái Lan đã chỉ định Bộ trưởng Thương mại Niwattumrong Boonsongpaisan làm Thủ tướng tạm quyền mới. Tuy nhiên, những căng thẳng xuất phát từ những mâu thuẫn phe phái tồn tại trên chính trường Thái Lan nhiều năm qua sẽ gia tăng, thậm chí dẫn tới xung đột.

 Theo báo Thái Lan The Nation, trong khi các đối thủ của Yingluck cáo buộc việc thuyên chuyển một quan chức dân sự là vi hiến và là một nỗ lực nhằm củng cố quyền lực cho đảng Pheu Thái, những người ủng hộ bà gọi quyết định của tòa án là một hành động quá giới hạn và gây sửng sốt. “Ở hầu hết các nước khác, Chính phủ đương nhiệm có quyền thực hiện việc thuyên chuyển quan chức”. Đây không phải là lần đầu tiên một Chính phủ thân Thaksin bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan hạ bệ. Hồi năm 2008, cũng tòa án này đã phế truất Thủ tướng Samak Sundaravej vì dẫn một chương trình nấu ăn trên truyền hình.

Họp báo sau khi bị cách chức, bà Yingluck phủ nhận mọi cáo buộc. Bà nói bà không làm gì sai trong việc thuyên chuyển ông Thawil. Nữ chính khách tuyên bố, kể từ khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng trước Quốc vương Thái Lan, bà đã luôn hành động liêm chính và nỗ lực hoàn thành tốt chức trách.

Báo Le Monde (Pháp) nhận định, việc bãi chức Thủ tướng Yingluck được xem là một cuộc “đảo chính tư pháp” đã được báo trước, có nguy cơ tiếp tục nhấn Thái Lan chìm sâu thêm vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ cuối năm 2013. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp có vẻ như là vô lý đối với những người nước ngoài thế nhưng, ở Thái Lan, Tòa án Hiến pháp đã buộc 3 Thủ tướng phải từ chức trong những năm gần đây. 

Giới phân tích nhận định, chắc chắn việc phế truất Thủ tướng Yingluck sẽ lại thổi bùng biểu tình đường phố. Năm 2010, khoảng 90 người chết và 2.000 người bị thương trong một chiến dịch trấn áp của Chính phủ nhằm vào một cuộc biểu tình của phe Áo Đỏ ở trung tâm Bangkok. Và hiện dù Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra, nhưng bế tắc chính trị Thái Lan vẫn không có dấu hiệu kết thúc khi phe chống Chính phủ tuyên bố tiếp tục biểu tình. 

Theo Reuters, các cuộc đối đầu trong vài tháng tới giữa các nhóm chống biểu tình ủng hộ và Chính phủ tại Thủ đô Bangkok rất có thể thành những vụ bạo động đẫm máu. Một lần nữa nền dân chủ của đất nước được mệnh danh là “vùng đất của những nụ cười” lại có thể đắm chìm trong âm thanh của bạo loạn.

Thật khó dự đoán tương lai chính trị Thái Lan, nhưng các cuộc biểu tình trên đường phố dường như không thể nào tránh khỏi. Điều tệ hại hơn là tình trạng bất ổn kéo dài hiện nay ở Thái Lan có nguy cơ dẫn đến nội chiến. 

Thực tế, một điều có thể khẳng định là bất ổn chính trị kéo dài sẽ tiếp tục làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Thái Lan. Trong nửa năm qua, Thái Lan đã phải chật vật bước đi trên bờ vực của sự bất ổn. Tờ Thời báo Tài chính (Anh) ngày 7-5 có bài phân tích cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, Thái Lan - một đất nước với 70 triệu dân luôn được nhắc đến như là một trong những câu chuyện phát triển kinh tế thành công nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quốc gia này đang chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng chính trị, vốn không chỉ đe dọa đẩy nền kinh tế vào suy thoái mà còn khiến cho tình hình bất ổn trong nước ngày càng lan rộng. Khi các cuộc biểu tình bạo lực của phe ủng hộ Chính phủ và phe đối lập, hay còn gọi là phe “Áo Đỏ” và phe “Áo Vàng” nổ ra trên các đường phố thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tìm kiếm các cơ hội an toàn hơn ở các nước Đông Nam Á khác.

Cuối cùng thì cuộc chiến giữa các chính trị gia ở Thái Lan chỉ mang lại sự bất ổn, bất an, kéo lùi đà phát triển của đất nước này mà những người chịu thiệt thòi lớn nhất chính là người dân.