Thách thức khi hàng nghìn hành khách rời "ổ dịch" trên tàu Diamond Princess

ANTD.VN - Ngày 19-2, khoảng 500 hành khách được xác định âm tính với virus Covid-19 đã rời tàu Diamond Princess sau 14 ngày cách ly trên con tàu du lịch ngoài khơi thành phố Yokohama gần Tokyo, Nhật Bản. Đây là con tàu chở 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn, với 621 người đã bị nhiễm virus Covid-19, trở thành ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. 

Xe buýt chở hành khách từ tàu Diamond Princess rời cảng Yokohama ngày 19-2

Hãng tàu biển Princess Cruise cho biết, Chủ tịch Tập đoàn Jan Swartz và các quan chức hàng đầu khác sẽ có mặt ở Nhật Bản để điều phối việc đưa hành khách lên bờ. Công ty đang hoàn trả chi phí hành trình cho hành khách cũng như chi phí đi lại để về nước của họ. Toàn bộ quá trình đưa hành khách ra khỏi tàu dự kiến hoàn thành vào ngày 21-2. 

Nhiều nhà khoa học cho rằng, việc Nhật Bản quyết định cách ly 2 tuần đối với hàng nghìn người trên tàu du lịch Diamond Princess đã kết thúc trong thất bại. Con tàu dường như đóng vai trò là nơi ươm mầm cho loại virus mới từ Trung Quốc thay vì một cơ sở cách ly nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh. 

Cuộc “tháo chạy” khỏi ổ dịch trên tàu biển

Diamond Princess là tàu du lịch của Vương quốc Anh, do Princess Cruise, một công ty con của Tập đoàn Carnival, Mỹ điều hành chủ yếu phục vụ khách du lịch trên hành trình tham quan biển châu Á. Tàu khởi hành vào ngày 20-1 từ cảng Yokohama, Nhật Bản, sau đó đi một vòng qua các vùng biển của Nhật Bản, Hồng Kông, Việt Nam, Đài Loan rồi quay về Yokohama ngày 3-2.

Nhưng trên hành trình này, một hành khách 80 tuổi rời tàu tại bến Hồng Kông và ngày 1-2 được xác nhận là bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 thứ 14 của đặc khu Hồng Kông. Chính quyền Nhật Bản sau đó quyết định cách ly toàn bộ người trên tàu Yokohama kể từ ngày ngày 5-2 và kết quả xét nghiệm cho thấy, trung bình cứ 7 người thì có 1 người nhiễm virus.

Sau thời hạn cách ly và trước số ca nhiễm bệnh cao đột biến, hàng loạt nước đã sơ tán công dân khỏi ổ dịch Covid-19 đáng sợ này. Trong đó, Mỹ đã sơ tán hơn 300 công dân hôm 17-2 trên 2 chuyến bay thuê bao. 6 trong số 14 công dân Hàn Quốc và một cặp đôi người Nhật Bản đã bay tới Hàn Quốc vào sáng 19-2 trên một chuyến bay thuê bao.

“Hoàn toàn có thể xảy ra khả năng ai đó đã kiểm tra âm tính nhưng khi lên máy bay và hạ cánh thì có kết quả dương tính với virus Corona mới. Các quốc gia cần rất thận trọng khi cách ly những hành khách này mặc dù họ đã trải qua cách ly 14 ngày và kết quả xét nghiệm âm tính. Cần nâng mức đảm bảo an toàn cho những nơi mà họ được đưa trở lại”

Ông Keiji Fukuda (Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng tại Đại học Hồng Kông)

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, hôm 18-2, còn 220 người Australia trên tàu Diamond Princess. Tổng cộng 169 công dân nước này sẽ được sơ tán, 36 người chẩn đoán mắc virus Corona chủng mới sẽ tiếp tục ở trên tàu, và 15 người khác đã được chọn ở lại tàu. Những người trở về trên chuyến bay dự kiến diễn ra hôm nay 20-2 sẽ được đưa đến Darwin, tiếp tục bị cách ly trong 14 ngày.

Cũng theo Reuters, hành khách Hồng Kông cũng sẽ được sơ tán trong 24 giờ tới và theo thông tin nhận được, Canada cũng thuê một chuyến bay riêng để đưa công dân nước này trên tàu về nước vào ngày 21-2.

Dấu hỏi về hiệu quả cách ly kiểm dịch

Theo AP, Tiến sĩ Nathalie MacDermott, một chuyên gia về dịch bệnh tại King Colege London khẳng định: “Rõ ràng việc kiểm dịch đã không hiệu quả, con tàu này giờ đã trở thành nguồn lây nhiễm”. 

