Thả hàng nghìn muỗi vằn mang vi khuẩn ức chế sốt xuất huyết vào môi trường

ANTD.VN - Dự kiến bắt đầu từ tháng 3 tới, loại muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sẽ được thả tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nằm trong dự án loại trừ sốt xuất huyết ở Việt Nam. 
Dự kiến bắt đầu từ tháng 3 tới, loại muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sẽ được thả tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nằm trong dự án thí điểm loại trừ sốt xuất huyết.

Loại muỗi vằn Wolbachia đã được nhân nuôi thành công, chuẩn bị được thả thí điểm tại một xã thuộc TP Nha Trang

Bộ Y tế vừa phê duyệt kế hoạch thả thí điểm muỗi mang Wolbachia, nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết dengue (SXH) vào khu dân cư ở TP Nha Trang. Đây là chương trình thuộc dự án hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam.

Theo phương án vừa được Bộ Y tế phê duyệt, trong năm nay sẽ thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (các thôn Lương Sơn 1-2-3, Văn Đăng 1-2-3 và Võ Tánh 1-2).

Thời gian thả muỗi dự kiến bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài trong 12-18 tuần, kết thúc vào tháng 6-2018. Mỗi tuần sẽ thả trung bình một con muỗi Wolbachia trên mỗi 25 m2, tương đương khoảng 100 con muỗi trong diện tích 2.500m2.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Phó Giám đốc dự án hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam, trước khi tiến hành thả muỗi ở Nha Trang, dự án sẽ tổ chức tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến bằng cách phát phiếu khảo sát. Việc thả muỗi Wolbachia chỉ được tiến hành sau khi có được sự đồng thuận cao của cộng đồng (từ 80% trở lên).

Trước đó, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng các nhà khoa học Australia đã nuôi thành công dòng muỗi Aedes Aegypti mang vi khuẩn Wolbachia. Muỗi được bắt từ đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa. Muỗi Wolbachia đã được thả tại các hộ gia đình trên đảo Trí Nguyên hai đợt, vào tháng 4-9/2013 và tháng 5-11/2014.

Kết quả thí điểm tại đảo Trí Nguyên cho thấy, trước khi thả muỗi Wolbachia năm nào cũng có số ca mắc SXH rất cao, nhưng từ khi kết thúc thả muỗi Wolbachia năm 2014 đến nay chưa xảy ra bất cứ ổ dịch SXH tập trung nào. Tháng 8-2016, kết quả nghiên cứu thí điểm ứng dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên đã được Bộ Y tế nghiệm thu về tính an toàn, khả năng ức chế virus Dengue.

Được biết, Wolbachia là một loại vi khuẩn có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue gây SXH và Zika, nhưng muỗi vằn trong tự nhiên lại không mang Wolbachia. Muỗi cái tự nhiên giao phối với muỗi đực mang Wolbachia, trứng đẻ ra sẽ không phát triển thành muỗi, trong khi muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực tự nhiên hay muỗi đực mang Wolbachia đều sinh ra trứng có khả năng phát triển thành muỗi mang Wolbachia.

Năm 2013, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới triển khai nghiên cứu thí điểm thả muỗi Wolbachia trên thực địa, sau Australia (triển khai vào 2011). Đến nay đã có thêm Indonesia, Brazil và Colombia triển khai thí điểm này. Australia, Indonesia đã triển khai trên diện rộng ở một số thành phố. Hiện Ấn Độ, Sri Lanka và một số quốc đảo ở Thái Bình Dương cũng bắt đầu tham gia chương trình.