Tết Việt ở Berlin

ANTĐ - Đúng 6h chiều ở Berlin là thời khắc giao thừa ở Việt Nam. Các chợ đèn, nến sáng trưng, khói hương nghi ngút. Chủ hàng quần áo chỉnh tề đọc bài khấn tổ tiên, ông thần tài, thần đất, phù hộ cho phát tài, sai lộc. Lát sau, bà con tới các gian hàng, chúc nhau năm mới buôn may, bán đắt. Những chai champagne nổ tới tấp.

Một nhóm Việt kiều mời mấy bạn người Đức dự bữa tiệc đầu xuân

Đủ phong vị quê hương

Từ Paris hoa lệ, chuyến xe của hãng Eurolines chạy suốt đêm, vượt chặng đường dài 1000km, sáng hôm sau đưa tôi sang Đông Berlin, “nóc nhà của châu Âu”. Mấy tháng sống ở đây, tôi đã tới thăm nhiều nơi nổi tiếng, cũng là những cái nhất của Berlin danh bất hư truyền. Xe tôi lướt đi trong ánh sáng chói lòa của những dãy nhà cao tầng nhiều kiểu đẹp, của những đường phố dài 6 làn xe ô tô xuôi ngược, của nhiều cầu vượt, hầm ngầm, của mức sống nhiều nước chưa thể có được bảo đảm bằng hệ thống phúc lợi hấp dẫn. Tôi cũng dành nhiều thời gian tìm đến với người Việt mình không sống quần cư theo kiểu China Town của người Tàu ở các nước, mà ở xa nhau và chỉ có thể tiếp xúc trong hai ngày nghỉ cuối tuần.

Bà con người mình ở Đức có người định cư tới 30 năm, hầu hết từ 16 đến 20 năm, đều đón cả tết Tây và tết ta. Từ giữa tháng Chạp, chợ và các cửa hàng người Việt đã bày bán những cây thông nhựa, ông già Tuyết, những quả thủy tinh nhiều màu óng ánh và cơ man kẹo bánh, đồ chơi trẻ em… Người mua sắm nhộn nhịp, tưng bừng. Tết Dương lịch được nghỉ nên đêm Giao thừa, cùng với người Đức, nhiều gia đình người Việt đánh xe lên cổng Brandenburg lịch sử ở giáp Tây Đức nghe ca nhạc, xem bắn pháo hoa tới 2, 3h sáng mới về nhà. Nhưng, khác với ta, ngày Tết người Đức ít ra đường, không đến nhà nhau chúc Tết, cũng không thích tiếp khách trong nhà. Vợ chồng, con cái vui với nhau trong tổ ấm bày cây thông, trang trí dây hoa, đèn màu và làm những món ăn cổ truyền.

Tới những ngày giáp Tết Nguyên đán, trong hai chợ bán buôn và các cửa hàng thực phẩm châu Á của người Việt nổi lên những tấm bánh chưng, bánh tét gói bằng lá dong đưa từ Thái Lan sang, giò lụa, thanh chả quế, gói nem chua, cá vây, bóng, mực khô, tôm, cua bể, cá chép và cam, bưởi, phật thủ, hồng đỏ, chuối xanh để bày khay ngũ quả. Lại ê hề các loại mứt, rượu Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, cả lịch treo, báo tết rực rỡ sắc màu đưa từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sang bằng máy bay. Có thiếu chăng là hoa đào Nhật Tân, Quảng Bá, mai vàng Đà Lạt, quất Tứ Liên, phải thay cành đào bằng nilon mỏng, cây quất vàng bằng nhựa cho đỡ nhớ.

