Thái Bình kiến nghị dùng tiền ngân sách mua lại trạm BOT để cứu nhà đầu tư

ANTD.VN - UBND tỉnh Thái Bình kiến nghị Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí BOT Thanh Nê, huyện Thái Thụy vì nguy cơ nhà đầu tư "vỡ" phương án tài chính.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B, theo hình thức BOT, đoạn từ thị trấn Thanh Nê, đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (nay là QL 37B) được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt với tổng mức đầu tư 2.072 tỷ đồng, với quy mô đường cấp III đồng bằng, tổng chiều dài 28,9 km.

Theo tỉnh Thái Bình, khi Dự án đang triển khai thì Chính phủ không tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành toàn bộ dự án, trong đó nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chỉ bố trí cho dự án đến hết năm 2016 là 1.437 tỷ đồng.

Thái Bình kiến nghị mua lại trạm BOT Thanh Nê để cứu nhà đầu tư có nguy cơ vỡ phương án tài chính

Trong khi nhà đầu tư và chính quyền địa phương đã tiến hành giải phóng mặt bằng và thi công dở dang trên toàn bộ dự án, nếu không tiếp tục thi công sẽ gây mất ATGT, việc đi lại của nhân dân rất khó khăn và gây bức xúc trong xã hội, trong khi nguồn vốn ngân sách của tỉnh hết sức khó khăn, không có khả năng bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án.

Vì vậy ngày 6-9-2014, UBND tỉnh Thái Bình đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi hình thức thực hiện dự án theo hình thức BOT kết hợp BT. Ngày 16-12-2014, tỉnh đã có quyết định điều chỉnh, bổ sung dự án với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.881,999 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương bố trí thêm 400 tỷ đồng; bổ sung thêm đoạn từ đường vào Trung tâm điện lực Thái Bình đến cầu Diêm Điền, huyện Thái Thụy với tổng mức đầu tư là 550 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng QL37B và đoạn từ đường vào Trung tâm  điện lực Thái Bình đến cầu Diêm Điền đã hoàn thành, tổng số vốn nhà đầu tư bỏ ra là 460 tỷ đồng. Thời gian thu giá để hoàn vốn cho dự án là 18 năm.  Để hoàn vốn cho dự án, tỉnh Thái Bình đã có quyết định cho phép nhà đầu tư được thu phí từ ngày 1-1-2017.

Từ khi trạm BOT Thanh Nê thu phí sử dụng đường bộ đi vào hoạt động đến nay, tỉnh thường xuyên chỉ đạo nhà đầu tư và các sở, ngành, đơn vị có liên quan tuyên truyền để nhân dân, doanh nghiệp chấp hành quy định, đồng thời tăng cường công tác an ninh, trật tự bảo đảm giao thông.

Song, nhiều chủ phương tiện không thuộc đối tượng ưu tiên cố tình chây ỳ không chấp hành, có hành vi gây rối trật tự, chống đối gây ùn tắc giao thông; thậm chí một số đối tượng quá khích có hành vi hành hung nhân viên thu phí, xô gãy cần barie, gây bức xúc và làm thất thu tiền hoàn vốn cho dự án.

Hơn nữa, do việc miễn, giảm phí cho toàn bộ các hộ dân và doanh nghiệp của 2 huyện Kiến Xương và Tiền Hải nên doanh thu bình quân chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng/ngày đêm, tương đương 14.600 triệu đồng/năm. Doanh thu này thấp hơn rất nhiều so với doanh thu theo phương án tài chính trong hợp đồng đã ký là 55.660 triệu đồng/năm, vì vậy với tình hình như hiện nay thì dự án không thể hoàn được vốn.

Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Thái Bình để thanh toán 1 lần cho nhà đầu tư, với số tiền còn thiếu khoảng 460 tỷ đồng hoàn trả vốn đầu tư dự án để dỡ bỏ trạm thu phí BOT.

Trường hợp không bố trí ngân sách Trung ương thì cho phép Công ty CP Tasco kéo dài thời gian thu phí đường bộ tại Trạm thu phí Tân Đệ với thời gian khoảng gần 2 năm để hoàn trả kinh phí cho nhà đầu tư.