Thách thức đô thị

ANTĐ - Từ năm 1999-2011, nước ta có thêm 126 khu đô thị mới, nâng tổng số đô thị trong cả nước lên 755. Như vậy, trung bình mỗi tháng trên toàn quốc lại “đẻ ra” thêm một khu đô thị mới. Có lẽ tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam thuộc loại “nóng” nhất thế giới.

Các dự án đua nhau đầu tư vào bất động sản khiến cả nước ngổn ngang như một đại công trường xây dựng. Cũng trong 10 năm qua, dân số đô thị tăng chóng mặt tới 42%, từ 18,3 triệu người vọt lên 26 triệu người, kéo theo cả một “cái đuôi” dài phức tạp về xã hội, nhà ở, hạ tầng giao thông, môi trường…

Nước ta đang đối mặt với thách thức lớn về quản trị đô thị bởi thiếu quy hoạch ngay từ giai đoạn đầu phát triển, hệ quả là khó thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn giữa chất lượng dân sinh và tăng trưởng kinh tế, giữa gia tăng dân số và gia tăng đầu tư, trong khi thiếu chi phí cho môi trường bền vững. Đó là những bất cập được đặt trên bàn Diễn đàn kinh doanh xanh vừa diễn ra.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đô thị hóa quá nhanh trong 10 năm qua, tổng lượng chất thải rắn hàng năm lên tới 12,8 triệu tấn. Riêng các đô thị chiếm tới 54%. “Hy sinh môi trường quá lớn cho phát triển kinh tế đang để lại hậu quả không chỉ cho một vài thế hệ. Hiện cả nước có hơn 3.000 làng nghề “bám” quanh đô thị không có hệ thống xử lý nước thải chưa kể hàng nghìn nhà máy nằm ngay trong ruột đô thị, không đạt tiêu chuẩn môi trường cùng “góp phần” đầu độc còn có hàng trăm bệnh viện lớn nhỏ. Nguồn tài nguyên đang cạn dần do khai thác quá mức để xây dựng đô thị. Mỗi năm sản xuất 40 triệu tấn xi măng, 22 tỷ viên gạch, 230 triệu m2 gạch ốp lát. Không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên mà còn tiêu tốn hơn 20% tổng năng lượng quốc gia, môi trường còn phải hứng chịu lượng phát thải đô thị quá tải.

Một giáo sư trường Đại học South Australia cảnh báo, thách thức lớn nhất của Việt Nam là đô thị hóa như thế nào để không lặp lại mô hình của thế giới cách đây đã 20 năm. Điều này đòi hỏi việc hoạch định dài hạn và các quy trình chặt chẽ trong quản trị đô thị”. Các đô thị mới, đương nhiên tập trung dày đặc ở Hà Nội và TP.HCM. Doanh nghiệp chen nhau xin đất, chủ yếu là đất ruộng vì chẳng tốn nhiều kinh phí giải phóng mặt bằng. Địa phương thì muốn tăng GDP, tăng nguồn thu nên cấp đất “thoải mái”, trong khi quy hoạch chung chưa có, thế nên mọc lên không ít khu đô thị mới tự phát với số vốn đăng ký tới hàng nghìn tỷ đồng. Thực trạng khu đô thị mới mọc lên như… nấm rơm đặt ra những thách thức lớn về công tác quản lý và chính sách vĩ mô, trong đó Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chính về phát triển và quản lý đô thị.

Được biết, Luật Đô thị bây giờ mới đang được soạn thảo, dự kiến phải đến giữa năm 2012 sẽ đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Điều đó có nghĩa là, ngay cả khi Luật này được ban hành thì “bức tranh” đô thị mới khó mà “tẩy xóa” hoặc “vẽ lại”. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn kinh doanh xanh, Việt Nam đang rất khó để hoạch định lại các khung phát triển đô thị vì thiếu các hoạch định nền móng ngay từ đầu. Việc đô thị hóa không thể tách rời với phát triển hạ tầng và kết nối với các dịch vụ đô thị. Trong khi đó, hầu hết các dự án đô thị, hạ tầng giao thông ở Hà Nội đều thiếu quỹ đất, quỹ nhà do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Hơn nửa đầu năm nay Hà Nội đã ban hành hàng trăm văn bản bổ sung chính sách, cơ chế mà hầu như vướng vẫn hoàn vướng.

Một khi thiếu quy hoạch tổng thể phát triển đô thị trong cả nước, thì cũng không thể bắt các địa phương phát triển đô thị theo quy hoạch chung. Ngay cả một số địa phương đã quy hoạch được các khu đô thị mới thì việc quản lý xây dựng theo quy hoạch cũng hết sức bất cập. Cứ nhìn vào thực trạng “bùng nổ” đô thị đang diễn ra là có thể hình dung ra diện mạo đô thị trong tương lai.