Thách thức còn ở phía trước

ANTĐ - “Thách thức vẫn còn ở phía trước”, đó là nhận định khái quát về tình hình kinh tế, xã hội năm 2013 trong báo cáo của Chính phủ trên diễn đàn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. So với báo cáo trước đó tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo lần này khá thận trọng khi nhắc đến thành tích 4 tháng đầu năm, ít nhấn mạnh đến tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế mà theo ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội, nội dung này chưa được đề cập, phân tích sâu.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển xã hội so với GDP, chỉ tiêu tạo việc làm và độ che phủ rừng. Việc triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, báo cáo cho biết một số công việc cụ thể đã làm được như trong tái cơ cấu đầu tư công, sớm phân bổ kế hoạch vốn năm 2013 và đẩy mạnh giải ngân cho các công trình dự án quan trọng, cấp bách về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Chính phủ thể hiện tinh thần quyết liệt trong việc thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội. Từ nay đến cuối năm, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương tái cơ cấu đầu tư đã đề ra. Đặc biệt, đối với tiến trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chính phủ đang khẩn trương nghiên cứu, ban hành một số đề án, văn bản pháp luật nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, vấn đề cần được quan tâm là tiết kiệm chi phí trong xử lý nợ xấu và tăng cường việc giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm bảo đảm an toàn cho từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, báo cáo của Chính phủ thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu những đánh giá từ phía Quốc hội về tình hình triển khai tái cơ cấu nền kinh tế. Trên thực tế, tái cơ cấu chưa có những chuyển biến cụ thể, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cũng chưa có một chương trình toàn diện theo ngành, vùng, lĩnh vực và đơn vị. Bên lề hành lang Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, muốn vực dậy nền kinh tế, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, sản xuất đình trệ, cần phải tính đến chính sách tài khóa, tức là chấp nhận tăng bội chi. Theo đó, bội chi đủ để các địa phương có tiền trả nợ các dự án xây dựng cơ bản. Con số nợ ước trên 90.000 tỷ đồng, nếu xử lý được “cục nợ” này sẽ khơi thông một phần dòng vốn, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế. Để áp dụng biện pháp khó khăn này cần sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội vì nợ công, bội chi hiện đã tương đối lớn. Cùng lúc, Chính phủ cần tập trung làm hiệu quả gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho phân khúc nhà ở trung bình.

Tái cơ cấu nền kinh tế, xử lý nợ xấu và “phá băng” thị trường bất động sản là những “điểm nóng” sẽ được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, bàn giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, vấn đề “nóng hổi” nhất là phục hồi nền kinh tế, trước hết phải làm “ấm” lên mọi lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, đầu tư, thị trường.