Thái Lan đối mặt tương lai u ám

ANTD.VN - Chính trường Thái Lan sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về bản dự thảo Hiến pháp mới vào ngày hôm nay, 7-8. Đây là văn kiện do quân đội Thái Lan chủ định sửa đổi sau cuộc đảo chính giành chính quyền năm 2014 và sẽ định hình chính trường Thái Lan trong tương lai. Tuy nhiên, dù kết quả bỏ phiếu như thế nào, chính trường “xứ sở những nụ cười” gần như chắc chắn vẫn phải đối mặt một tương lai u ám.

Thái Lan đối mặt tương lai u ám  ảnh 1Quân đội Thái Lan trấn giữ một khu vực ở Bangkok sau cuộc đảo chính năm 2014

Dọn đường cho quân đội duy trì quyền lực

Trong hai năm qua, dự thảo Hiến pháp đã được sửa đổi vài lần. Dự thảo Hiến pháp lần này đã có sự điều chỉnh quan trọng chưa từng có đối với ba lĩnh vực lớn là cơ quan lập pháp, cơ cấu chính trị và quyền hạn tư pháp. Về cơ quan lập pháp, nâng số ghế Nghị sĩ tại Thượng viện từ 200 lên 250; việc bầu Thượng nghị sĩ chuyển từ phương thức kết hợp giữa cử tri bỏ phiếu với tổ chức độc lập đề cử trước đây sang hoàn toàn do quân đội đề cử, trong đó có 6 ghế do 6 người gồm Tư lệnh Tối cao Các lực lượng vũ trang; Tư lệnh các lực lượng Hải, Lục, Không quân; Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia cùng Thứ trưởng Quốc phòng đương nhiên đảm nhiệm. Hạ viện vẫn duy trì 500 ghế và bầu chọn thông qua bầu cử. Những người phản đối cho rằng, sự thay đổi này thực chất là mở đường cho quân đội tham gia chính trường một cách hợp pháp, khiến Thượng viện trở thành cơ quan đại diện của quân đội trong Quốc hội. 

 Về cơ cấu chính trị, việc bầu Thủ tướng có thể không do chính đảng giành thắng lợi đề cử mà có thể do Thượng viện đề cử nhân vật không phải là Nghị sĩ hay không tham gia đảng phái nào. Thượng viện có quyền thúc đẩy việc luận tội Thủ tướng được bầu với bất kỳ phương thức nào và có thể không hạn chế số lần luận tội hoặc đề cử Thủ tướng. Những người phản đối cho rằng điều này trên thực tế khiến việc bầu Thủ tướng tách rời kết quả bầu cử Quốc hội. Dù đảng phái nào giành được thắng lợi, thì nhân sự Thủ tướng do họ đề cử cũng vẫn có thể bị Thượng viện bác bỏ tại Quốc hội. Với việc Thượng viện trở thành cơ quan đại diện của quân đội trong Quốc hội, quyền định đoạt số phận của người giữ cương vị Thủ tướng rõ ràng nằm trong tay quân đội. 

Về quyền hạn tư pháp, dự thảo Hiến pháp mới tăng thêm quyền lực của Tòa án Hiến pháp, theo đó có thể trực tiếp xét xử các chính khách bị tình nghi tham nhũng. Những người phản đối cho rằng sự thay đổi này có vẻ gia tăng cường độ chống tham nhũng, nhưng nếu Tòa án Hiến pháp bị một phe phái kiểm soát, thì cơ quan này rất có thể trở thành công cụ chính trị dùng để kiềm chế phe phái khác. 

Theo giới phân tích, dự thảo Hiến pháp mới không những tiếp tục chèn ép thế lực chính trị của Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra thông qua cải cách chế độ chính trị, mà còn dọn đường cho quân đội tiến vào chính trường sau này, khiến quân đội và cơ quan tư pháp có thể áp dụng biện pháp kiềm chế một phe phái chính trị nào đó trong khung Hiến pháp. Những người chỉ trích cho rằng, dự thảo Hiến pháp mới thực ra là “cải tạo Thượng viện trở thành tổ chức đảo chính quân sự có thể sẵn sàng luận tội Thủ tướng do dân bầu” để lực lượng này có thể tiếp tục duy trì quyền lực sau bầu cử dân sự. Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho rằng trong bối cảnh tình hình xã hội Thái Lan tiếp tục chia rẽ và mâu thuẫn chính trị gay gắt như hiện nay, việc để quân đội tham gia chính trường sẽ giúp giữ ổn định “xứ sở của những nụ cười”.  

