Thách thức đối với lãnh đạo lâm thời của Bangladesh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Muhammad Yunus - người đoạt giải Nobel Hòa bình với biệt danh “chủ ngân hàng của người nghèo” - đã nhận lời tạm thời đứng đầu chính phủ Bangladesh sau khi đất nước này rơi vào bất ổn do biểu tình khiến Thủ tướng phải từ chức và bỏ trốn.

Truyền thông quốc tế ngày 7-8 đưa tin, ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, sẽ lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh sau khi Thủ tướng từ chức và Quốc hội quốc gia Nam Á này bị giải tán. Ông Yunus là một doanh nhân và chủ ngân hàng xã hội đã giành giải Nobel Hòa bình năm 2006 cho công trình tài chính vi mô tiên phong giúp xóa đói giảm nghèo ở Bangladesh và được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. “Chúng tôi rất vui mừng khi Tiến sĩ Yunus đã đồng ý chấp nhận thử thách này để cứu Bangladesh theo yêu cầu của sinh viên chúng tôi”, nhóm đứng sau các cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên nước này xác nhận.

Ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, được phong trào biểu tình ủng hộ làm nhà lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh

Ông Muhammad Yunus, 84 tuổi, được phong trào biểu tình ủng hộ làm nhà lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh

Ông Muhammad Yunus là ai?

Ông Yunus sinh tại Chittagong, một thành phố cảng ở Đông Nam Bangladesh. Ông đã học tại Đại học Dhaka, trước khi nhận được học bổng Fulbright danh giá để theo học tại Đại học Vanderbilt ở Mỹ và nhận bằng Tiến sĩ kinh tế. Năm 1972, một năm sau khi Bangladesh giành được độc lập từ Pakistan, ông đã trở về giảng dạy tại Đại học Chittagong.

Nhưng thảm họa đã sớm xảy ra. Nạn đói nghiêm trọng vào năm 1974 đã cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người Bangladesh. “Tôi thấy khó khăn khi phải giảng dạy những lý thuyết kinh tế trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp ở Bangladesh. Tôi cảm thấy, trước nạn đói nghèo, những lý thuyết đó thật trống rỗng. Tôi muốn làm điều gì đó ngay lập tức để giúp mọi người xung quanh sống qua ngày dễ dàng hơn một chút”, ông Yunus phát biểu khi nhận giải Nobel năm 2006.

Từ đó ông bắt đầu cung cấp các khoản vay nhỏ từ tiền túi cho những cư dân nghèo nhất trong cộng đồng của mình, sau đó thành lập Ngân hàng Grameen vào năm 1983, rồi trở thành đơn vị đi đầu thế giới trong việc xóa đói giảm nghèo thông qua hoạt động cho vay vi mô. Ngân hàng này nhanh chóng phát triển với nhiều chi nhánh và mô hình tương tự hiện đang hoạt động trên toàn thế giới.

Tiến sĩ Yunus và Ngân hàng Grameen đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2006 sau khi cho vay tổng cộng khoảng 6 tỷ USD (cho các khoản vay về nhà ở, học đại học và doanh nghiệp siêu nhỏ) đặc biệt là hỗ trợ phụ nữ Bangladesh. Ông cũng là người sáng lập Trung tâm Yunus, một nhóm tư vấn có trụ sở tại Dhaka giúp phát triển các doanh nghiệp xã hội mới.

Trong nhiều năm, ông Yunus đã đối đầu trực diện với cựu Thủ tướng Sheik Hasina. Năm 2011, Ngân hàng Trung ương do Chính phủ Bangladesh kiểm soát đã cách chức ông Yunus khỏi vị trí giám đốc điều hành của Ngân hàng Grameen, với lý do ông đã quá tuổi nghỉ hưu bắt buộc. Những năm tiếp theo, ông Yunus đã vướng vào nhiều vụ kiện mà những người ủng hộ ông cho rằng là kết quả của việc ông bị chính quyền nhắm mục tiêu một cách bất công.

Thử thách với nhà tân lãnh đạo

Trước khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo lâm thời, Tiến sĩ Yunus cho biết, hàng triệu người trên khắp Bangladesh đổ ra đường phố ăn mừng việc Thủ tướng từ chức như thể đây là ngày giải phóng đất nước. Nhưng các chuyên gia cho biết, ông Yunus phải đối mặt với một chặng đường dài và phức tạp phía trước.

Thách thức đầu tiên của ông sẽ là tái lập luật pháp và trật tự sau các cuộc biểu tình chết người trong những tuần qua đồng thời giải quyết tình trạng thiếu lòng tin giữa người dân và nhà nước. Ông Mubashar Hasan, người nghiên cứu về chủ nghĩa độc tài châu Á tại Đại học Oslo, cho biết, sự thiếu lòng tin đó bao gồm nỗi ngờ vực sâu sắc của công chúng đối với cảnh sát, cơ quan tư pháp và các cơ quan khác do Nhà nước điều hành.

Cùng với đó, ông Yunus cũng sẽ phải giải quyết hậu quả của việc sử dụng vũ lực gây chết người đối với người biểu tình từ tháng trước. Ông Niloy Biswas, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Dhaka cho rằng, các nhà lãnh đạo mới của chính phủ phải mở các cuộc điều tra để đảm bảo công lý cho hàng trăm người vô tội đã mất mạng. “Những sinh viên lãnh đạo phong trào này cực lực yêu cầu điều này. Chính phủ lâm thời sẽ phải chú ý đến để đảm bảo cộng đồng sinh viên đông đảo duy trì sự ủng hộ của mình trong việc điều hành chính phủ”, ông Biswas nói.

Một nhiệm vụ cấp bách khác là tuyên bố bầu cử tự do và công bằng, bởi đó là một trong những lý do khiến Bangladesh nổ ra biểu tình. Ngoài ra, cải cách nền kinh tế Bangladesh sẽ là nhiệm vụ then chốt bởi đây là yếu tố cần thiết trong việc chống tham nhũng và giúp ngăn ngừa hoạt động chống đối trong tương lai.