Thái Lan lo "chảy máu" ồ ạt nguồn nhân lực nhập cư

ANTD.VN - Dòng người lao động nhập cư tại Thái Lan tiếp tục trở về nước dù Chính phủ nước này đã hoãn thực thi luật lao động mới công bố hôm 23-6. 

Người lao động Myanmar lũ lượt rời khỏi Thái Lan

Theo Bộ Lao động, Nhập cư và Dân số Myanmar, tính đến ngày 5-7 đã có 34.069 lao động nước này tại Thái Lan trở về nước. Tình hình tương tự cũng diễn ra với Campuchia, khi khoảng 4.000 người lao động Campuchia tại Thái Lan đã trở về nước do lo ngại bị bắt giữ bởi luật lao động mới.

Trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, kinh tế phát triển nhanh chóng của Thái Lan (trung bình 7% một năm) đã lôi kéo nhiều lao động từ các quốc gia láng giềng cũng như các nước châu Á khác đến đây tìm việc làm. Đa số người nhập cư đến Thái Lan để làm công việc mà bản thân người Thái không muốn làm như các nghề lao động tay chân cực nhọc trong ngành đánh bắt cá và xây dựng.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, kinh tế Thái có dấu hiệu giảm tốc rõ rệt sau vài thập niên tăng trưởng mạnh. Đối mặt với tình hình kinh tế trì trệ cùng với việc quân đội lên cầm quyền, tâm lý chống người nhập cư đang rộ lên tại Thái Lan. Tâm lý này cũng tương thích với xu hướng phát triển chung của chủ nghĩa bài nhập cư đang diễn ra trên thế giới.

Theo thống kê của Tổ chức Di trú quốc tế, hiện nay có hơn 3 triệu lao động tại Thái Lan là người nước ngoài nhập cư (đông nhất là người Myanmar), trong đó có khoảng 1,3 triệu người không có giấy phép lao động. Với mục tiêu trấn áp tội phạm buôn người và siết chặt quản lý lao động nước ngoài, Thái Lan đã ban hành luật lao động mới với những quy định nghiêm ngặt.

Đạo luật mới này có hiệu lực từ ngày 23-6 vừa qua, bao gồm các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với lao động nhập cư bất hợp pháp, chủ sử dụng lao động và hoạt động môi giới lao động nhập cư trái phép. Cụ thể, đối với chủ sử dụng lao động, nếu sử dụng lao động nhập cư không có giấy phép lao động hoặc sử dụng lao động nhập cư trong các lĩnh vực bị cấm sẽ bị xử phạt từ 11.000 - 23.500 USD/lao động. 

Đối với lao động nhập cư trái phép, người lao động không có giấy phép hoặc làm việc trong các lĩnh vực bị cấm có thể bị phạt tù tới 5 năm, phạt tiền từ 20.000 bath đến 100.000 bath. Lao động làm việc trong lĩnh vực không đúng với giấy phép lao động có thể bị xử phạt tới 100.000 bath. Trong khi đó, đối tượng môi giới lao động nhập cư trái phép vào làm việc tại Thái Lan có thể bị phạt tù tới 10 năm và xử phạt tới 1 triệu bath. 

Do lo ngại bị phạt, hơn 60.000 lao động nước ngoài tại Thái Lan đã bỏ về nước. Tình hình “chảy máu” ồ ạt nguồn nhân lực nói trên lại ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Thái Lan. Chính vì thế mới đây, Chính phủ Thái Lan đã phải quyết định hoãn thực thi nhiều quy định trong Luật Lao động nhập cư mới trong vòng 120 ngày để tạo điều kiện cho chủ lao động và người lao động có thể tìm các giải pháp thích hợp đảm bảo việc làm.

Trong giai đoạn quá độ này, các ông chủ người Thái Lan sẽ phải làm thủ tục khai báo và đăng ký với nhà chức trách cụ thể danh tính và số lượng các lao động “chui” mà họ đang thuê. Các trung tâm khai báo dạng này sẽ được mở trên khắp Thái Lan đến hết ngày 7-8 tới. Sau khi khai báo lần một, nhà chức trách sẽ gọi người sử dụng lao động lên làm việc một lần nữa. Bắt buộc đi cùng với họ lần này là người lao động đã được khai báo. 

Đến đây người lao động sẽ có hai lựa chọn, hoặc trở về nước xin cấp giấy chứng nhận/hộ chiếu và quay lại Thái Lan, hoặc đăng ký tại các trung tâm do chính phủ của những người này mở ở Thái Lan. Những người lao động đã được cấp chứng nhận sẽ nộp đơn xin thị thực làm việc ở Thái Lan và trải qua nhiều bước khác trước khi có thể trở thành lao động hợp pháp ở nước này.