Con đường gập ghềnh hậu trưng cầu dân ý 

Dường như nếu dự thảo Hiến pháp được thông qua, mọi thứ sẽ trở nên êm ả và phù hợp với lộ trình chính trị vạch ra bởi Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO). Theo kịch bản này, NCPO vốn đã điều hành đất nước kể từ cuộc đảo chính năm 2014, sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi một Chính phủ mới được thành lập và các đạo luật phát sinh liên quan được đưa ra. Tuy nhiên, báo Bangkok Post cho rằng: “Chắc chắn, kịch bản này có thể sẽ dẫn tới những bất ổn chính trị mới”.

Sẽ cần phải có 4 đạo luật phát sinh, liên quan đến quản lý đảng phái chính trị, tổng tuyển cử, việc bổ nhiệm Thượng nghị sĩ và Văn phòng Ủy ban Bầu cử, bởi đó là cơ sở pháp lý cho một cuộc tổng tuyển cử. Đây sẽ là một bước quan trọng trước mắt cho chính quyền quân sự. Quá trình soạn thảo các luật phát sinh sẽ được thực hiện bởi Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp (CDC).

Sau đó, các đạo luật sẽ được đệ trình để Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) xem xét. NLA có thể yêu cầu sửa đổi bất kỳ đạo luật nào trong 4 đạo luật phát sinh và một Ủy ban chung NLA-CDC sẽ được thành lập để phụ trách việc sửa đổi. Toàn bộ quá trình xây dựng pháp luật sẽ mất từ 4 đến 5 tháng. Một khi các đạo luật có hiệu lực, một cuộc tổng tuyển cử có thể được tổ chức trong vòng 150 ngày.

Theo kịch bản này, lộ trình tiến đến nền dân chủ có thể sẽ bị kéo dài hơn bởi CDC phải sửa đổi Hiến pháp để cho phép Thượng viện có quyền tham gia chọn Thủ tướng phù hợp với câu hỏi đã được thêm vào bản trưng cầu. Bản Hiến pháp sửa đổi này phải được đệ trình lên Tòa án Hiến pháp để phê duyệt. Quá trình này sẽ mất khoảng 1 tháng. Trong khi điều này có thể giống như một lộ trình êm ả cho NCPO, vai trò mới của Thượng viện được bổ nhiệm sẽ là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với chế độ cầm quyền hiện nay. Những người phản đối dự thảo Hiến pháp có thể tận dụng cơ hội để chống lại bộ luật tối cao, với lý do đã bóp nghẹt các quan điểm đối lập về Hiến pháp trước thềm trưng cầu dân ý. 

Trong trường hợp dự thảo Hiến pháp bị bác bỏ, bất ổn chính trị ngay lập tức có thể được dự báo do thiếu những bước tiếp theo cho việc soạn thảo một Hiến pháp mới. Khi đó mọi thứ sẽ phụ thuộc việc chế độ hiện nay quyết định những gì xảy ra tiếp theo. NCPO sẽ bị giám sát chặt chẽ liên quan đến việc họ lựa chọn những gì ở bước tiếp theo. Chính quyền quân sự sẽ tự soạn thảo một Hiến pháp mới hoặc chỉ định một ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới. Hơn nữa, nhiều khả năng sẽ không có một cuộc trưng cầu nữa đối với bản Hiến pháp mới bởi việc đó sẽ được coi là tốn thời gian và tốn kém. Tình hình sẽ càng căng thẳng hơn nếu dự thảo hiến pháp mới có quy định gây nhiều tranh cãi và nghi ngờ. Những căng thẳng chính trị như vậy cũng có thể càng trở nên xấu đi nếu quyền lực của NCPO được kéo dài bởi các bản dự thảo mới. 

Nếu phe bỏ phiếu không giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu, đối thủ của dự thảo Hiến pháp sẽ tận dụng tình hình huy động sự ủng hộ của họ để lật đổ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha - nguyên Tư lệnh Lục quân Thái Lan. Tuy nhiên, ít có khả năng nỗ lực này sẽ gây áp lực khiến Tướng Prayut phải từ bỏ quyền lực. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo NCPO có thể sử dụng sức mạnh sâu rộng của họ để kiểm soát phong trào chính trị đường phố phản kháng, điều này sẽ càng làm tình trạng bất ổn chính trị gia tăng. Rõ ràng là, cho dù kết quả trưng cầu dân ý ra sao, gần như chắc chắn sẽ có những bất ổn chính trị ở Thái Lan. Tuy nhiên, mức độ bất ổn phụ thuộc vào những gì NCPO thực hiện để xử lý và kiểm soát tình hình.