Thách thức chờ đợi lãnh đạo mới của Trung Quốc

ANTĐ - Trung Quốc đã hoàn thành cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử 10 năm mới diễn ra một lần giữa 2 nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo. Cuộc chuyển giao quyền lực này diễn ra khá suôn sẻ trong sự quan tâm rất lớn của dư luận thế giới. Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 12 đã tiến hành phiên họp toàn thể thông qua kế hoạch cải tổ cơ cấu Chính phủ, đồng thời bỏ phiếu bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc. Chính phủ mới của Trung Quốc sẽ có cuộc họp báo đầu tiên vào ngày hôm nay, Chủ nhật 17-3-2013.

Đúng như dự đoán, ông Tập Cận Bình được bầu chọn vào 3 vị trí cao nhất trong Đảng, Nhà nước và quân đội Trung Quốc, chính thức tiếp nhận quyền lực tối cao từ tay người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Nếu như ông Tập Cận Bình tiếp quản 3 vị trí cao nhất thì ông Lý Khắc Cường với tư cách là Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm điều hành Chính phủ và chèo lái nền kinh tế của đất nước.

Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn bao gồm việc khôi phục tăng trưởng kinh tế; giải quyết nạn tham nhũng, suy thoái đạo đức trong giới quan chức, lãnh đạo Trung Quốc; xử lý vấn đề môi trường trầm trọng và cải thiện hình ảnh Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế.

Chuyển giao quyền lực với nhiều cam kết 

Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đánh giá là một chính khách thực tế, ủng hộ doanh nghiệp, ủng hộ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và kêu gọi các quan chức trong Đảng luôn thẳng thắn. Ông cũng được cho là người sẵn sàng mạnh tay với nạn tham nhũng trong doanh nghiệp và trên chính trường. Tuy nhiên, con đường phía trước của tân lãnh đạo Tập Cận Bình được cho là sẽ có rất nhiều chông gai bởi Trung Quốc - đất nước đông dân nhất thế giới, đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề. 

Ông Lý Khắc Cường có một điều đáng chú ý so với hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác là ông có khả năng nói tiếng Anh rất thành thạo. Vị chính khách nói tiếng Anh rất tuyệt này sẽ “cầm cương” nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Là người đứng đầu Chính phủ, ông Lý Khắc Cường sẽ quản lý các lĩnh vực đầu tư, kinh tế và công việc nội bộ của Trung Quốc, mặc dù trên thực tế, các quyết định quan trọng phải được Bộ Chính trị thông qua, mà ông Lý Khắc Cường là Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc.

Trong quá trình xem xét việc cải tổ cơ cấu, Chính phủ Trung Quốc xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là cải cách cơ cấu Chính phủ nhằm hạn chế tình trạng quan liêu và nâng cao hiệu quả hoạt động Chính phủ, chuyển đổi mạnh mẽ các chức năng của Chính phủ và giảm bớt sự can thiệp hành chính vào các vấn đề thị trường và xã hội. Đây là động thái cải cách chính quyền lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 1998 thế kỷ trước. Giới lãnh đạo Trung Quốc muốn tạo ra ít bộ hơn nhưng quy mô lớn hơn để tăng tính hiệu quả và giải tỏa lo ngại của nhân dân về quy cách làm việc của các cơ quan Nhà nước. 

Thách thức lớn từ kinh tế

 

Thách thức ở phía trước không phải là nhỏ khi nền kinh tế đang phát triển chững lại và phụ thuộc quá nhiều vào thế giới bên ngoài. Trung Quốc đang phát triển trong mấy chục năm qua là nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt, luôn ở mức 2 con số. Thập niên trước, Trung Quốc soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dù tránh được ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc cũng đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang dần chậm lại, nhu cầu tái cân bằng đầu tư và xuất khẩu, hướng tới thị trường tiêu dùng trong nước. Thay vì đạt tốc độ tăng trưởng hơn 10% như trong suốt 3 thập kỷ qua, mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tụt xuống còn 7-8%. Xuất khẩu sang thị trường Âu - Mỹ đã giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này phá sản. 

