Tết kém vui vì tiếng Việt không sõi

ANTĐ - Một cái Tết đặc biệt đến với gia đình bà Nguyễn Thu Anh năm nay khi con trai bà đưa vợ con từ Bỉ về nước. Mẹ con, bà cháu gặp nhau mừng rơi nước mắt. Chỉ có điều nếu 2 đứa cháu của bà có thể giao tiếp chút ít với gia đình bằng tiếng Việt thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nhiều…

Con em Việt khó thưởng thức hết văn hóa Việt vì rào cản ngôn ngữ

Vui vì một câu chúc Tết

“Cả nhà ồ lên vui vẻ khi được nghe từ cô cháu gái Silvia Trần một câu “Chào bà nội!”. Thế nhưng đó gần như là những từ hiếm hoi mà cháu mình biết bởi bố mẹ cháu đã sinh sống ở Bỉ gần 20 năm nay” – bà Nguyễn Thu Anh, giáo viên nghỉ hưu trường THCS Dịch Vọng cho biết. Chỉ kịp bổ túc cho cậu con trai một câu chúc Tết duy nhất, Kevin Trần đi đâu cũng tạo ra tiếng cười vui vẻ với giọng ngọng nghịu “Chúc mừng năm mới”. “Biết thế này mình cố gắng dành thời gian cho con học thêm chút vốn tiếng Việt giao tiếp với mọi người trong gia đình thì hay biết mấy” – anh Trần Việt Giao, con trai bà Nguyễn Thu Anh tâm sự.

Nhiều câu chuyện cười ra nước mắt khi  “dâu Tây” không biết tiếng Việt muốn tâm sự với mẹ chồng. “Phiên dịch duy nhất là con trai lại đi vắng. Hai mẹ con ngồi chơi với nhau mà chỉ biết cười, ra hiệu, chẳng biết nói gì. Thấy muộn, tôi đành chỉ ra cửa bảo về nghỉ đi, nói mấy lần mà cô con dâu không hiểu. Đến khi con trai về hốt hoảng hỏi mẹ làm gì mà nhà con lại kể là mẹ đuổi cô ấy? Vậy là với bao điều muốn chia sẻ, giải thích về phong tục, tập quán gia đình, quê hương ngày Tết, bà Nguyễn Thu Anh đều phải gác lại vì sợ con cháu “quá tải” tiếng Việt.

Phân tích về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên tiếng Việt, thành phố Karlovy Vary, Cộng hòa Czech cho biết, rất nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình con lai, chỉ có nhu cầu gửi con học một thời gian ngắn trước khi cho con về Việt Nam chơi, để cho con biết vài câu chào ông bà, cô bác. Còn tại Ba Lan, ông Nguyễn Văn Thái, Việt Kiều đang sinh sống ở Ba Lan cho biết, đa số phụ huynh rất bận rộn với công việc làm ăn, phần nữa cũng do chưa nhận thức đầy đủ được sự cần thiết của việc học tiếng Việt nên một số lượng lớn con em trong cộng đồng đều không biết tiếng Việt. Đây là tình trạng chung bởi trong số gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại nhiều nước trên thế giới, công việc làm ăn đã cuốn đi phần lớn sự quan tâm duy trì tiếng Việt cho các thế hệ tiếp theo.

Mong có thêm kênh học tiếng Việt

Vẫn muốn con mình hiểu được văn hóa Việt Nam, biết duy trì quan hệ, giao tiếp với gia đình họ hàng, chị Hoàng Lan, Việt kiều ở Paris cho biết chị phải dày công xây dựng thói quen duy trì vốn tiếng Việt cho con cái sau khi định cư tại Pháp. “Một trong những cách thức ưa thích nhất là cả gia đình thường xuyên đọc báo mạng trong nước. Tuy nhiên, không phải các con có thể hiểu hết khi chúng tôi gặp khá nhiều câu từ trúc trắc, cách hành văn không mạch lạc và nhất là thông tin chưa hấp dẫn” – chị Hoàng Lan cho biết. 

Vấn đề này đã được bà Nguyễn Thanh Hằng, ở Hội Người Việt Nam tại Pháp tổng kết, đưa ra một số đề nghị tới báo chí và truyền thông trong nước. “Thứ nhất báo chí cần viết đúng chính tả, ngữ pháp. Báo chí trong nước cũng cần đưa nhiều tin chất lượng, nội dung súc tích hơn. Nhiều bài báo chúng tôi đem cho những người Việt có kiến thức mà họ bảo là dài dòng, khó hiểu. Báo trong nước cũng nên tăng cường các bản tin song ngữ”. Theo bà Nguyễn Thanh Hằng, Pháp đã có cuốn “Nước Pháp dễ hiểu”. Nếu Việt Nam biên soạn được một cuốn như “Việt Nam dễ hiểu” - với những câu đơn, giải thích văn hóa, lịch sử Việt Nam, in song ngữ càng tốt - thì việc phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẽ thuận lợi hơn. 

Được biết, đến nay Bộ GD-ĐT mới tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt hai chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.  Có thể thấy số lượng chương trình ít như vậy không đáp ứng đa đạng nhu cầu của gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại hơn 100 lãnh thổ, quốc gia trên khắp thế giới. Hiện tại, khi chưa ban hành được nhiều chương trình học tiếng Việt chính thức thì việc cập nhật tiếng Việt qua đời sống thông tin truyền thông được cho là kênh duy trì hiệu quả nhất nhưng còn cần sự đầu tư tốt hơn để đáp ứng được nhu cầu khá cao của kiều bào.