Thách thức khi tội phạm tài chính – ngân hàng ngày càng gia tăng, phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hành lang pháp lý còn chưa đồng bộ, hạ tầng công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực ngành ngân hàng còn những bất cập, nhận thức của người dân còn hạn chế… là những nguyên nhân khiến tội phạm tài chính – ngân hàng ngày càng gia tăng.

90% số vụ tấn công mạng nhắm đến hệ thống tài chính - ngân hàng

Dẫn nghiên cứu của Công ty phần mềm an ninh mạng (McAfee) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, tội phạm mạng đang là nguyên nhân khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 1,2% GDP toàn cầu (tức hơn 1.000 tỷ USD năm 2020), tăng 50% so với năm 2018. Cùng với đó là nhiều thiệt hại khác không thể tính bằng tiền.

Đối với Việt Nam, rủi ro tội phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam đang là vấn đề khá thách thức: Theo Báo cáo 8 tháng đầu năm 2020 của Công ty an ninh mạng Viettel, 90% trong số 3 triệu vụ cảnh báo tấn công mạng là nhắm đến hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Trong đó, 4 chiến dịch tấn công Phishing(giả mạo các tổ chức có uy tín như ngân hàng, trang web giao dịch trực tuyến và các công ty thẻ tín dụng để lừa người dùng chia sẻ thông tin tài chính) đã khiến 26.000 người dùng ngân hàng bị ảnh hưởng.

Tội phạm tài chính - ngân hàng ngày càng gia tăng, phức tạp

Tội phạm tài chính - ngân hàng ngày càng gia tăng, phức tạp

Còn TS Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính ngân hàng, trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội dẫn số liệu cho thấy, năm 2020 50 triệu người dùng Việt Nam đã bị mất thông tin bao gồm tài khoản cá nhân, số điện thoại. Cũng theo các báo cáo, rủi ro về an ninh tài chính đối với người dùng Việt Nam đã tăng lên rất nhiều, so với năm 2018 thì năm 2019 đã tăng tới hơn 50%.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho biết những phàn nàn, khiếu nại của người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm tới hơn 40% tổng số phản ánh, khiếu nại.

Cần những giải pháp đồng bộ

Từ thực tế hoạt động, bà Nguyễn Thị Minh Hằng – Phó phòng Quản lý rủi ro hoạt động, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng có hai loại rủi ro chính đối với an ninh tài chính, tiền tệ của hệ thống ngân hàng, đó là: Rủi ro liên quan đến vấn đề tác nghiệp gắn liền với việc ứng dụng CNTT và rủi ro liên quan tới bảo mật, an ninh mạng.

Trong đó, xu hướng tội phạm công nghệ đang chuyển dần từ tấn công cơ học sáng khai thác các lỗ hổng về CNTT và người dùng, trong khi các chốt kiểm soát yếu kém, không được phát hiện kịp thời những lỗ hổng này.

Về nguyên nhân, bà Hằng cho rằng, ngoài vấn đề về chính sách thì hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của ngành ngân hàng vẫn còn bất cập, thiếu kiến thức, kỹ năng về vận hành và làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại...

Trong khi đó, hiện tại Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu định danh toàn quốc (KYC). Hành lang pháp lý cho kinh tế số chưa đủ và đồng bộ, hạ tầng CNTT còn tồn tại những bất cập, mức độ nhận thức, hiểu biết về dịch vụ tài chính, về ngân hàng số của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế.

Còn theo TS Đinh Thị Thanh Vân, muốn an ninh tài chính tốt thì chúng ta không chỉ đặt vấn đề về bảo vệ an toàn của hệ thống các định chế tài chính mà cần đặt vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

“Trước kia chúng ta đưa ra nguyên tắc là người tiêu dùng thận trọng, tức là người mua phải tự bảo vệ mình. Nhưng trên thực tế thị trường luôn luôn phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, tài chính số đã phát sinh rất nhiều vấn đề, do dó cần có những biện pháp giảm thiểu những tổn thất gây ra cho khách hàng.

Tức là khách hàng cần tiếp cận đủ thông tin, tiếp cận thông tin một cách chính xác, có sân chơi bình đẳng, có nguồn thông tin để đưa ra các quyết định tài chính của mình” – TS Đinh Thị Thanh Vân nói.

Về cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, vị chuyên gia cho biết, tại Việt Nam có Luật Bảo vệ người tiêu dùng nói chung nhưng không đề cập quá nhiều đến bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính; không có cơ quan độc lập về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Các tổ chức tham gia bảo vệ người tiêu dùng tài chính có 3 cơ quan: Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng sẽ giám sát hoạt động các tổ chức tài chính); Bộ Tài chính có cơ quan giám sát về bảo hiểm, chứng khoán. Cùng với đó, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng lớn nhất của chúng ta là Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương, nhưng chưa có bộ phận riêng, quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Do đó, TS Đinh Thị Thanh Vân đề xuất cần thành lập cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính, thậm chí có luật riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính…

Đặc biệt, cần tăng cường nâng cao nhận thức tài chính, ý thức bảo vệ an toàn tài chính của người dân. Việc này cần sự tham gia của các cơ quan, bộ ngành, định chế tài chính, các trường học...

Còn TS Cấn Văn Lực cho rằng các Bộ, ngành, các doanh nghiệp và tổ chức tài chính cần tăng cường ứng dụng công nghệ, phối hợp chặt chẽ trong nước và quốc tế trong cảnh báo, phòng ngừa và ứng phó với loại hình tội phạm phức tạp và tinh vi này.

Việt Nam cần xác lập điểm cân bằng, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế số, tài chính số, tài chính toàn diện với kiểm soát rủi ro, phòng chống tội phạm an ninh mạng, an toàn – bảo mật thông tin, dữ liệu. Tăng cường ứng dụng CNTT trong kiểm soát, ứng phó rủi ro, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Đồng thời cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số, thanh toán điện tử; cảnh báo kịp thời về các thủ đoạn lừa đảo, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, đảm bảo mục tiêu phát triển tài chính toàn diện bền vững.