Trong quá trình cách ly kiểm dịch, khoảng 1.000 thành viên thủy thủ đoàn được yêu cầu đeo khẩu trang phẫu thuật, rửa tay, sử dụng thuốc xịt khử trùng, ngừng hoạt động tại các nhà hàng, quán bar, các khu vực giải trí khác sau ngày 5-2, khi nhóm 10 bệnh nhân nhiễm virus đầu tiên được báo cáo. Hành khách được hướng dẫn ở trong cabin của họ, không đi lại hoặc tiếp xúc với các hành khách khác. Những người trong cabin không có cửa sổ có thể ra ngoài boong tàu khoảng 1 giờ mỗi ngày nhưng phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

Trường hợp tàu Diamond Princess giúp chúng ta hiểu thêm về virus Corona mới này, nhưng bài học trước mắt là khi đưa các trường hợp bị nghi ngờ vào cùng một không gian thì các biện pháp quản lý cần nghiêm ngặt hơn. Lý tưởng nhất là ngay khi phát hiện ca nhiễm virus đầu tiên, cần đưa họ ra khỏi đó tới bệnh viện ngay lập tức, và những người khác nên được cách ly tùy theo triệu chứng của họ. 

Nhưng trong thực tế, điều này không dễ dàng. Với tàu Diamond Princess, việc kiểm dịch chủ yếu dành cho hành khách vì các thành viên thủy thủ đoàn nghỉ ở phòng đôi và tiếp tục phục vụ khách như giao thức ăn, thư từ, khăn mặt cũng như ra vào khoang hành khách để vệ sinh. Họ cũng ăn theo nhóm trong một hội trường lớn. “Không giống như hành khách, các thành viên thủy thủ đoàn ăn chung, ở chung và đó là lý do tại sao một số người trong số họ bị nhiễm bệnh ngay sau khi quá trình cách ly bắt đầu”, ông Shigeru Omi, cựu Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.

Các nhà khoa học tin rằng căn bệnh này chủ yếu lây lan qua những giọt nước khi người ta ho hoặc hắt hơi, nhưng Tiến sỹ MacDermott nói rằng “cũng có thể có một phương thức lây truyền khác”. “Việc lọc không khí trên tàu như thế nào, các cabin được kết nối như thế nào và chất thải được xử lý như thế nào, chỉ khi tìm hiểu kỹ mới có thể giúp giải thích về những gì đã xảy ra. Không có lý do gì việc cách ly lại vô tác dụng nếu nó được thực hiện đúng cách”, ông MacDermott nói thêm.

Trong khi đó, Tiến sĩ Paul Hunter, Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, cho rằng sự cô lập này có thể không thể toàn diện như suy nghĩ ban đầu. “Thật khó để thực hiện kiểm dịch trong môi trường tàu biển và tôi hoàn toàn chắc chắn rằng có một số hành khách nghĩ rằng họ không cần tuân theo ai đó bảo họ được làm gì và không được làm gì”. Tiến sĩ Hunter thừa nhận rằng việc cách ly 3.700 người trong một không gian hạn chế như vậy là thách thức lớn, nên các quy trình kiểm soát lây nhiễm khó có thể hiệu quả như trên đất liền. Các nhà khoa học khác cũng cho rằng lẽ ra hành khách nên được đưa ra khỏi tàu ngay từ đầu. Giáo sư Arthur Caplan, từ Đại học Y khoa New York, cho biết: “Tàu thuyền là nơi khét tiếng ươm mầm cho virus. Việc giữ người trên tàu chỉ hợp lý khi không có lựa chọn nào khác”.

Rủi ro khi cả nghìn “mầm bệnh” về nước

Ổ dịch trên tàu Diamond Princess bùng phát khiến nhiều người cho rằng, các biện pháp có thể không đủ để ngăn chặn virus lây lan nhanh chóng trên tàu. Sau khi kết thúc quá trình kiểm dịch, người ta tiếp tục lo ngại rằng, lượng hành khách lớn đến từ hơn 50 quốc gia này sẽ trở thành nguồn lây nhiễm trên toàn cầu.

“Hoàn toàn có thể xảy ra khả năng ai đó đã kiểm tra âm tính nhưng khi lên máy bay và hạ cánh thì có kết quả dương tính. Dịch virus Corona mới này là vậy”, ông Keiji Fukuda, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng tại Đại học Hồng Kông và là cựu quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới nói. Theo ông Fukuda, các quốc gia cần rất thận trọng khi cách ly hành khách mặc dù họ đã trải qua cách ly 14 ngày và kết quả xét nghiệm âm tính. Cần nâng mức đảm bảo an toàn cho những nơi mà hành khách trở lại, chuyên gia này nhận định.

Tương tự, Tiến sĩ Paul Hunter, Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia nói: “Do virus tiếp tục lây lan, chúng ta đều phải nghĩ rằng tất cả mọi người rời khỏi con tàu đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Bởi vậy, họ phải trải qua một thời gian cách ly 2 tuần nữa. Không làm như vậy sẽ là liều lĩnh”. Nguy cơ trở nên rõ ràng sau khi Mỹ sơ tán hơn 300 công dân nước này vào cuối tuần qua nhận được thông báo, 14 hành khách trong số này, dù có kết quả xét nghiệm âm tính 2-3 ngày trước đó, đã nhiễm virus Covid-19.

Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình cấp cứu sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đôi khi có những môi trường mà bệnh dịch có thể lây lan nhanh hơn và tàu du lịch nằm trong số đó. “Đây là một sự việc đáng tiếc. Chúng tôi tin rằng chính quyền Nhật Bản và những nước nhận lại công dân của mình sẽ có thể theo dõi những cá nhân đó theo cách thích hợp”, ông Michael Ryan nói.