Chính ở chợ, bà con mình mới tìm được cái không khí Tết cổ truyền. Chứ ở các khu chung cư cao tầng thì đúng là Tết tha hương, vắng hẳn cái không khí nhộn nhịp đón xuân. Bởi đêm 30 và ba ngày Tết, nhà nào cũng bận đi làm, đi bán hàng nên chỉ đặt lên bàn thờ chai rượu, đôi bánh chưng, con gà luộc, mâm ngũ quả, hết tuần hương thì hóa vàng. Trong giờ phút thiêng liêng này, ai cũng nhớ đến gia đình, quê hương da diết. Có chị ra đứng bên cửa sổ, nhìn bầu trời âm u, tuyết đang rơi, ôm mặt khóc nức nở. Một anh đi làm về muộn, vội vã lấy con gà luộc, cái bánh chưng mua ở chợ, đặt lên bàn thờ, thắp mấy nén hương, vái mấy vái, rồi ngồi thừ trong căn phòng trống lạnh. Nhớ nhà quá, anh gọi điện về Hà Nội, chúc Tết gia đình và sụt sịt: “Con không có thì giờ, đi làm về thì đã quá Giao thừa”. Mẹ anh không giữ nổi nước mắt: “Cả nhà ta vừa ăn cỗ tất niên, đều nhắc đến con. Thôi sang năm về nhà ăn tết đi”. Đặc biệt có anh kế hoạch là ở lại Đức ăn tết, mặc dù 4 năm chưa về Hà Nội nhưng mấy hôm xem VTV4 nhìn các gia đình Việt Nam nhộn nhịp chuẩn bị tết, thế là đùng đùng hôm sau khóa cửa hàng trong chợ lên phòng vé chiếm một chỗ trên máy bay, bất kỳ hãng hàng không nào cũng được. Và anh đã toại nguyện. 

Một gia đình người Việt ở Berlin đón giao thừa

Hướng về Tổ quốc

Trong cộng đồng người Việt ở Đức, đã có dăm chục thương gia trở thành triệu phú. Nhưng, mỗi dịp xuân về, Tết đến, ai nấy lại thấy lòng xốn xang giữa nơi xa xứ. Bởi cái Tết ta tính theo Mặt trăng – âm lịch, đối với người châu Âu rất xa lạ, đó chỉ là ngày làm việc bình thường. Chả thế có một ông chủ hãng cần lao động, đã đặt câu hỏi làm anh thợ người mình phải phì cười: “Sao quê mày không chỉ Noel như tụi tao?”. Thôi thì đã làm quần quật suốt năm, Tết cũng phải nghỉ ngơi, tìm cách quây quần, đoàn tụ. Rất nhiều nhóm bạn – đủ vợ chồng, con cái – tụ họp. Hơn chục đứa trẻ được đưa lên tầng hai để ăn uống và đùa nghịch, nói với nhau toàn bằng… tiếng Đức. Còn bố mẹ chúng, sau màn champagne nổ, sau những lời chúc tụng, lại cùng nhau hàn huyên, tâm sự.

Anh chị em ca ngợi kênh truyền hình VTV4 phát khắp nơi trên thế giới cho đồng bào ta xem, làm ngắn lại khoảng cách xa vời vợi, người mình bớt trống trải, nhất là những ai sống một mình ở nơi xa cộng đồng người Việt, giữa ngày Tết xa quê, chỉ biết ngồi nhìn tuyết trắng rơi ngoài hiên. 

Tới ngày mùng 3 Tết, đại sứ quán Việt Nam cùng Hội Đức – Việt tổ chức gặp mặt đầu xuân với cộng đồng kiều bào ta và Đoàn Ngoại giao. Một số gia đình vượt ba, bốn – thậm chí năm, sáu trăm cây số trong tuyết lạnh để kịp về Berlin ăn Tết. Đôi câu đối đỏ chữ vàng ấm áp lòng người. “Chim có tổ, người có tông, tuy ở cách nghìn sông, không mờ nhạt tổ tông Hồng – Lạc/ Nước có nguồn, cây có cội, dẫu đi xa vạn đỗi, chẳng phai nhòa nguồn cội Rồng - Tiên”. Và cây đào đưa từ Hà Nội sang đang nở hoa. Vừa nghe nhạc bà con vừa thưởng thức các món ăn dân tộc. Ở các bang Đông – Tây Đức, Hội người Việt Nam cũng đón Tết cổ truyền như thế, vơi đi nỗi nhớ nhà.

Ngoài kia, tuyết vẫn rơi. Trong này, tiếng nói, tiếng cười thật ấm cúng giữa mùi hương trầm tỏa ngát không gian.