Thái Lan chặn "dòng chảy" ma túy "đá" xâm nhập từ vùng Tam giác vàng

ANTD.VN - Các băng đảng ma túy trong các khu rừng bất hợp pháp ở miền Đông Myanmar đang tuồn ma túy đá sang nước láng giềng Thái Lan. Bởi thế, chính quyền Thái Lan đang nỗ lực để ngăn chặn “dòng chảy” này.

Thái Lan chặn "dòng chảy" ma túy "đá" xâm nhập từ vùng Tam giác vàng ảnh 1Lực lượng Cảnh sát chống ma túy Thái Lan đã thu giữ hơn 2 triệu viên ma túy tổng hợp ngày 3-1-2019 ở tỉnh Chiang Rai, giáp Myanmar

Nhức nhối “dịch” ma túy tổng hợp 

Tháng 12-2018, người dân trên đảo Phuket của Thái Lan vô cùng ngạc nhiên khi cảnh sát chống ma túy Thái Lan kéo vào bãi đậu xe của chùa Wat Kathu. “Tất cả các nhà sư phải làm xét nghiệm nước tiểu. Tôi đã bị sốc khi 7 vị sư của chúng tôi có kết quả thử nghiệm dương tính với việc sử dụng ma túy tổng hợp. Chắc chắn họ sử dụng một cách bí mật. Chúng tôi không thấy có biểu hiện gì lạ cả”, một tăng ni phụ trách vấn đề quản lý của nhà chùa cho biết. Các nhà sư có sử dụng ma túy đã phải cởi bỏ áo nhà Phật ngay tại chỗ và bị bắt giam. Họ cũng trục xuất khỏi cộng đồng Phật giáo và phải tham gia một chương trình cai nghiện của chính phủ giống như những tội phạm ma túy khác.

Sự việc gây sốc ở chùa Wat Kathu chỉ là một phần nhỏ trong nạn ma túy đang gia tăng ở Thái Lan. Ước tính 70% tù nhân ở Thái Lan dính đến các vụ án liên quan đến ma túy. Theo báo cáo của Ủy ban kiểm soát ma túy quốc gia (ONCB), ít nhất 300.000 người Thái đang sống trong vô số trung tâm cai nghiện tập trung của nước này. Trong số đó, 240.000 người đang ở độ tuổi 24. 

Trước tình trạng nhức nhối này, chính quyền Thái Lan đã tuyên bố đấu tranh diệt trừ ma túy. “Quân đội phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn cơn lũ ma túy”, Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan nhấn mạnh hồi cuối tháng 10-2018. Kể từ đó, các chỉ huy quân đội và cảnh sát đã lùng sục khắp đất nước, săn lùng cả người buôn bán và sử dụng ma túy. Kết quả, 120.000 kẻ lạm dụng ma túy đã bị bắt giữ chỉ trong tháng 11-2018.

Cuộc chiến gian nan

Cuộc chiến chống ma túy mới của Thái Lan gợi nhớ tới ký ức về cuộc chiến tương tự vào năm 2003 do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra khởi xướng. Nó đã khiến hơn 2.500 người chết. Vào thời điểm đó, ông Thaksin chỉ thị cho lực lượng đặc nhiệm ma túy rằng “Nghi phạm chỉ có 2 con đường, hoặc là vào tù, hoặc đến nghĩa trang”. Về cơ bản, cảnh sát chống ma túy được phép tiêu diệt tội phạm mà không cần xét xử, nhưng cũng theo các tổ chức nhân quyền, hàng trăm người bị buộc tội oan.

Cho tới nay, cũng đã có khoảng vài chục đối tượng đã bị tiêu diệt trong cuộc chiến chống ma túy mới nhất này. Tuy nhiên, không có tên trùm nào bị giết. Số thương vong chủ yếu là những kẻ buôn lậu ma túy nhỏ lẻ đến từ các ngôi làng miền núi ở miền Đông Myanmar.

 “Chỉ trong tháng 11-2018, chúng tôi đã thu giữ số hàng hóa trị giá 4,5 tỷ Baht (tương đương 137 triệu USD)”, người phát ngôn quân đội Thái Lan cho biết. Tuy vậy, ước tính lực lượng điều tra tội phạm ma túy chỉ tịch thu 10% tổng sản lượng của giới buôn lậu. Bởi thế, những nỗ lực đó được ví chỉ như giọt nước giữa đại dương khi làn sóng khổng lồ ma túy tổng hợp tràn vào vương quốc Thái Lan mỗi ngày. 

“Số liệu chính xác chưa được cập nhật, nhưng số lượng ma túy tổng hợp đang tràn ngập Đông Nam Á cao gấp nhiều lần so với số liệu kỷ lục năm ngoái. Số lượng khổng lồ này là do sự gia tăng lớn trong sản xuất ma túy ở Tam giác vàng”, ông Inshik Sim thuộc Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết. 

