Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội:

“Thái độ bình tĩnh, không nao núng, không bấn loạn trước dịch giã, là một mạch nguồn lịch sử Thủ đô văn hiến”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian giãn cách xã hội, ở nhà và cách ly hoàn toàn các hoạt động gặp gỡ, giao tiếp bạn bè, người thân không hoàn toàn là khoảng thời gian “trống” đối với nhà thơ “Bếp lửa” Bằng Việt. Và nhìn rộng ra thì đại đa phần người dân Hà Nội cũng vậy. Họ đã được rèn luyện tâm lý đối mặt với thử thách từ trong các thời kỳ lịch sử của Thủ đô, và đại dịch tiếp tục là một thử thách để vượt qua một cách phù hợp và thông minh.
Một Hà Nội trầm tư, tĩnh tại, không nao núng, không bấn loạn trước dịch giã

Một Hà Nội trầm tư, tĩnh tại, không nao núng, không bấn loạn trước dịch giã

- PV: Đại dịch có làm đảo lộn cuộc sống của ông và ông đang vượt qua khoảng thời gian giãn cách xã hội bằng những cách nào?

- Nhà thơ Bằng Việt: Đại dịch là tai họa ập đến với con người. Việc cuộc sống bị đảo lộn không thể tránh khỏi đối với mỗi cá nhân, và với cả những người làm công việc sáng tác. Đó là việc hạn chế giao tiếp trực tiếp thậm chí là cách ly hoàn toàn. Đại dịch là một thách thức buộc con người phải vượt qua. Nếu con người biết thích nghi và tận dụng có thể đem lại lợi ích cho cá nhân họ. Bản thân tôi, từ ngày ở nhà giãn cách xã hội, tôi tăng cường thời gian ngồi máy tính làm việc, nói chuyện với bạn bè trên Zalo thay vì gặp gỡ trực tiếp. Đây cũng là thời gian tôi sử dụng để nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng như tham gia dịch thuật rất nhiều.

Trước đây dù sử dụng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp khá thành thạo nhưng tôi cảm thấy khi đọc trực tiếp các tác phẩm văn học nguyên tác của nước ngoài, trình độ ngoại ngữ vẫn còn khiếm khuyết, vẫn còn lỗ hổng. Chính vì thế, thời gian rỗi này, tôi bổ sung bằng học qua mạng. Mỗi ngày tôi dành ra 20 phút để luyện nghe, đọc ngoại ngữ, tôi thấy trình độ đọc và viết tiếng nước ngoài của mình nâng lên rất nhiều. Công nghệ mang lại những lợi ích rất tuyệt vời cho đời sống con người, đặc biệt là trong đại dịch. Các bản thảo dịch thuật, tôi vẫn tiếp tục làm và sửa.

- Có thể hiểu rằng, cách đối phó thông minh và hiệu quả với đại dịch chính là việc tự tìm niềm vui cho mình ngay trong ngôi nhà thân yêu cũng như trong công việc, thưa ông?

- Rõ ràng rằng, đại dịch không dễ gì để vượt qua. Nhưng nếu con người biết tận dụng tối ưu hoàn cảnh đó, để phát huy ưu thế đã đành, mà còn nâng cao khả năng làm việc, nâng cao kiến thức, giữ được sự bình thản, yêu đời, vui vẻ trong không khí chung đó, không làm cho mình chán nản, bi quan, thì đó đương nhiên là một cách đối phó thông minh và chủ động. Để làm được điều này thì phải có bản lĩnh và là tố chất được rèn luyện. Ai làm tốt hơn, người đó sẽ làm chủ tình hình. Các văn nghệ sĩ cũng vậy. Ai nắm bắt tốt hơn sẽ viết, sáng tác tốt hơn.

Đại dịch không hẳn chỉ tạo ra “nguy” mà còn có “cơ”. Thời nào cũng thế, văn nghệ sĩ luôn đồng hành cùng dân tộc, phản ánh không khí của một thời kỳ lịch sử, tâm tư của con người đương thời. Tuy nhiên, tùy vào đặc thù của từng loại hình sẽ giúp người nghệ sĩ sáng tác tức thì hoặc cần có độ lùi về thời gian để nghiền ngẫm, suy tư. Trong đó, văn chương là một lĩnh vực rất cần những khoảng lặng để soi xét. Nhà văn là người thư ký của thời đại, không trước thì sau họ cũng sẽ viết. Thậm chí, có nhiều tác phẩm đã thể hiện cái nhìn vượt thời đại, đưa ra các dự đoán chính xác mà các thế hệ sau này đọc đều không khỏi giật mình về “ăng ten” của nhà văn.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội

- Không chỉ ông mà nhiều người dân Hà Nội đã bình tĩnh đón nhận đại dịch. Có lẽ, khả năng thích ứng và làm chủ tình hình đã được người Hà Nội rèn luyện từ trong quá khứ cho tới hiện tại, thưa ông?

