Thách đố hạt nhân nguy hiểm

ANTD.VN - Cuộc leo thang hạt nhân nguy hiểm đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên với dấu hiệu mới nhất cho thấy CHDCND Triều Tiên sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân  sau vụ thử hạt nhân gây chấn động ngày 9-9 vừa qua.

Người dân Hàn Quốc không khỏi lo lắng trước khả năng Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sau vụ thử hạt nhân 

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 12-9 tuyên bố, CHDCND Triều Tiên đã sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân mới vào bất kỳ thời điểm nào. Tuyên bố này càng nóng thêm vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh tình hình khu vực này đang trở nên rất dễ bùng nổ sau vụ thử hạt nhân mới nhất  của Triều Tiên hôm 9-9.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyun, tình báo của Hàn Quốc và Mỹ cho rằng Triều Tiên sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân khác tại bãi thử Punggye-ri nằm ở Đông Bắc Triều Tiên vào “bất kỳ thời điểm nào”. Chính vì thế, ông  Moon Sang Gyun cho biết, quân đội Hàn Quốc đã được đặt hoàn toàn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhằm “đáp trả các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo hoặc khiêu khích trên bộ tiếp theo của Triều Tiên”.

Trước đó chỉ 3 ngày và cũng tại bãi thử Punggye-ri, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ năm từ trước tới nay, đồng thời là vụ thử hạt nhân có cường độ mạnh nhất với sức công phá tương đương 20.000-30.000 tấn thuốc nổ TNT. Những vụ thử hạt nhân hạt nhân liên tiếp cho thấy rõ tham vọng và cả khả năng Triều Tiên hiện thực hóa mục tiêu đeo đuổi lâu nay là trở thành một trong số ít các quốc gia sở hữu thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt ghê gớm này cùng với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan…

Việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đi đôi với phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ là điều không thể chấp nhận với không chỉ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn cả với Trung Quốc và Nga. Vì thế, sau lần thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh cấm vận và lệnh cấm vận này nhiều lần được siết chặt thêm sau các vụ thử hạt nhân tiếp theo của quốc gia Đông Bắc Á này.

Tuy nhiên, lệnh cấm vận của quốc tế dù gây rất nhiều khó khăn cho Triều Tiên, song vẫn không thể ngăn cản nước này phát triển chương trình hạt nhân mà vụ thử ngày 9-9 vừa qua được xem là bước tiến lớn của Bình Nhưỡng trên con đường trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) ngày 10-9 cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần phải xem xét một cách nghiêm túc vị thế là một cường quốc hạt nhân trên thế giới của Triều Tiên.

Các quốc gia liên quan tới bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, không bao giờ chấp nhận Triều Tiên trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, Mỹ và các quốc gia liên quan đến nay vẫn chưa thể tìm ra biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn thực tế này, bất chấp đã dùng cả “củ cà rốt” - viện trợ quy mô lớn để đổi lấy việc từ bỏ chương trình hạt nhân và “cây gậy” - lệnh trừng phạt. 

Lệnh cấm vận đã tỏ rõ sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, song những đòn răn đe như việc Mỹ cho hai máy bay ném bom chiến lược siêu âm có khả năng mang vũ khí hạt nhân B-1 Lancer bay “thị uy” trên bầu trời Hàn Quốc sáng 13-9 cũng không hiệu quả hơn là bao. Có thể thấy, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một thách đố đầy nguy hiểm và dễ bùng nổ.