TẾT TÂY ở ta

ANTD.VN - Những năm gần đây, Tết dương lịch hay còn gọi là Tết Tây vào ngày 1-1 hàng năm đã trở nên thân thiết với người dân Hà Nội, đặc biệt là với giới trẻ, họ cũng háo hức chờ đón Tết dương lịch, tuy cái háo hức không mạnh mẽ như Tết cổ truyền âm lịch nhưng cũng đủ cho người ta mong chờ, đón đợi. 

Không phải chỉ đến sát ngày 1-1 dương lịch mà ngoài ngày 20 tháng 12 trở đi, cái không khí đón chào năm mới được sự cộng hưởng của lễ Giáng sinh đã khiến cho Hà Nội thêm rực rỡ. Trên các tuyến phố quanh hồ Gươm, hồ Tây, hồ Thiền Quang và nhiều con phố chính, được trang hoàng bằng những pa-nô, áp phích, những bồn hoa, đèn màu.

Trong sân hay trước cửa các nhà thờ, các nhà hàng khách sạn như Daewoo, Mélia, Hilton, Métropole... các quán cà phê được trang trí bằng cây thông Noel để kéo dài đến hết Tết dương lịch, thậm chí đến sát Tết âm lịch mới được thay thế bằng cây đào, cây quất.

“Hapy New Year” - giai điệu ca khúc vốn lay động hàng tỷ người trên trái đất cũng  luôn được phát đi trên ti vi, đài phát thanh, máy tính cá nhân, iPad hay điện thoại di động khiến cho người Hà Nội cứ lâng lâng một cảm xúc buồn vui lẫn lộn. 

Thời gian trôi nhanh đến ngày 30 hay 31-12, nếu không rơi vào ngày thứ bảy, chủ nhật thì người ta vẫn đến công sở làm việc nhưng nó khác hơn mọi ngày, ấy là có thêm những lời “Chúc mừng năm mới” và nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn thưởng tiền Tết dương lịch cho cán bộ, công nhân viên. Đêm 30 đường phố Hà Nội rực rỡ đèn màu.

Người ta đến các nhà hàng ăn tiệc, đến quán cà phê nhâm nhi ly cà phê, nước giải khát và nghe nhạc; người ta đến Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội để xem chương trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi hay đơn giản hơn đến các tụ điểm văn hóa quần chúng ngoài trời để xem ca múa nhạc.

Nhưng nhiều nhất vẫn là dòng người đổ về  hồ Tây, hồ Gươm ngắm mặt hồ trong thời tiết giá lạnh hay đi về phía  quảng trường Ba Đình. Họ gửi xe đi bộ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, lòng tự hào dân tộc như được nhân lên bội lần; ngắm nhìn những người lính đang bồng súng đứng gác cho Người ngủ với một sự trân trọng - những người lính vẫn âm thầm làm nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc, nhân dân giao phó. Cảm ơn, xin nghìn lần cảm ơn những người lính. 

Ngày mồng 1 Tết dương lịch, trước đây người lao động không được nghỉ nhưng nay đã được Nhà nước cho nghỉ, thì Hà Nội càng trở nên đông vui nhộn nhịp không chỉ bởi người dân đang sinh sống ở Hà Nội mà cả người dân ở các tỉnh, thành phố khác đổ về.

Trên đường phố, những đôi nam thanh nữ tú ngồi trên xe máy hay tay trong tay đi bộ nắm phố phường, trên khuôn mặt họ ngời lên vẻ hạnh phúc. Ở những nơi như chùa chiền như chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Quán Thánh ngát mùi hương thơm được thắp lên từ hàng nghìn Phật tử. 

Tết Tây mà không nói đến người Tây ở Hà Nội thì thật là một khiếm khuyết. Tết xa quê hương, người Việt Nam hay nhớ nhà thì người Tây cũng nhớ nhà. Đêm giao thừa - đêm 30-12, các nước đều bắn pháo hoa đón chào năm mới.

Những công dân nước ngoài, trong giờ khắc đón chào năm mới họ cũng dõi mắt qua ti vi hay máy tính cá nhân để thưởng thức những chùm pháo hoa rực rỡ được bắn lên từ Thủ đô nước họ. Và khi thấy những chùm pháo hoa đầu tiên được bay vào bầu trời bao la, họ nắm tay nhau, họ ôm lấy nhau, thốt lên “Happy new year!”.