Một thách thức khác là một thị trường nhà đất trong tình trạng bong bóng quá lâu khiến giá bất động sản (BĐS) đã tăng vọt gấp 10 lần ở những thành phố lớn trong thập kỷ qua. Giá BĐS tăng vọt, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu không thể mua nhà cũng biến các thành phố ở Trung Quốc thành “rừng bê tông bỏ hoang”.

Những nhân tố giúp nước này tăng trưởng ấn tượng thập kỷ qua cũng không còn tác dụng lớn nữa. Trung Quốc vốn dựa vào giá nhân công thấp để trở thành công xưởng của thế giới nhưng hiện giờ các nước Đông Nam Á đang vượt qua Trung Quốc trong lĩnh vực này. Nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ ở đây đang cạn kiệt. Cũng do tuổi nghỉ hưu của nước này cũng sớm hơn hầu hết các nước khác ở châu Á (55 tuổi đối với phụ nữ và 60 tuổi đối với nam giới), gây ra tình trạng già hóa dân số và tăng tỉ lệ phụ thuộc. Mất cân bằng giới tính cũng có thể thay đổi cấu trúc gia đình và mô hình hàng hóa tiêu thụ tại đây. 

Người dân Trung Quốc đang ngày càng cảm thấy bất mãn trước sự chênh lệch về khoảng cách thu nhập quá lớn ở trong nước. Trung Quốc có tới 2,7 triệu triệu phú USD và 251 tỉ phú. Tuy nhiên, 13% người dân nước này đang sống ở mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày (khoảng 25.000VND/ngày). 

Ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường đã cam kết cải tổ kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm và nhanh chóng giải quyết nạn tham nhũng cũng như sự suy thoái đạo đức đang lan tràn trong giới quan chức nước này. Năm ngoái, người ta đã liên tục chứng kiến hàng loạt quan chức ở Trung Quốc “ngã ngựa” vì những scandal tham nhũng hay bê bối liên quan đến tình ái hoặc thái độ ứng xử với người dân. Ông Tập Cận Bình được cho là người rất mạnh tay với nạn tham nhũng. Tuy nhiên, để xử lý được gốc rễ tình trạng này không phải là điều dễ dàng. Nếu không xử lý tốt những vấn đề trên, Trung Quốc khó duy trì được sự ổn định trong nước. 

Vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm cũng là thách thức vô cùng to lớn mà ban lãnh đạo mới sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Vấn đề môi trường đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi các thành phố lớn của Trung Quốc gần đây phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm hết sức nặng nề. Có thời điểm, mức độ ô nhiễm lên tới gấp 30 lần mức độ cho phép khiến nhiều thành phố chìm trong sương mù dày đặc và độc hại. Mới đây, người ta phát hiện 6.000 xác con lợn trôi nổi trên một dòng sông là nguồn nước chính cung cấp nước tiêu dùng cho 20 triệu dân ở thành phố Thượng Hải. Người dân Trung Quốc còn phải đối mặt với tình trạng an toàn thực phẩm ở mức báo động. Hầu như ngày nào cũng có tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa chất gây ung thư hay các vụ ngộ độc thực phẩm. 

Thách thức từ bên ngoài

Một trong những thách thức lớn nhất trên mặt trận đối ngoại đối với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc chính là việc cải thiện lại hình ảnh vốn đã sứt mẻ đi nhiều của Trung Quốc trong thời gian qua vì những cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông. Người dân thế giới đã chứng kiến một Trung Quốc mỗi lúc một hung hăng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Hình ảnh của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều này được thấy rõ qua một cuộc thăm dò dư luận ở Philippines, theo đó, phần lớn người dân Philippines cho biết, họ đã mất niềm tin trầm trọng vào nước láng giềng Trung Quốc. Người ta cho rằng nếu cuộc điều tra trên được thực hiện ở những nước khác thì kết quả cũng chưa chắc khả quan bởi trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong khu vực đang đẩy Trung Quốc rời xa với các nước láng giềng.