"Tha thiết đề nghị thanh tra, phát hiện biến tướng hầu đồng"

ANTD.VN -Đó là một trong những đề nghị mà G.S Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN, người trực tiếp chủ trì soạn thảo “Hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đưa ra trong cuộc họp báo chiều nay, 10-3. 

Đây là lần đầu tiên kể từ khi di sản này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ VHTT&DL tổ chức họp báo nhằm công bố các hoạt động trong Lễ đón Bằng công nhận, dự kiến tổ chức vào ngày 2-4 tại Quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định.

Khó hạn chế “lách luật” hầu đồng

Mặc dù nội dung chính của cuộc họp báo là công bố “tin vui”, tuy nhiên, các thông tin về Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cung cấp cho phóng viên tham gia họp báo lại quá sơ sài, vì lẽ, kịch bản của chương trình nghệ thuật chào mừng cho đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh Nam Định “chốt”.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được các chuyên gia UNESCO đánh giá cao (Ảnh Đoàn Kỳ Thanh)

Phóng viên tham dự họp báo đã đưa ra nhiều câu hỏi xoay quanh việc, có mời các nghệ nhân tham dự phần thực hành tín ngưỡng hầu đồng hay không và nếu có thì mời nghệ nhân nào? Cho đến khi Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, người chủ trì họp báo yêu cầu Nam Định tiếp thu và phân tích rõ thì mới thống nhất được rằng, sẽ không có màn thực hành tín ngưỡng hầu đồng trên sân khấu mà chỉ có hát văn, được biểu diễn bởi các diễn viên mà thôi. Đến khi đó, các câu hỏi đặt ra cho lãnh đạo tỉnh Nam Định của các cơ quan báo chí mới tạm dừng lại.

Cũng có nhiều thắc mắc khi Bộ VHTT&DL công bố 5 đầu việc nhằm hạn chế biến tướng của di sản đầy “nhạy cảm” này. Thứ nhất là cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng. Thứ hai, tuyên truyền để các thanh đồng hiểu được giá trị nhân văn cao đẹp, tiếp đó là tuyên truyền giá trị di tích đến cộng đồng; vinh danh khen thưởng, khuyến khích cung văn giỏi; cuối cùng là ngăn chặn và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, gây chia rẽ đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng.

Trả lời phóng viên với tư cách người chủ trì soạn thảo Hồ sơ di sản, GS Nguyễn Chí Bền cho biết, đối với việc xác định chuẩn trang phục, thì cần phải phân biệt rõ 3 đối tượng là chủ thể sáng tạo, người thực hành và khách thể. Trang phục có được chấp nhận hay không do cộng đồng chấp nhận.

Âm nhạc, vũ đạo, lời ca, trang phục của hầu đồng hấp dẫn người xem (Ảnh:  Đoàn Kỳ Thanh)

Một trong những màn được cho là “hấp dẫn” của hầu đồng xưa nay là ban thưởng. Nhiều thanh đồng có của, khi ban thưởng thì thường tung tiền trắng xóa, người đi xem lao vào tranh cướp, liệu hình ảnh này có phản cảm và Bộ sẽ chấn chỉnh thế nào? Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo ANTĐ, ông Nguyễn Chí Bền cho biết, ủng hộ việc cấm vung tiền, tuy nhiên cũng cần phải có các cuộc thảo luận để đưa ra quy định về ban thưởng cho rõ ràng hơn.

Sân khấu hóa cũng dở…

Ngay sau khi được UNESCO vinh danh, các hoạt động của hầu đồng trở nên sôi nổi, bên cạnh đó xuất hiện nhiều những cuộc tranh luận, chùa là nơi thanh tịnh, có nên hầu đồng trong chùa không, dù cho đó là hầu ở ban Mẫu. Bằng chứng là đã có rất nhiều chùa thời gian gần đây lảnh lót cung văn, người đội lễ mâm xôi thủ lợn, khăn áo sặc sỡ ra vào, vung tiền ném lộc làm ảnh hưởng đến cửa thiền thanh tịnh.

Thực tế là, một thời gian dài trong quá khứ, hoạt động này bị cấm, khi lệnh cấm được dỡ bỏ thì một bức màn sương huyền ảo đã phủ lên di sản, gây tò mò cho rất nhiều người. Chính vì vậy, cho tới thời điểm hiện tại, nhiều chương trình chầu văn kết hợp hầu đồng được sân khấu hóa thu hút được sự quan tâm đông đảo của người dân. Hầu đồng xuất hiện trên thuyền của những liền anh liền chị quan họ hát giao duyên, ở hội chợ, ngày hội thơ…Đây cũng lại là mặt trái, bởi lẽ các nhà nghiên cứu quan niệm, hầu đồng là một nghi thức tâm linh và đương nhiên nó không thể tách rời môi trường tín ngưỡng được. Có nghĩa, nếu tổ chức trên sân khấu đương nhiên hầu đồng hỏng.

Không thể tách việc hầu đồng ra khỏi môi trường tín ngưỡng (ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)

Ông Nguyễn Chí Bền cho biết, bản thân ông không ủng hộ việc mang hầu đồng ra khỏi đền, phủ. Tuy nhiên, việc tổ chức trong chùa cũng được, nếu như chùa đó có ban Mẫu. Phóng viên hỏi thêm, điều đó đồng nghĩa với việc cứ có ban Mẫu thì chùa nào cũng được tổ chức hầu đồng chăng? Hỏi đến đây, người chủ trì soạn thảo hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ khẳng định, không phải chùa nào cũng có thể mang hầu đồng vào, đồng thời ông nhấn mạnh: “Tôi tha thiết đề nghị thanh tra Bộ VHTT&DL vào cuộc phát hiện, xử phạt những biến tướng hầu đồng”.

Xiên lình, một trong những bí ẩn không thể lý giải của hầu đồng (Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh)

Theo đại diện Thanh tra Bộ VHTT&DL, việc xử phạt biến tướng hầu đồng và trục lợi… sẽ được thực hiện theo Nghị định 158 của Chính phủ ngày 12-11-2013 (hiện tại nghị định này đang được chỉnh sửa). Tại điều 15 khoản 2, mục a và điều 23, khoản 2, mục a quy định rõ các hành vi bị xử phạt.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh, bên cạnh việc thực hiện chương trình hành động mà Hồ sơ Di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã đề ra, trong thời gian tới các hoạt động tuyên truyền phổ biến giá trị di sản, thực hành tín ngưỡng tiếp tục được đẩy mạnh, yêu cầu những người thực hành tham gia phát huy bảo tồn di sản. Chỉ có làm tốt việc phổ biến giá trị đích thực thì mới mong đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong các giá hầu.