Thái Lan chặn "dòng chảy" ma túy "đá" xâm nhập từ vùng Tam giác vàng ảnh 2Một xe quân sự của Myanmar tuần tra ở Kengtung trong vùng Tam giác vàng

Miền đông hoang dã của Myanmar

Tam giác vàng là mảnh đất gần như không có luật pháp do địa hình hiểm trở ở khu vực biên giới Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan và Lào. Vùng này vừa là nơi trú ẩn an toàn, vừa là trung tâm phân phối cho các băng đảng ma túy. Quân đội Myanmar không thể tiếp cận khu vực do các nhóm phiến quân kiểm soát. Người nước ngoài cũng thường bị cấm nhập cảnh. 

 Phóng viên DW thuật lại trong đợt khảo sát vùng Tam giác vàng mới đây: “Một giọng nói vang lên từ phía sau hàng rào tre, ngăn tôi lại trước khi tôi có thể vượt qua biên giới vào “Đặc khu 4”, một khu tự trị thuộc bang Shan của Myanmar. “Kengtung, Kengtung”, người gác rừng vừa nhai trầu vừa ra lệnh. Đằng sau anh ta, một binh sỹ lăm lăm khẩu súng trường, ý là tốt nhất nên quay trở lại thành phố Kengtung ngay lập tức”.

 “Đặc khu 4” nằm phía sau trạm kiểm soát, với khung cảnh núi non đẹp như tranh vẽ, rừng rậm xanh tốt và thị trấn sòng bạc khét tiếng Mong La. Khu vực này cũng là nơi ẩn náu của các băng đảng ma túy và các nhóm phiến quân, bao gồm Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (NDAA). NDAA liên minh với Quân đội Nhà nước Wa Thống nhất (UWSA), một nhóm dân quân 20.000 người thuộc nhóm dân tộc Wa cai trị “Đặc khu 2” liền kề và có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Myanmar.

Những người cai trị ở phía Đông của bang Shan duy trì mối quan hệ hòa hảo với nước láng giềng Trung Quốc. Ở đây, tiếng Trung Quốc khá thông dụng còn đồng Nhân dân tệ được lưu hành rộng rãi và các cuộc gọi viễn thông sử dụng mạng Trung Quốc. Tiền chất hóa học để sản xuất ma túy cũng được chuyển đến từ Trung Quốc một cách khá thuận lợi. Sản phẩm hoàn chỉnh sau đó được điều chế tại các lò sản xuất ma túy trong rừng rậm.

Quay trở lại Kengtung, một đại diện của Cơ quan Di trú Myanmar nói với phóng viên DW rằng “Đặc khu 4” là một “thùng bột” vào thời điểm hiện tại. “Xung đột giữa các nhóm chiến binh liên quan đến ma túy ở khắp mọi nơi. Đó là lý do tại sao chúng tôi không cho phép du khách nước ngoài đến khu vực này. Nhiều khu vực thậm chí còn đóng cửa với người dân địa phương”, quan chức này giải thích.

Theo một báo cáo gần đây của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang đã ký kết ngừng bắn vĩnh viễn với quân đội Myanmar. Điều này mang lại điều kiện lý tưởng cho việc sản xuất ma túy “đá” ở quy mô công nghiệp mà không bị xáo trộn. “Cơ sở hạ tầng tốt, dễ dàng tiếp cận các hóa chất cần thiết từ Trung Quốc và các cơ sở sản xuất an toàn dưới sự bảo vệ của các dân quân và phiến quân liên kết với chính phủ làm cho bang Shan trở thành một nguồn cung cấp ma túy đá chất lượng cao”, báo cáo của ICG nhận định.

Với dự án “Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar” (CMEC) trị giá hàng tỷ USD đã được phê duyệt gần đây, dự kiến các tuyến đường được sang sửa và đường sắt cao tốc hiện đại sẽ đến được khu vực. Trong tương lai, khu vực biên giới phía Đông của Myanmar có thể kết nối tốt hơn với Trung Quốc và với miền Tây Myanmar. Những điều kiện này cũng có thể thúc đẩy các hoạt động bất hợp pháp trong khu vực. Và chừng nào các khu tự trị của Myanmar tiếp tục tồn tại mà không chịu bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài, việc buôn bán ma túy sẽ “còn đất” để phát triển.

Tính đến tháng 1-2019, Cảnh sát miền Bắc Thái Lan đã ngăn chặn được 141 triệu viên ma túy “đá” trong vòng 3 tháng. Lượng ma túy này cao hơn nhiều so với 139 triệu viên bị thu giữ trong năm ngoái, nhưng không bằng cảnh sát tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã thu giữ tổng cộng 269 triệu viên ma túy “đá” thời gian gần đây. Số ma túy này thường in biểu tượng Y1 hoặc 999 999, chứng tỏ chúng đến từ cùng một nguồn. Vì vậy, chính quyền Trung Quốc, Myanmar, Lào và Thái Lan đã thống nhất sẽ cùng nhau tăng cường các biện pháp ngăn chặn và truy quét tội phạm ma túy.