- Qua giao tiếp với bạn bè, tôi nhận thấy người Hà Nội đều có chung thái độ bình tĩnh khi đại dịch ập đến. Họ đều là những người từng trải qua thời chống Mỹ, những anh em từng đi bộ đội, từng trải qua thời khó khăn, thử thách trong kháng chiến và thời bao cấp. Họ đã biết sử dụng kinh nghiệm trong quá khứ để thích ứng trong tương lai. Việc gì làm được, người ta sẽ cố gắng làm, còn việc gì mà từ trước tới giờ chưa có điều kiện làm được, bây giờ có thời gian rảnh rỗi, không phải đi đâu, ngồi ở nhà, họ tìm hết cách tận dụng thời gian để làm những việc đó.

Do chủ động về thời gian, biết sắp xếp công việc một cách khoa học, người Hà Nội đã tận dụng thời gian trống của mình một cách tốt nhất, để giữ cho đầu óc thanh thản, bình tĩnh. Cũng vì được rèn luyện về khả năng thích ứng với những khó khăn nên người dân Thủ đô là những người chủ động hơn, nhập cuộc tốt hơn. Cá nhân tôi thì thấy, hiệu quả công việc tăng lên, không cảm thấy bức bối đến mức phải đi ngay ra khỏi nhà hay buộc phải gặp gỡ ai đó để chia sẻ, tâm tình. Chính vì thế, tôi đã ở nhà cả tháng nay và vẫn sẽ tiếp tục ở nhà cho đến khi các làn sóng Covid-19 được dập tắt.

- Ông đã trải qua thời gian Hà Nội chống Mỹ và nay lại được chứng kiến sự tàn phá của đại dịch với đời sống người dân Hà Nội. Ông có nhận thấy, ở trong hoàn cảnh khó khăn, cốt cách của người Hà Nội được bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết?

- Mỗi thời mỗi khác, thời chống Mỹ, người Hà Nội đứng trước những lo lắng về sinh mệnh, về vận mệnh đất nước, người dân đi sơ tán về các tỉnh lân cận, để lại một thành phố vắng bóng người. Thời dịch, người Hà Nội cũng đứng trước những lo lắng về sức khỏe, về sinh mệnh bản thân và cộng đồng. Do yêu cầu của Chính phủ và chính quyền thành phố, người dân ở trong nhà chống dịch nên thành phố cũng một lần nữa lại vắng bóng người. Về tính chất, mức độ của 2 thời lại khác nhau.

Tuy nhiên, tôi tìm thấy ở đó sự giống nhau về tình nghĩa của người Hà Nội. Trong hoàn cảnh hoạn nạn, tình cảm giữa con người với con người lại được nâng lên, thành ra quý hơn, tốt hơn lại liên hệ với thời kỳ chống Mỹ, sẵn sàng giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Đây là một giai đoạn thử thách tình cảm của con người để vượt qua đại họa như thế. Sự đoàn kết dân tộc, tình cảm gắn bó của dân tộc được nâng lên nhiều.

- Đại dịch rồi cũng đi qua, chúng ta sẽ nhìn về Hà Nội thời dịch với những điểm nhấn như thế nào, thưa nhà thơ?

- Dù virus Corona là vô hình nhưng sự tàn phá của nó đối với cuộc sống loài người, với nhân dân cả nước và người dân Thủ đô quá rõ ràng và tàn khốc. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, có đi qua những khó khăn, những thách thức mới thấy người Hà Nội đã chống dịch tốt đến nhường nào. Đó là văn hóa của người Hà Nội, một nền văn hóa có lịch sử nghìn năm Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội.

Văn hóa thời dịch của Hà Nội được thể hiện trên nhiều phương diện, về cư xử văn hóa, về tình người, về khả năng tuân thủ pháp luật, khả năng thích ứng uyển chuyển… Có nhiều điểm nhấn đáng chú ý để mỗi khi nhắc về đại dịch, chúng ta sẽ dành sự ngưỡng mộ với thái độ bình tĩnh mà người Hà Nội đã vượt qua trong đại dịch. Nhờ có thái độ này mà lòng người không nao núng, không bấn loạn để phải ra đường bằng được, gặp gỡ bằng được, làm lây lan dịch bệnh. Tất nhiên, thái độ bình tĩnh này không tự dưng có được, nó là một mạch nguồn lịch sử Thủ đô văn hiến được hun đúc từ ngàn đời.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!